Không miễn trừ trách nhiệm, ngành ngân hàng có hoàn thành trách nhiệm tái cơ cấu?

15:15 - Thứ Sáu, 17/11/2017 Lượt xem: 8485 In bài viết
Sáng 17-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tiếp tục đăng đàn. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đã đặt câu hỏi về đề nghị của Ngân hàng Nhà nước cho miễn trách nhiệm đối với các cá nhân tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.


ĐB Trương Trọng Nghĩa.

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, trên thực tế, rất nhiều ngành có rủi ro như: công an, quân đội, tòa án... mà không ngành nào đề nghị có điều khoản này. Vậy nếu Quốc hội không đồng ý cho miễn trách nhiệm thì ngành Ngân hàng có hoàn thành được trách nhiệm hay không?

Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết: Ở đây, Chính phủ cũng như cơ quan soạn thảo chỉ đề nghị xem xét có chính sách để thu hút các cán bộ có năng lực tham gia xử tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém. Ki đề nghị miễn trừ trách nhiệm, chúng tôi không có ý miễn trừ cho các cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật, nhưng mong muốn có quy định để cán bộ có năng lực, trình độ yên tâm công tác, vì phải tăng cường người từ các TCTD Nhà nước sang các TCTD yếu kém. Đây cũng là thông lệ của các nước về trách nhiệm và xem xét với cán bộ thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu.

ĐB Trương Trọng Nghĩa có một câu hỏi khác liên quan đến việc xử lý những tồn tại mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận khi thanh tra hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng giai đoạn 2010 – 2015, trong đó có những tồn tại: Hệ thống tín dụng có nhiều tiềm ẩn rủi ro nhưng Ngân hàng Nhà nước chưa có giải pháp thanh tra đồng bộ và kịp thời; không xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng có vi phạm;

NHNN chưa kịp thời có biện pháp xử lý, chấn chỉnh hữu hiệu đối với một số tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả. Các tổ chức tín dụng có nhiều vi phạm nhưng trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; chậm ban hành quyết định đặt các tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt... gây lên nhiều hệ lụy. Tuy vậy, sau kết luận này, chưa thấy NHNN có động thái xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan. Về điều này, Thống đốc cho biết cơ quan này đang tiến hành kiểm điểm trách nhiệm để báo cáo Thủ tướng, khi có kết quả sẽ thông báo đến ĐB.

Qua buổi chất vấn thứ 2, nợ xấu vẫn là vấn đề khiến các ĐB quan ngại nhất, khi số câu hỏi chất vấn về vấn đề này vẫn khá lớn so với các nội dung khác. Trả lời câu hỏi của ĐB Bùi Văn Xuyền về “vênh” giữa số liệu báo cáo của NHNN về nợ xấu và nhận định của Ủy ban Kinh tế, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết không hề có sự khác nhau về con số giữa 2 cơ quan. “Số liệu về nợ xấu mà chúng tôi báo cáo là nợ xấu nội bảng của TCTD. Đến cuối tháng 9/2017, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD là 2,34%, giảm so với con số 2,46% cuối 2016. Tuy nhiên, nhưng nếu đánh giá một cách thận trọng 1 số khoản tiềm ẩn nguy cơ trở thành nợ xấu và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được, thì đến cuối tháng 9/2017, nợ xấu toàn hệ thống là 566.000 tỷ, giảm hơn so với hơn 600.000 tỷ cuối năm ngoái. Các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu/ tổng dư nợ là 8,61%, giảm so với 10,08% cuối 2016. Chúng tôi đã báo cáo Quốc hội đầy đủ các con số này” – Thống đốc nhấn mạnh.

Cũng trả lời ĐB Tô Văn Tám về nợ xấu, Thống đốc thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà NHNN đã nói rất rõ khi xây dựng đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Việc xử lý nợ xấu có chậm do tình hình kinh tế chưa thực sự phục hồi, hệ thống ngân hàng cũng phải lĩnh nhiệm vụ kép: Vừa cung ứng vốn cho nền kinh tế, vừa tái tơ cấu xử lý tồn tại hạn chế nội bộ - theo Thống đóc, đây là nguyên nhân cơ bản làm quá trình xử lý nợ xấu và cơ cấu lại chưa đạt kết quả mong muốn.

Bên cạnh đó, vẫn là vấn đề cơ chế, chính sách hỗ trợ còn bất cập; thị trường vốn Việt Nam chưa phát triển mạnh, nguồn vốn vẫn dựa nhiều vào hệ thống ngân hàng, nên có những khó khăn nhất định; năng lực quản trị điều hành của một bộ phận tổ chức tín dụng còn hạn chế... Theo Thống đốc, đề án đã đưa ra 6 nhóm giải pháp, đặc biệt tập trung vào hoàn thiện khung khổ pháp lý và “Nếu triển khai quyết liệt, đạt được tiến độ đặt ra trong đề án, có thể đảm bảo các TCTD hoạt động lành mạnh, an toàn và bền vững”.

Cũng với tâm thế lạc quan này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết năm nay dự trữ ngoại hối của đất nước đã lên tới trên 46 tỷ USD, nên với quy mô dự trữ này, cùng chính sách điều hành như hiện nay, ngành ngân hàng sẽ chủ động ứng phó được với biến động của khu vực và thế giới.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top