Trả lời kiến nghị cử tri

09:11 - Thứ Sáu, 01/12/2017 Lượt xem: 7444 In bài viết
ĐBP - Cử tri huyện Mường Ảng kiến nghị: - Quyết định số 10/2015/QÐ-UBND ngày 24/7/2015 của UBND tỉnh quy định mỗi tổ dân phố bố trí 1 tổ bảo vệ gồm 3 người (tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố hưởng mức phụ cấp hệ số 0,4 lần mức lương cơ sở; tổ viên hưởng mức 0,3 lần mức lương cơ sở) số lượng này là quá đông, trong khi phụ cấp thấp. Ðề nghị UBND tỉnh xem xét giảm số lượng tổ viên tổ bảo vệ dân phố và tăng mức phụ cấp cho tổ viên tổ bảo vệ.

Trả lời: Căn cứ Nghị định số 29/2013/NÐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NÐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Nghị định số 38/2006/NÐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ về bảo vệ dân phố. Việc chi trả chế độ phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, tổ dân phố và các chi hội kinh phí chủ yếu nguồn cân đối từ ngân sách Trung ương hỗ trợ bằng 2/3 hệ số mức lương cơ sở. Việc quy định mỗi tổ bảo vệ dân phố không quá 3 người là thực hiện đảm bảo phù hợp theo quy định của Nghị định số 38/2006/NÐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ về bảo vệ dân phố.

Theo quy định mức phụ cấp của tổ viên tổ bảo vệ dân phố (0,3 hệ số so với mức lương cơ sở) hiện nay là thấp vì số lượng những người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh có số lượng lớn, ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ 2/3 mức lương cơ sở, ngân sách địa phương không thể cân đối. Do vậy không thể tính toán để quy định mức phụ cấp cao hơn cho chức danh tổ viên tổ bảo vệ dân phố. Thời gian tới, khi triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và các văn bản của Chính phủ; tỉnh sẽ quy định áp dụng mức khoán chi phụ cấp cho người lao động không chuyên trách ở xã, thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có chức danh tổ viên tổ bảo vệ dân phố.

Cử tri TP. Ðiện Biên Phủ kiến nghị: - Ðề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, vận dụng mở rộng địa bàn được hưởng lợi từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/ÐN-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ, Nghị định số 147/2016/NÐ-CP sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 99/2010/NÐ-CP, trong đó có xã Tà Lèng thuộc địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ, nhằm khuyến khích người dân trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn.

Trả lời: Ðiều kiện để diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR là khu rừng đó phải có cung cấp một hay nhiều DVMTR (bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái rừng, giảm diện tích rừng và phát triển rừng bền vững; bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch; dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản); đối tượng được chi trả tiền DVMTR là các chủ rừng của các khu rừng có cung ứng DVMTR (được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao trách nhiệm quản lý rừng,...) theo quy định của Nghị định số 99/2010/NÐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả DVMTR và Nghị định số 147/2016/NÐ-CP ngày 2/11/2016 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2010/NÐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả DVMTR.

Như vậy, chính sách chi trả DVMTR quy định bên sử dụng DVMTR phải trả tiền cho bên cung ứng DVMTR. Do đó, đối với những diện tích đã là rừng (hiện người dân, cộng đồng đang quản lý bảo vệ) thuộc các địa bàn, khu vực trên địa bàn tỉnh không có cung ứng một hay nhiều DVMTR trên hoặc ở khu vực có rừng nhưng không có đối tượng sử dụng DVMTR như: Các nhà máy nước, nhà máy thủy điện… thì không thuộc đối tượng được hưởng lợi từ việc chi trả DVMTR theo chính sách quy định tại Nghị định số 99/2010/NÐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ. Chính vì vậy, Sở NN & PTNT không có cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh xem xét mở rộng địa bàn được hưởng lợi từ việc chi trả DVMTR ra các khu vực khác không có cung ứng DVMTR (trong đó có xã Tà Lèng, TP. Ðiện Biên Phủ).

(Còn nữa)

Bình luận
Back To Top