Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2017 tại Việt Nam:

Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung

15:38 - Thứ Hai, 06/11/2017 Lượt xem: 5977 In bài viết

Ngày 6-11, Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) khai mạc tại TP Đà Nẵng với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Đây là lần thứ 2 Việt Nam đảm nhận vai trò nước chủ nhà đăng cai các hoạt động của Năm APEC. Sự kiện đối ngoại quan trọng nhất trong năm 2017 này không chỉ khẳng định đường lối tích cực hội nhập của Việt Nam mà còn thúc đẩy và nâng cao vai trò, vị thế của nước ta trên trường quốc tế. 

 

Một diễn đàn kinh tế bền vững 

Chiếm 39% dân số thế giới, 59% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 48% giá trị thương mại toàn cầu, APEC là thị trường lớn và tiềm năng khi toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu. Diễn đàn phát triển năng động nhất thế giới này ngày càng tỏ rõ sức sống mạnh mẽ sau gần 3 thập kỷ tồn tại và phát triển, góp phần thúc đẩy mở cửa và hợp tác kinh tế - thương mại giữa các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương và hình thành cơ chế buôn bán mở toàn cầu. Cơ quan Hỗ trợ nghiên cứu chính sách của Ban Thư ký APEC (PSU) dự báo, tăng trưởng của khu vực trong năm 2017 có thể đạt 3,8%, cao hơn 0,3% so với mức trung bình của thế giới.

Diễn ra trong bối cảnh liên kết khu vực được thúc đẩy, nhưng chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa cùng hàng loạt thách thức thương mại trong thế kỷ XXI có xu hướng gia tăng. Năm APEC 2017 mà quan trọng nhất là Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại TP Đà Nẵng mang ý nghĩa lớn. Tham dự sự kiện này có hơn 10.000 đại biểu, trong đó có lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên, đặc biệt là sự có mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe...

Để cụ thể hóa chủ đề của Năm APEC 2017 được Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang thông báo tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 24 ở thủ đô Lima (Peru) vào tháng 11-2016, nước ta đã đề ra 4 ưu tiên: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Vì thế, nghị trình của Năm APEC 2017 sẽ góp phần đẩy nhanh việc thực hiện Tuyên bố Bogor 1994, xác định mục tiêu thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư tại Châu Á - Thái Bình Dương đối với các nền kinh tế đang phát triển vào năm 2020, đồng thời chung tay xây dựng tầm nhìn liên kết khu vực trong giai đoạn phát triển mới.

Việc xác định đúng chủ đề, ưu tiên và các hướng hợp tác của Năm APEC 2017 thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược về một Châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển năng động, tiếp tục là đầu tàu của tăng trưởng, liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu; giải quyết thêm bài toán hoàn tất các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư trong 3 năm tới.

Ngoài ra, năm 2017 còn được kỳ vọng sẽ tiếp tục khẳng định vai trò của APEC là diễn đàn khởi xướng ý tưởng, định hướng và điều phối liên kết kinh tế, qua đó thúc đẩy xây dựng một cấu trúc khu vực bền vững, minh bạch, có khả năng thích ứng cao, bảo đảm tính bổ trợ, hài hòa của các cơ chế đa tầng nấc.

Khẳng định vị thế của Việt Nam

Sau gần 2 thập kỷ trở thành thành viên, APEC đã mang lại những tác động tích cực đối với tăng trưởng, phát triển của Việt Nam trên nhiều phương diện. Trong đó, có thể kể đến việc góp phần nâng cao nội lực của đất nước. Hiện nay, các nền kinh tế thành viên APEC chiếm tới 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, 75% thương mại hàng hóa, 79% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, khoảng 80% du học sinh Việt Nam đang học tập tại các nền kinh tế thành viên APEC, có 13 thành viên APEC là các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam. Nhiều nền kinh tế thành viên APEC nằm trong số các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Mỹ, Trung Quốc và Thái Lan...

Kể từ khi gia nhập APEC năm 1998, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm, chủ động thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và các chủ đề khác. Tại các diễn đàn, Việt Nam có tiếng nói độc lập và thuyết phục, góp phần giải tỏa mâu thuẫn giữa các nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực nhạy cảm. 

Đặc biệt, Việt Nam đã tạo ấn tượng mạnh mẽ khi hoàn thành tốt vai trò chủ nhà của Năm APEC 2006, trong đó nổi bật là Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14 tại Thủ đô Hà Nội - một trong những hội nghị được đánh giá có ý nghĩa bản lề, đưa ra những định hướng hợp tác dài hạn cho APEC. Qua đó, vai trò và hình ảnh của Việt Nam trong APEC nói riêng và trên thế giới nói chung được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Với Năm APEC 2017, công tác chuẩn bị cho sự kiện mang tầm quốc tế này đã được Việt Nam thực hiện từ rất sớm, nghiêm túc và chu đáo, trên tất cả các mặt. Trong đó, TP Đà Nẵng là một trung tâm kinh tế phát triển năng động tại miền Trung được lựa chọn làm địa điểm chính diễn ra các hoạt động trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và kỳ vọng tiếp tục góp phần quảng bá hình ảnh đất nước năng động, an toàn, con người Việt Nam thân thiện, mến khách tới bạn bè quốc tế. 

Những ngày này, TP Đà Nẵng đã huy động toàn bộ nguồn lực để tự tin tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 chuyên nghiệp và hiệu quả. Đường phố được chỉnh trang, hoàn thiện hệ thống wifi công cộng, hàng loạt công trình được xây mới và nâng cấp như Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Công viên tượng APEC, Trung tâm Hội nghị và triển lãm Ariyana… 

Đặc biệt, Trung tâm Báo chí quốc tế Đà Nẵng với diện tích 13.400m2 cùng trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn quốc tế. Ngay trước thềm khai mạc, ảnh hưởng của cơn bão số 12 đã gây ra một số xáo trộn trên đường phố Đà Nẵng, nhưng mọi công tác chuẩn bị cho APEC 2017 vẫn được bảo đảm tuyệt đối.

Thành công của Năm APEC 2017 sẽ góp phần định hình một khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năng động, cũng là động lực của nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, Việt Nam đang ngày càng đóng vai trò rõ rệt, nỗ lực tham gia tích cực và khẳng định vị thế là một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết rộng lớn với các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới, duy trì hòa bình và ổn định khu vực.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top