Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên:

Cần phải lấy ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp khi ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh

15:43 - Thứ Ba, 14/11/2017 Lượt xem: 8986 In bài viết
ĐBP - Ngày 14/11, tham gia thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Mùa A Vảng và đại biểu Trần Thị Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách về sự cần thiết phải ban hành chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

 

Đồng chí Mùa A Vảng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên thảo luận.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Dung còn nhiều băn khoăn đối với Dự thảo Nghị quyết. Đại biểu cho rằng, về trình tự thủ tục xây dựng nghị quyết, căn cứ Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, nghị quyết này không đảm bảo tiêu chí để xây dựng, ban hành theo trình tự rút gọn quy định tại Điều 146; với đề nghị thông qua theo trình tự, thủ tục tại một kỳ họp theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng chưa đảm bảo các quy định về lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh tại Điều 36. Đại biểu cho rằng, đây là chính sách lớn, cần phải xem xét một cách hết sức thận trọng; phải lấy ý kiến nhân dân và các đối tượng chịu tác động, do đó đề nghị Quốc hội không thông qua tại kỳ họp này, tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, thông qua tại kỳ họp thứ 5 sắp tới; cần phải quy định mức trần tối đa đối với mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý. Cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hồ Chí Minh có đồng thời được hưởng chính sách tiền lương tại nghị quyết này với các chính sách hiện hưởng theo quy định tại các luật chuyên ngành hay không? Vấn đề về chính sách tiền lương, phụ cấp tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc ngành dọc, do Trung ương quản lý nhưng làm việc, sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh cũng cần phải được nghiên cứu, xem xét.

Đại biểu Mùa A Vảng cho rằng, cần quy định thời gian thí điểm để có kế hoạch sơ kết, tổng kết việc thực hiện. Nếu qua 5 năm, kết quả triển khai, thực hiện tốt thì nhân rộng thêm ở một số tỉnh, thành phố khác. Đại biểu không nhất trí với đề nghị của Ủy ban Tài chính – Ngân sách về việc tiếp tục bố trí 18.800 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho thành phố Hồ Chí Minh, vì thành phố đã được hưởng số thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước do UBND thành phố quản lý và phần thu được từ thoái vốn Nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu. Kinh phí này nên dành để bổ sung cho các địa phương khác.

Mai Hồng
Bình luận
Back To Top