Tinh giản cách nào cho hiệu quả?

10:56 - Thứ Tư, 29/11/2017 Lượt xem: 6814 In bài viết
ĐBP - Tinh giản biên chế - vấn đề thời gian qua luôn “nóng” trên nghị trường từ cấp tỉnh đến cơ sở. Khi mà gần nửa chặng đường đã đi qua, nhưng mục tiêu tinh giản đến năm 2021 đạt tỷ lệ tối thiểu 10% theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn toàn tỉnh còn vô vàn khó khăn, thách thức…

Quyết định số 568 ngày 22/4/2016 của UBND tỉnh phê duyệt Ðề án tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 - 2021) và số lượng cụ thể cần thực hiện tinh giản từng năm của cơ quan, đơn vị. Ðề án nêu rõ, tỷ lệ tinh giản đến năm 2021 và của từng năm, tổng số tinh giản đến năm 2021 là 2.969 người, đạt tỷ lệ 10,6%. Dù đã triển khai rất nhiều các giải pháp, song sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị; kết quả tinh giản rất khiêm tốn khi tỷ lệ tinh giản trung bình mỗi năm mới đạt 0,64%; chưa đạt yêu cầu mỗi năm tinh giản tối thiểu 1,5%.

 

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính ở bộ phận “một cửa” phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ).

Trước thực trạng đó, cuối tháng 3/2017 Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn đã trực tiếp ký ban hành Văn bản đôn đốc đẩy mạnh thực hiện việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB,CCVC). Trong đó xác định 7 nhiệm vụ lớn cần tập trung thực hiện và giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cơ quan, đơn vị trên phạm vi toàn tỉnh tiến hành xây dựng, rà soát lại Ðề án tinh giản biên chế đã được phê duyệt, xác định cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tinh giản biên chế cho từng năm và giai đoạn, đảm bảo đến năm 2021 đạt tỷ lệ tinh giản biên chế tối thiểu 10%. Cùng với việc thực hiện tinh giản biên chế là tiến hành xây dựng đề án cơ cấu lại đội ngũ CB,CCVC, lập danh sách những trường hợp không đáp ứng được tiêu chuẩn của vị trí việc làm mà không thể đào tạo lại được, không bố trí được việc làm khác để đưa vào danh sách tinh giản biên chế… Trước những động thái quyết liệt và giải pháp rõ ràng, cụ thể trong Ðề án cũng như trong chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác tinh giản biên chế; theo lẽ thường tiến độ, kết quả tinh giản biên chế phải chuyển biến tích cực hơn, mạnh mẽ hơn. Song năm 2017 toàn tỉnh cũng chỉ tinh giản được 108 người; nâng tổng số người đã thực hiện tinh giản từ năm 2015 đến nay lên 594 người. Nhưng đó cũng chỉ mới là tinh giản theo con số cơ học mà vấn đề cốt lõi cần thực hiện đó là sắp xếp lại đội ngũ, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ không đáp ứng yêu cầu để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý Nhà nước, phục vụ nhân dân càng khó hơn khi mà có tới gần 90% số người tinh giản thời gian qua là đối tượng nghỉ hưu, chuẩn bị nghỉ hưu.

Thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 - 2021), TP. Ðiện Biên Phủ đã xây dựng Ðề án thực hiện tinh giản 148 người, đạt 10,7% so với tổng biên chế giao năm 2015. Tuy nhiên, đến nay mới thực hiện tinh giản được 29 người và đều thuộc đối tượng… nghỉ hưu trước tuổi. Còn với “siêu sở” như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì việc tinh giản biên chế thời gian qua cũng khó vì nhiều lẽ và mới chỉ tinh giản được 30 người. Ở vùng đặc biệt khó khăn như huyện Mường Nhé, việc tinh giản biên chế cũng chỉ là nhờ vào số người nghỉ hưu và thôi việc theo nguyện vọng, chứ chưa có trường hợp nào nghỉ theo đúng đối tượng tinh giản. Ông Nguyễn Quang Sáng, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị tại huyện Mường Nhé cho biết: Kết quả thực hiện việc tinh giản biên chế mới thực hiện theo nguyện vọng, thực hiện chính sách, chưa đi vào thực chất tinh giản theo yêu cầu nhiệm vụ cải cách bộ máy hành chính. Một trong số những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn tinh giản biên chế như xây dựng đề án vị trí việc làm, cơ cấu lại đội ngũ CB,CCVC là những nội dung mới và khó, chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết.

Cùng với việc thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ tuyển dụng bổ sung không quá 50% số đã thực hiện tinh giản, thôi việc, nghỉ hưu; các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần tập trung hoàn thành Ðề án Vị trí việc làm, xây dựng khung năng lực, mô tả công việc và xây dựng cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức; quy định về tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo quản lý; quy định về tuyển dụng CB,CCVC; nghiên cứu ban hành bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của CB,CCVC. Trên cơ sở đó có căn cứ để đưa ra khỏi bộ máy Nhà nước những người dôi dư không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, yêu cầu nhiệm vụ. Ðối với ngành Y tế, Giáo dục và đào tạo - 2 ngành có số lượng CB,CCVC lớn, chiếm tỷ lệ cao số lượng CB,CCVC trong toàn tỉnh; cần sớm triển khai việc hợp đồng thực hiện nhiệm vụ y tế trường học về trạm y tế địa phương, bố trí nhân viên kế toán, y tế kiêm nhiệm tại nhiều trường học trên cùng địa bàn... Ðối với ngành Y tế cần sớm tham mưu triển khai Thông tư số 51 của Liên bộ Y tế - Bộ Nội vụ về thực hiện mô hình trung tâm kiểm soát bệnh tật ở tuyến tỉnh trên cơ sở sáp nhập các trung tâm có cùng chức năng; điều chỉnh chức năng của các phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế ở phường, thị trấn để tránh chồng lấn ở địa bàn quản lý, phù hợp với tình hình thực tế...

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top