Kỳ họp thứ tư, quốc hội khóa XIV

Quốc hội thảo luận phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; tham nhũng

08:44 - Thứ Tư, 08/11/2017 Lượt xem: 6700 In bài viết
ĐBP - Trong 2 ngày (6 - 7/11), Quốc hội tiến hành thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; phòng chống tham nhũng...

Theo đại biểu Hoàng Ðức Thắng (Quảng Trị), với sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đã đạt những kết quả tiến bộ. Việt Nam là một quốc gia an toàn trong một thế giới còn nhiều biến loạn, phức tạp, đó là thành tựu lớn, đáng trân trọng và ghi nhận. Tuy vậy, đại biểu cho rằng cần thẳng thắn nhận diện những khó khăn, hạn chế, như: tình hình tội phạm gia tăng, tình hình xâm phạm tình dục trẻ em, hành hung đội ngũ thầy thuốc ngay trong các cơ sở khám chữa bệnh thật sự đáng báo động, phá rừng... Theo đại biểu, vừa qua, chúng ta đã đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn về tham nhũng tạo niềm tin ở nhân dân vào quyết tâm của Ðảng và Chính phủ về chống giặc nội xâm này. Tuy nhiên, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ ở cấp xã, huyện hoặc những vụ đặc biệt nghiêm trọng được xã hội quan tâm do cơ quan điều tra trung ương xét xử.

Về tình hình an ninh trật tự tại các bệnh viện, đại biểu cho rằng, tình trạng mất an toàn bệnh viện có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có những nguyên nhân xuống cấp về đạo đức xã hội và bộ phận thanh thiếu niên bất chấp đạo lý và pháp luật.

Phát biểu về tình trạng phá rừng vi phạm quy định về bảo vệ rừng, đại biểu cho rằng: Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc rất quyết liệt nhưng tình trạng phá rừng rất nghiêm trọng ở một số địa phương đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, là một trong những nguyên nhân gây ra lũ lụt nghiêm trọng. Theo đại biểu, nhiều vụ phá rừng quy mô lớn diễn ra trong thời gian dài nhưng chậm được phát hiện và xử lý.

Ðại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) thảo luận về ngăn chặn tội phạm núp bóng doanh nghiệp cần phải có sự chỉ đạo chặt chẽ trong lĩnh vực này, vì đây liên quan đến vấn đề cuộc sống bình yên của người dân, liên quan đến vấn đề tội phạm phát triển rất mạnh. Theo đại biểu Phạm Ngọc Huyền (Ninh Thuận), cử tri nhiều địa phương còn băn khoăn lo lắng là tình trạng buôn bán, vận chuyển và tổ chức sử dụng trái phép các chất ma tuý, người nghiện ma túy ngày càng gia tăng. Ðáng chú ý tội phạm và tệ nạn ma túy đã mở rộng địa bàn hoạt động ra vùng nông thôn, xâm nhập vào học đường, xuất hiện ma túy dạng tem giấy, lá khát, cỏ Mỹ, chứa chất gây nghiện được rao bán trên mạng khó kiểm soát và không xử lý được cả đối tượng bán và người mua.

Ngày 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao năm 2017; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017. Sau đó, cơ quan trình báo cáo giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu. Tổng Thanh tra Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017.

Bà Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Ðiện Biên đã phát biểu tham gia ý kiến về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 tại phiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội.

Dẫn chứng quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền cấp xã và một vụ việc cụ thể, bà Trần Thị Dung cho rằng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là việc vô cùng khó và phức tạp. Nếu vụ việc nhỏ xảy ra tại cơ sở mà không được người đứng đầu cấp chính quyền giải quyết thì sự việc sẽ trở lên phức tạp, khó khăn gấp nhiều lần, nhất là khi người đứng đầu có trình độ, năng lực hạn chế và thiếu tinh thần, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung một giải pháp về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017, đó là: Phải tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; kết quả kiểm tra, giám sát phải được công khai rõ ràng, minh bạch để người dân biết. Những trường hợp ít hoặc không có hy vọng sửa chữa, đề nghị xử lý theo biện pháp mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XIII đã khẳng định “Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý và người đứng đầu”.

Mai Hồng – T.K
Bình luận
Back To Top