Đại biểu Quốc hội Mùa A Vảng tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước

16:00 - Thứ Tư, 22/11/2017 Lượt xem: 10162 In bài viết
ĐBP - Ngày 22/11, tại phiên thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, đại biểu Mùa A Vảng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đã phát biểu ý kiến tham gia góp ý một số nội dung nhằm hoàn thiện dự thảo luật như:

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng tại Điều 1: Đại biểu đề nghị tách điều này thành hai điều, một điều quy định về phạm vi điều chỉnh, một điều quy định về đối tượng áp dụng và quy định về đối tượng áp dụng luật này là: “Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến bí mật Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

 

Đại biểu Mùa A Vảng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên thảo luận.

Về phạm vi bí mật Nhà nước tại Điều 9, đại biểu cho rằng quy định như vậy là chưa đầy đủ, chưa bao hàm được lĩnh vực, phạm vi bí mật Nhà nước; chưa phù hợp với nội dung quy định tại Điều 2 về bí mật Nhà nước ở lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trong thực tế, lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại là các lĩnh vực rất quan trọng, có nhiều nội dung, kế hoạch thuộc bí mật Nhà nước rất cần giữ bí mật, nếu lộ lọt sẽ gây phương hại đến đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh trật tự, trấn áp tội phạm. Do đó, cần phải bổ sung một khoản quy định về “lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại cần giữ bí mật” vào điều này. 

Về phổ biến, nghiên cứu bí mật Nhà nước, quy định Khoản 4, Điều 14 đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ thế nào là “nơi bảo đảm an toàn”? thẩm quyền xác định nơi bảo đảm an toàn để phổ biến, quán triệt nội dung bí mật Nhà nước? “Trong công tác quản lý Nhà nước nói chung việc tổ chức hội nghị, hội thảo, họp trong các cơ quan, tổ chức thường xuyên diễn ra và cũng có rất nhiều nội dung thuộc bí mật Nhà nước được thực hiện tại những hội nghị, cuộc họp đó và đã có những vụ việc lộ lọt bí mật Nhà nước từ chính những cuộc họp tại cơ quan, tổ chức. Từ những vấn đề đặt ra trên đây, thiết nghĩ cần quy định chặt chẽ, cụ thể hơn nội dung tại khoản 4, Điều 14” - Đại biểu Mùa A Vảng nói.

Về giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát tất cả các điều, khoản trong dự thảo luật quy định về các khái niệm như “bí mật Nhà nước, danh mục bí mật Nhà nước…” đưa về Điều 3 để bảo đảm tính logic, bố cục, nội dung của luật.

Theo đại biểu Mùa A Vảng, một số từ ngữ trong dự thảo luật cũng cần được xem xét quy định lại cho rõ hơn như từ “website”, từ ngữ này cần quy định cụ thể để dễ hiểu hơn theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật là tiếng Việt. Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, dễ hiểu. Theo đó, từ “website” nên viết lại là “Trang thông tin điện tử của Việt Nam hoặc quốc tế”.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng trên thực tế trước đây, đã có quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước, hiện tại đã và đang có những bí mật Nhà nước được quản lý, bảo vệ vì vậy dự thảo luật cần quy định thêm điều khoản chuyển tiếp để xác định những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ bí mật Nhà nước đối với những bí mật Nhà nước đã được xác định theo quy định tại Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước số 30 năm 2000.

Tin, ảnh: Mai Hồng
Bình luận
Back To Top