Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu bình đẳng giới

15:25 - Thứ Năm, 09/11/2017 Lượt xem: 7107 In bài viết
Trong phiên họp toàn thể tại Hội trường sáng 9/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Có gần 20 ý kiến phát biểu thảo luận và tranh luận, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm với chính sách này.

Bình đẳng giới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; để cụ thể hóa chủ trương này, đồng thời thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trước quốc tế, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Bình đẳng giới và Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2007. Trong đó xác định rõ mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ… Qua hơn 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới và việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới đã đạt được tiến bộ nhưng đồng thời cũng còn nhiều khó khăn thách thức, hạn chế.

Trong phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá, các ý kiến phát biểu đều sôi nổi, thẳng thắn, có trách nhiệm. Nhiều ý kiến xác đáng nhằm thúc đẩy việc thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Trong thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều ghi nhận chính sách về bình đẳng giới đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm; nhiều luật, các văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới từng bước được hoàn thiện, các đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới và các bộ, ngành, địa phương trong công tác triển khai thực hiện Luật bình đẳng giới, góp phần đưa các quy định của luật vào cuộc sống.

Cụ thể, Chính phủ, các bộ, ngành đã quan tâm tới công tác hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới, đã ban hành được nhiều văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới và các quy định về bình đẳng giới trong các luật có liên quan trình Quốc hội.

Hoạt động lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng pháp luật được quan tâm hơn, nội dung lồng ghép ngày càng cụ thể và mang tính khả thi hơn.

Công tác tuyên truyền, phổ biến được triển khai dưới nhiều hình thức, có những hình thức phong phú, góp phần tạo chuyển biến nhất định trong nhận thức trong cán bộ đảng viên và nhân dân về bình đẳng giới.

Tổ chức bộ máy hoạt động về bình đẳng giới đã từng bước được kiện toàn. Việc thực hiện bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, y tế, giáo dục... đặc biệt là vấn đề tham gia chính trị đã đạt được nhiều kết quả.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới còn có những mặt hạn chế, trong đó nổi lên là: Người lao động nữ còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận cơ hội việc làm tốt, về lựa chọn ngành nghề và vị trí việc làm so với nam giới; còn khoảng cách về giới, về giáo dục, về y tế giữa các khu vực vùng, miền và các nhóm dân tộc; việc phụ nữ tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra về bình đẳng giới tại nhiều địa phương còn hình thức, chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên; kinh phí dành cho việc triển khai các nhiệm vụ nhằm thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới còn ít, chưa đáp ứng đủ yêu cầu;…

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, từ các phân tích trên và các nguyên nhân mà các đại biểu Quốc hội đã có ý kiến, Quốc hội đề nghị Chính phủ sẽ tiếp thu hoàn thiện Báo cáo và quan tâm thêm các giải pháp về việc tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến bình đẳng giới, thực hiện lồng ghép giới trong việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và trong xây dựng pháp luật.

Quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực nữ, chăm lo hơn công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, bố trí hợp lý hơn về ngân sách và tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới, chú ý tốt hơn và hiệu quả hơn công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về bình đẳng giới.

“Trên cơ sở xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã có nhiều kiến nghị, giải pháp rất xác đáng, cho nên ngay sau khi phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc, tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu bình đẳng giới trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho hay./.

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top