Hội nghị APEC 2017: Phát hiện 27 cuộc tấn công mạng

16:01 - Thứ Sáu, 17/11/2017 Lượt xem: 5201 In bài viết
Từ 14 giờ hôm nay, 17-11, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tiếp tục trả lời các chất vấn của ĐBQH. Trước đó, kết thúc phiên làm việc buổi sáng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết còn 2 đại biểu đăng ký chất vấn, buổi chiều, Bộ trưởng Bộ TT-TT tiếp tục trả lời các câu hỏi chất vấn.

Làm thế nào để hình thành hệ sinh thái số lớn mạnh tại Việt Nam?

Hiện cả nước có 363 trang mạng xã hội trong nước. Các trang này cơ bản đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành.

 

Bộ trưởng Bộ TT-TT  Trương Minh Tuấn.

Với mạng xã hội nước ngoài, Facebook và Youtube là 2 mạng có đông người dùng Việt Nam sử dụng nhất với gần 90 triệu thành viên (tính đến 30-9-2017, Facebook có khoảng 53 triệu thành viên, Youtube có khoảng 35 triệu thành viên tại Việt Nam). Như vậy, người dùng mạng xã hội Việt Nam chủ yếu dùng mạng xã hội nước ngoài.

Tuy nhiên, các thông tin tiêu cực như xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá nhà nước... chủ yếu tồn tại trên các mạng xã hội nước ngoài do nhận thức của người sử dụng cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm, gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân.

Trả lời chất vấn của các ĐBQB để phát triển mạng xã hội trong nước thay thế mạng xã hội nước ngoài, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết,Facebook, Google, Youtube trở thành những doanh nghiệp (DN) cung cấp mạng lớn nhất toàn cầu. Rất nhiều DN, không chỉ ở Việt Nam có tham vọng xây dựng thương hiệu cạnh tranh với 2 thương hiệu này. Hiện nay chỉ có một số quốc gia có mạng trong nước chiếm ưu thế như Trung Quốc, họ không sử dụng Facebook, Google. Hàn Quốc sử dụng mạng trong nước chiếm ưu thế, Liêng bang Nga có phần mềm tìm kiếm riêng. Còn lại các nước khác lệ thuộc rất lớn vào 2 mạng này.

Tại Việt Nam, từ 2008 đã có một số trang như Bamboo, Xalo, Zingme được kỳ vọng có thể thay thế được các trang mạng nước ngoài. Nhưng sau khi hoạt động được một thời gian, do tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh và do chính sách hỗ trợ đặc biệt của nhà nước, nên Bamboo và Xalo đã phải đóng cửa sau 2 năm. Hiện chỉ có Zingme còn tồn tại nhưng càng ngày càng tụt hậu cả số lượng, người sử dụng. Nếu so với Facebook, Google thì rất thấp. Dù Zingme đã phát triển sang Zalo, mạng có số người Việt Nam sử dụng nhắn tin nhiều nhất nhưng so với 2 mạng kia vẫn rất thấp.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói: “Để hình thành được hệ sinh thái số lớn mạnh tại Việt Nam thì cần có một số cơ chế chính sách, với điều kiện ưu tiên đồng bộ cả thuế, tài chính, giảm thủ tục hành chính, có chính sách ưu tiên đặc biệt để quản lý thông tin hỗ trợ các DN số trong nước phát triển. Lúc đó mới có cơ sở tin tưởng rằng các DN Việt Nam có thể xây dựng các sản phẩm thay thế được Youtube, Facebook trong 5-7 năm tới”.

Cũng theo Bộ trưởng TT-TT, để làm được điều này, các DN phải tập trung xây dựng 4 mảng dịch vụ lớn, xây dựng mô hình 4 nhà: nhà mạng viễn thông, nhà mạng hỗ trợ, nhà quảng cáo trong nước, nhà phát triển tập trung trong nước.

"Chỉ khi tập trung xây dựng tốt mô hình 4 nhà đó mới hy vọng xây dựng được hệ sinh thái số Việt Nam để thay thế 2 mạng lớn là Facebook và Google. Đây là vấn đề rất khó vì thói quen của người dùng và sự tương tác rất lớn 2 nhà mạng trên rất lớn”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận định.

Hội nghị APEC 2017: Phát hiện 27 cuộc tấn công mạng

Trả lời chất vấn của các ĐB về vấn đề an ninh mạng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thừa nhận tình trạng tấn công mạng ngày càng phổ biến, dẫn tới lộ, lọt thông tin và thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức.

Tại Việt Nam từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 11.000 vụ tấn công mạng dưới các hình thức khác nhau. Riêng tại Hội nghị APEC, phát hiện 27 cuộc tấn công có chủ đích vào hệ thống máy chủ, trung tâm báo chí; 17 lỗ hổng được phát hiện và hàng nghìn cuộc có nguy cơ tấn công.

Công tác bảo đảm an ninh mạng luôn được tăng cường, tuy nhiên còn nhiều hạn chế như 41% cơ quan, tổ chức không thực hiện đánh giá rủi ro, không phát hiện nguy cơ mã độc tiềm ẩn trong hệ thống; 51% cơ quan, tổ chức chưa có quy trình thao tác chuẩn để phản hồi, xử lý khi xảy ra sự cố; 73% cơ quan, tổ chức chưa triển khai các biện pháp an toàn thông tin...

Bộ trưởng cho rằng, phải xác định đây là trách nhiệm của tất cả mọi người, mỗi gia đình và tổ chức. Về công tác  quản lý sim, hạn chế sim rác, Bộ trưởng cho biết đã cố gắng xử lý triệt để vấn đề này.

Bộ trưởng nhận sai khi dùng từ "báo chí chính thống" 

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn: Bộ trưởng có trả lời là không gọi là báo chí chính thống, vì không có quan điểm báo chí không chính thống. Tuy nhiên, trong báo cáo của Bộ TT-TT có viết nội dung thông tin trên mạng hiện nay được cung cấp bởi 2 nguồn, thứ nhất từ các cơ quan chính thống (báo chí in, báo chí điện tử, phát thanh truyền hình).

Trả lời ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, nói đến báo chí là nhằm chỉ rõ những cơ quan báo chí được cấp phép theo đúng quy định của pháp luật, báo chí là phải có tôn chỉ mục đích hoạt động.

“Nói như vậy sẽ phân biệt được các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội không được được cấp phép, không có tôn chỉ mục đích hoạt động thì không xem đó là báo chí. Bởi ngay thông tin trên các trang mạng xã hội là không đủ tin cậy và không có cá nhân, tổ chức quản lý, chịu trách nhiệm thông tin trên đó”, Bộ trưởng nói.

Vì vậy, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn xin lỗi ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy vì đúng là trong báo cáo có dùng từ báo chí chính thống.

“Tất cả chúng ta phải phân biệt báo chí với mạng xã hội, chứ không phải báo chí chính thống và báo chí không chính thống. Chính vì vậy trong báo cáo của tôi cũng có cái sai, xin lỗi ĐB Thuý như vậy”, Bộ trưởng nói.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top