Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận, tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ

17:50 - Thứ Sáu, 10/11/2017 Lượt xem: 7858 In bài viết
ĐBP - Sáng ngày 10/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về Dự án Luật Đo đạc và bản đồ.

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đồng chí Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đánh giá: Về kỹ thuật lập pháp, dự thảo luật còn quá nhiều điều giao cho Chính phủ và các bộ, ngành quy định chi tiết, cụ thể có tới 10 điều, khoản giao cho Chính phủ và 11 điều, khoản giao cho các bộ, ngành. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, quy định cụ thể hơn để thuận tiện cho quá trình tổ chức, thực hiện luật, khắc phục tình trạng luật khung, luật ống. Ngoài ra, có nhiều nội dung của dự thảo luật trùng lắp với các luật hiện hành; ví dụ quy định về thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, xử lý vi phạm; chức năng, nhiệm vụ trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục, pháp luật của Ủy ban Nhân dân cấp xã... Để tránh dài dòng, đảm bảo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, những nội dung trên nên áp dụng theo Luật Chuyên ngành, không cần thiết phải quy định tại luật này. Đồng thời, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát tất cả những quy định có liên quan của dự thảo luật với luật hiện hành và những dự thảo luật đang trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua, ví dụ: Luật Quy hoạch, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và phát triển rừng… để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

 

Thảo luận, tham gia ý kiến vào Dự án Luật Đo đạc và bản đồ tại tổ thảo luận số 14 (gồm 4 đoàn: Điện Biên, Sóc Trăng, Quảng Bình, Đắc Nông).

Đại biểu Mùa A Vảng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ. Hiện nay, có tình trạng cứ ban hành luật là có chính sách ưu tiên, theo đó tất cả các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, đo đạc bản đồ… đều quy định Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện. Như vậy, với nguồn lực hạn chế như hiện nay, khi triển khai thực hiện sẽ ưu tiên nội dung nào? Đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, đại biểu đề nghị quy định theo hướng “Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện và bố trí kinh phí để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của sự phát triển khoa học, công nghệ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ”.

Về trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các cấp, đại biểu Vảng đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định về trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường trong hoạt động đo đạc và bản đồ, cụ thể: “Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì tham mưu giúp Ủy ban Nhân dân tỉnh quản lý về hoạt động đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh”; bổ sung trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp huyện và cấp xã trong quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ trên địa bàn…

Tin, ảnh: Mai Hồng
Bình luận
Back To Top