Một số nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIV

17:42 - Thứ Bảy, 09/12/2017 Lượt xem: 5816 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh luôn được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm và có nhiều đổi mới. Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIV, diễn ra từ ngày 7 - 9/12, có 8 câu hỏi chất vấn liên quan đến 6 nhóm vấn đề: Xây dựng; quản lý khu dân cư; xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật; khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế; thực hiện chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo; tinh giản biên chế công chức, viên chức. Các nội dung chất vấn của đại biểu đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, chủ yếu phản ánh những tồn tại, hạn chế gây khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ. Trên cơ sở phân cấp chức năng, nhiệm vụ được giao, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành đã thẳng thắn giải trình, làm rõ. Báo Điện Biên Phủ điện tử trích đăng một số nội dung chất vấn và trả lời chất vấn để bạn đọc theo dõi.

* Vấn đề vướng mắc tại khu dân cư Bom La

Đại biểu Vùi Văn Nguyện, Tổ đại biểu huyện Điện Biên chất vấn UBND tỉnh:

Theo phản ánh của các hộ dân, khu dân cư Bom La, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên được phê duyệt quy hoạch chi tiết theo Quyết định sô 971/QĐ-UBND ngày 22/9/2011 của UBND tỉnh, đang phát sinh một số vấn đề như sau:

1. Hiện nay các hộ dân sinh sống ở đây không thuộc thôn bản, xóm, phố nào đã gây phát sinh nhiều vấn đề phức tạp như: đăng ký hộ khẩu, khai sinh, làm chứng minh nhân dân, xác nhận đảng viên nơi cư trú, xây dựng không theo quy hoạch, cây xanh bị chặt đốn tùy tiện, vệ sinh môi trường không ai quản lý.

2. Trong quy hoạch khu dân cư còn hơn 1.000m2 đất trong quy hoạch nhưng chưa giao cho ai quản lý rất lãng phí.

Đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh cho biết trách nhiệm xem xét các nội dung nêu trên thuộc về cơ quan nào? Giải pháp của UBND tỉnh trong đối với các nội dung trên?

 

Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trả lời chất vấn. Ảnh: Nguyễn Hiền

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, đồng chí Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trả lời chất vấn:

1. Tại Quyết định số 1286/QĐ-UBND ngày 20/12/2011 về việc Chấp thuận đầu tư dự án xây dựng khu dân cư mới Bom La, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, UBND tỉnh đã giao UBND huyện Điện Biên: "Trực tiếp quản lý quy hoạch chi tiết, giám sát việc thực hiện xây dựng, nhận bàn giao và đưa vào sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo đúng các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản hiện hành của Nhà nước”.

Tại Quyết định số 1288/QĐ-UBND ngày 20/12/2011 về việc ban hành Quy định cụ thể về cơ chế, chính sách thực hiện Dự án đầu tư xây dụng khu dân cư mới Bom La, UBND tỉnh đã giao UBND huyện Điện Biên: "Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng và các ngành liên quan trong việc quản lý quy hoạch khu dân cư; kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý trật tự xây dựng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường trật tự an toàn xã hội của dự án triển khai trên địa bàn theo quy định hiện hành. Tiếp nhận quản lý và khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật theo nội dung chấp thuận đầu tư”.

Như vậy công tác quản lý dân cư, quản 1ý quy hoạch, trật tự xây dựng tại khu dân cư Bom La thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của UBND huyện Điện Biên.

Thục hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, UBND huyện Điện Biên đã ban hành Quy định quản lý quy hoạch khu dân cư Bom La kèm theo Quyết định số 5183/2014/QĐ-UBND ngày 17/11/2014. Ngày 27/4/2014, UBND huyện Điện Biên đã tiếp nhận toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư tại khu dân cư Bom La từ Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Biên để quản lý theo quy định.

Hiện nay, tại khu dân cư Bom La có 78 hộ với 260 nhân khẩu đang sinh sống (theo báo cáo của huyện Điện Biên), trong đó có một số hộ dân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và xây dựng nhà ở, đăng ký hộ khẩu về các đội 5, 4A, Cl7A, xã Thanh Xương; một số hộ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và xây dụng nhà ở nhưng chưa đăng ký hộ khẩu tại xã Thanh Xương gây khó khăn cho công tác quản lý hành chính trên địa bàn.

Theo quy định tại Điều 7, Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội Vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố, thì hiện nay khu dân cư mới Bom La chưa đủ điều kiện để thành lập là thôn, bản mới; nên phát sinh một số vấn đề gây ảnh hướng đến đời sống của một số hộ dân sinh sống trong khu vực. Ngay khi nhận được phản ánh của người dân và cử tri tại đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XIV, UBND huyện Điện Biên đã chỉ đạo Đảng ủy, UBND xã Thanh Xương, chính quyền đội 5 xã Thanh Xương thực hiện công tác quản lý dân cư đối với các hộ dân sinh sống tại khu dân cư Bom La. Đồng thời, UBND xã đã thông báo đến các hộ dân đang sinh sống tại khu dân cư Bom La liên hệ với Bí thư, đội trưởng đội 5 để xác nhận các giấy tờ liên quan như: đăng ký hộ khẩu, tạm trú, khai sinh, làm chứng minh nhân dân, xác nhận đảng viên nơi cư trú…

2. Đối với nội dung trong quy hoạch khu dân cư còn hơn 1.000m² đất trong quy hoạch nhưng chưa giao cho ai quản lý:

Theo Quyết định số 1286/QĐ-UBND và Quyết định số 1288/QĐ-UBND ngày 20/12/2011, công tác quản lý đất đai theo quy hoạch chi tiết triển khai dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt thuộc trách nhiệm của UBND huyện Điện Biên. UBND tỉnh giao UBND huyện Điện Biên chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, nhà đầu tư, các ngành, đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát xác định rõ diện tích đất đã được quy hoạch xây dựng khu dân cư Bom La nhưng chưa được giao đơn vị quản lý. Trên cơ sở đó, thống nhất liên ngành, tham mưu nội dung cho UBND tỉnh xem xét xử lý phần diện tích đất này theo quy định. Thời gian hoàn thành trong quý I/2018.

* Vấn đề về tinh giản biên chế

Đại biểu Lê Hoài Nam (Chánh Văn phòng HĐND tỉnh) chất vất Giám đốc Sở Nội vụ:

Theo Tờ trình số 1531/TTr-UBND ngày 29/11/2017, dự kiến năm 2018 giảm 1 biên chế của Văn phòng HĐND tỉnh so với biên chế năm 2017 để thực hiện tinh giản (tổng giảm 1 biên chế so với năm 2015, đạt tỉ lệ tinh giản 20%). Như vậy để đạt chỉ tiêu tinh giản biên chế (100%) thì Văn phòng HĐND tỉnh giảm tổng cộng 5 biên chế. Vậy việc tinh giản biên chế Văn phòng HĐND tỉnh là tính trên tổng số 37 biên chế của các cơ quan của HĐND và Văn phòng HĐND tỉnh hay chỉ tính trong số 25 biên chế của Văn phòng HĐND tỉnh?

Đến nay, Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh phân loại các cơ quan hành chính và đánh giá tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành, cơ quan theo yêu cầu tại Kế hoạch số 15 KH/TU ngày 31/10/2017 của Tỉnh ủy để làm cơ sở cho việc đề xuất tinh giản biên chế chưa?

Ông Lê Hữu Khang, Giám đốc Sở Nội vụ trả lời chất vấn:

Trả lời câu hỏi 1:

Đề án tinh giản biên chế của Văn phòng HĐND tỉnh ký trình theo Đề án số 137A/ĐA-VP ngày 25/7/2015, sau đó được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó tổng biên chế Văn phòng HĐND tỉnh được giao 37 biên chế, bao gồm cả biến chế lãnh đạo thường trực HĐND, lãnh đạo chuyên trách của các ban và 25 biên chế lãnh đạo, công chức của Văn phòng HĐND tỉnh. Trong đề án nêu: lộ trình đến năm 2021 tinh giản 4 biên chế.

Sau khi chia tách Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội đã điều chuyển 6 người (5 công chức và 1 hợp đồng 68) sang. Theo đề xuất của UBND tỉnh thì Bộ Nội vụ đã giữ 5 biên chế cho Văn phòng HĐND tỉnh. Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, số lượng cán bộ chuyên trách Thường trực HĐND, các ban của HĐND tăng lên nhưng đến thời điểm hiện tại tổng số biến chế giao là 37 (gồm 12 chuyên trách và 25 biên chế Văn phòng HĐND) bằng thời điểm năm 2015, lúc xây dựng Đề án tinh giản biên chế.

Theo đề án tinh giản biên chế của Văn phòng HĐND tỉnh thì trong tổng số 25 biên chế của Văn phòng HĐND tỉnh có 4 lãnh đạo (1 chánh văn phòng, 3 phó chánh văn phòng) và 21 công chức (17 chuyên viên, 4 kế toán, văn thư, thủ quỹ, lưu trữ). Nếu sắp xếp thực chất thì tinh giản đối với chuyên viên là 4 người, khi thực hiện phương án này còn 13 chuyên viên. Nếu theo chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng thì thực hiện sắp xếp vẫn đảm bảo nhiệm vụ được giao. Văn thư, lưu trữ đang được tách riêng ra thành 2 vị trí thì có thể bố trí văn thư kiêm lưu trữ sẽ giảm 1 vị trí.

Trả lời câu hỏi 2

Trong Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, tại phần 4 mục IV có ghi: “Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuọc Trung ương triển khai các nội dung liên quan đến năng cao hiệu quả quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng phương án sắp xếp lại tổ chức bộ máy, thu gọn đầu mối trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc hệ thống hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cấp xã”.

Hiện nay, các cơ quan Trung ương đang tích cực chuẩn bị các đề án, trong đó có việc triển khai thực hiện Nghị Quyết Trung ương 6, Kết luận số 17/KL-TW ngày  11/9/2017 của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện tinh giản biên chế của các tổ chức trong hệ thống chính trị năm 2015 - 2016; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp 2017 - 2021. Đề xuất sửa đổi Luật, các Nghị định của Chính phủ như Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP quy định về cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; các Thông tư hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương có liên quan về tổ chức bộ máy trong toàn hệ thống chính trị.

Như vậy, việc rà soát sắp xếp, phân loại các cơ quan hành chính đều thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quy định, hướng dẫn. Do đó nội dung này phải chờ khi có nghị định, thông tư hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương mới triển khai thực hiện được.

* Vấn đề xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Đại biểu Tẩn Minh Long (tổ đại biểu huyện Mường Ảng) chất vất lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường:

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, các bể thu gom chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau khi sử dụng đã đầy nhưng chưa được xử lý. Thực trạng này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Vì sao các bao gói thuốc BVTV qua sử dụng tồn tại đã lâu mà chưa được xử lý? Giải pháp của của cơ quan chức năng để khắc phục vấn đề này như thế nào?

 

Đại biểu Tẩn Minh Long (tổ đại biểu huyện Mường Ảng) đặt câu hỏi chất vất tại hội trường. Ảnh: Nguyễn Hiền

Ông Bùi Châu Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời:

Thực thiện Chỉ thị 11/CT-UBND của UBND tỉnh, ngày 28/3/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Văn bản 212/STNMT-MT về việc phối hợp thu gom vận chuyển, xử lý thuốc BVTV hết hạn sử dụng và bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Trong đó đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát thống kê số lượng, khối lượng, chủng loại hóa chất BVTV hết hạn sử dụng, bao gói hóa chất BVTV sau sử dụng trên địa bàn quản lý, đồng thời xây dựng nhu cầu kinh phí để thưc hiện thu gom, vận chuyển và xử lý.

Tổng khối lượng hóa chất BVTV hết hạn và bao gói hóa chất BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh thống kế đến hết cuối năm 2017 là 722kg và 11,2 lít, tại TP. Điện Biên Phủ và các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà, Mường Nhé, Tuần Giáo.

Do trên địa bàn tỉnh và các tỉnh khu vực Tây Bắc không có đơn vị nào đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật xử lý, vì vậy việc xử lý phải hợp đồng với các đơn vị ở khu vực miền xuôi. Tuy nhiên, do khối lượng bao gói thuốc BVTV phát sinh trên địa bàn tỉnh nhỏ (dưới 1 tấn), nằm rải rác ở các huyện, nên các đơn vị đủ điều kiện xử lý không muốn hợp đồng thu gom xử lý mặc dù Sở Tài nguyên và Môi trường đã liên hệ.

Đến cuối tháng 11/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất được với Công ty Môi trường Xanh (địa chỉ Lô 15 khu Công nghiệp Nam Sách, tỉnh Hải Dương) để vận chuyển (bằng xe chuyên dụng) bao bì thuốc BVTV từ Điện Biên về Hải Dương để xử lý với kinh phí dự toán khoảng 150 triệu đồng.

Để khắc phục vấn đề trên, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh tiếp tuc chỉ đạo hướng dẫn UBND cấp huyện, xã tăng cường quản lý việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Chú trọng bổ sung số lượng bể chứa bao gói thuốc BVTV theo quy định. UBND cấp huyện, UBND cấp xã rà soát, xây dưng bổ sung bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, đảm bảo tối thiểu 1 bể/3ha đất cây trồng hàng năm hoặc 10ha đất canh tác cây trồng lâu năm; thực hiện xây dựng bể chứa theo quy cách, vị trí đặt bể chứa đảm bảo (theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường về thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV).

Hiện tại số lượng bể chứa còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu, hiện mới chỉ có 52 bể chứa. Đối với các bể thu gom chứa bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng hiện đã đầy nhưng chưa được xử lý, đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã kịp thời bổ sung bể chứa, trước mắt có thể tạm thời lưu chứa tại các bể chứa bao bì thuốc BVTV khác hiện có trên địa bàn, đảm bảo theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định mức kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý thuốc BVTV hết hạn sử dung và bao gói thuốc BVTV sau sử dung đã thống kê năm 2017 và số phát sinh mới đến đầu năm 2018, hợp đồng với đơn vị xử lý đủ điều kiện vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV theo đúng quy định, việc xử lý không quá trong quý I/2018.

* Vấn đề bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT

Đại biểu Vi Thị Hương chất vấn:

Theo báo cáo tình trạng bội chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) 9 tháng đầu năm 2017 là 87 tỷ (dự ước cả năm khoảng 120 tỷ). Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Y tế cho biết nguyên nhân do đâu? Trong thời gian tới ngành có giải pháp, kiến nghị gì để giảm tình trạng bội chi quỹ BHYT?

Ông Triệu Đình Thành, Giám đốc Sở Y tế trả lời:

Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó chủ yếu là các nguyên nhân khách quan do áp dụng các quy định, chính sách mới trong khám, chữa bệnh BHYT. Theo đó, do thay đổi chính sách, quyền lợi của người bệnh tham gia BHYT được mở rộng, theo luật BHYT sửa đổi bổ sung năm 2014 các đối tượng trước đây phải đồng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh BHYT (người nghèo, dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội) nay được quỹ BHYT chi trả 100%. Việc thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh BHYT theo Thông tư 40/2015/TT-BYT, ngày 16/11/2015 của Bộ y tế tạo điều kiện cho bệnh nhân có thẻ BHYT có thể khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở đồng hạng trên địa bàn, vì vậy số lượng bệnh nhân khám và điều trị tại các cơ sở y tế tăng cao. Cụ thể, 9 tháng đầu năm đã có 682.609 lượt bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT tăng 10% so với cùng kỳ 2016. Do đó làm gia tăng chi phí sử dụng dịch vụ và chi phí thuốc, hóa chất, vật tư dẫn đến tăng kinh phí khám chữa bệnh BHYT. Việc thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Liên bộ y tế, tài chính khiến giá dịch vụ kỹ thuật tăng: tiền công khám tăng khoảng 200%, tiền giường nằm điều trị nội trú tăng khoảng 280%, giá dịch vụ kỹ thuật tăng khoảng 60%. Trong khi đó các đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh chiếm 98,5% nhưng chủ yếu thuộc diện nhà nước đóng BHYT, do đó quỹ khám chữa bệnh BHYT của tỉnh thấp. Nguồn quỹ thấp, trong khi nhu cầu và đối tượng khám tăng là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh cũng như toàn quốc. Ngoài ra cũng có một số nguyên nhân chủ quan khác, như: chỉ định thực hiện một số dịch vụ, thuốc chưa hợp l‎ý; sự phối hợp quản lý giữa các đơn vị trong việc tiếp nhận bệnh nhân thông tuyến chưa chặt chẽ; một số bệnh nhân chỉ định vào điều trị nội trú chưa phù hợp vời tình trạng bệnh.

Về giải pháp sẽ triển khai trong thời gian tới, ngành y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh BHYT sử dụng quỹ BHYT tiết kiệm, hiệu quả; chỉ đạo các hoạt động chuyên môn phù hợp với chuẩn đoán và yêu cầu điều trị, trên cơ sở đó kê đơn hợp lý đảm bảo tiết kiệm tránh lãng phí; thực hiện tốt việc kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT, quản lý người bệnh đến khám tại cơ sở y tế tránh lạm dụng trục lợi; đẩy mạnh tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, sử lý kịp thời đối với các hành vi sai phạm nhất là trong quản lý quỹ khám chữa bệnh BHYT; tăng cường công tác tuyên truyền về quyền lợi, trách nhiệm khi khám chữa bệnh BHYT sâu rộng đến cán bộ y tế và người dân.... Bên cạnh đó để đảm bảo nguồn kinh phí ngành y tế cũng đề nghị Chính phủ và BHXH Việt Nam cấp bổ sung, kịp thời quỹ khám chữa bệnh BHYT cho tỉnh.

* Vấn đề sai phạm và khắc phục sai phạm trong thực hiện chính sách đối với hộ nghèo theo Quyết định 755/QĐ-TTg, ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính Phủ ở Nậm Pồ

Đại biểu Hà Quốc Thịnh chất vấn:

Căn cứ vào văn bản nào UBND huyện Nậm Pồ phê duyệt 6 xã nằm ngoài đề án theo Quyết định 275/QĐ-UBND, ngày 10/4/2015 của UBND tỉnh Điện Biên về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định 755/QĐ-TTg, ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính Phủ? Đến thời điểm này, chủ đầu tư đã thanh toán tiền về việc cấp máy nông cụ của 14 xã cho doanh nghiệp chưa? Tại xã Nậm Nhừ có 4/6 bản chưa có điện (Huổi Lụ 1, 3, Nậm Chua 1, 3) mà chủ đầu tư lại cấp loại máy phải dùng điện; hiện còn 25 máy nông cụ chưa phát cho các hộ nghèo. Một số hộ nhận máy về cũng không sử dụng được vì không có điện vận hành. Như vậy việc cấp máy nông cụ có đúng với nguyện vọng đăng ký của người dân không? Để xảy ra sự việc nêu trên, trách nhiệm của tập thể và cá nhân đã được xử lý như thế nào? Là cơ quan thường trực, chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh về vấn đề trên, trong thời gian tới để xử lý vấn đề này ra sao? Trách nhiệm của Ban dân tộc tỉnh trong công tác quản lý nhà nước đến đâu về vấn đề này?

Đồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời:

Ngày 10/4/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định 275/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2014 – 2015. Sau khi đề án được phê duyệt và Trung ương bố trí vốn năm 2015, 2016 để thực hiện, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Ban Dân tộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tham mưu phân bổ chi tiết kế hoạch vốn để tổ chức triển khai thực hiện. Trên cơ sở rà soát xác định đăng k‎ý nhu cầu, sẽ tiến hành cấp vốn để các địa phương chủ động tổ chức triển khai thực hiện. Tại huyện Nậm Pồ, năm 2016 được giao 14,047 tỷ đồng. UBND huyện giao Phòng Dân tộc làm đầu mối, phối hợp với các phòng ban chuyên môn của huyện và giao UBND các xã làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, huyện đã để xảy ra sai phạm về số xã và số lượng đối tượng thụ hưởng (UBND huyện đã tự ký quyết định điều chỉnh tăng thêm 6 xã, với 145 hộ sai đối tượng thụ hưởng); một số máy móc không đúng với hợp đồng và nguyện vọng của người dân; giá cung ứng trong hợp đồng cao hơn mặt bằng giá cả chung của thị trường và để xảy ra một số sai phạm khác trong quản lý dự án và đấu thầu. Những sai phạm này làm giảm hiệu quả của đề án, gây mất lòng tin của người dân đối với chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Đầu năm 2017, sau khi nhận được phản ánh, thực hiện ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Nậm Pồ khẩn trương kiểm tra, rà soát, kiểm điểm, xác định rõ để xử lý tập thể, cá nhân liên quan; có giải pháp chấn chỉnh kịp thời đối với các tồn tại, hạn chế, yếu kém đã xảy ra và yêu cầu tạm dừng thanh toán để làm rõ các sai phạm. Trên cơ sở mức độ sai phạm, huyện đã xử lý kỷ luật theo quy định đối với cán bộ, công chức huyện quản lý. Tuy nhiên, việc xử lý vụ việc theo yêu cầu của UBND tỉnh còn chậm trễ. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã họp thống nhất phương án xử lý một số cán bộ lãnh đạo huyện. Đồng thời giao Ban Dân tộc chủ trì kiểm tra, đánh giá lại tất cả các dự án hỗ trợ tư liệu sản xuất theo Quyết định 755.

Về thanh toán kinh phí, sau khi có kết quả xác minh làm rõ, 8/2017 UBND tỉnh đã có văn bản cho phép tiếp tục thanh toán đối với các hộ có đủ điều kiện thuộc 6 xã đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định 275; yêu cầu giảm trừ thanh toán theo quy định đối với các khoản chi phí không hợp lý, không thực hiện. Riêng 8 xã không thuộc đề án trước mắt chưa thanh toán, UBND tỉnh đã giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và huyện thống nhất tham mưu xử lý trước ngày 10/8/2017. Song đến nay, UBND tỉnh chưa nhận được nội dung tham mưu của Ban Dân tộc.

Về phương án khắc phục, xử lý sai phạm: UBND tỉnh sẽ tiến hành kỷ luật đối với các cán bộ của huyện thuộc diện tỉnh quản lý. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tham mưu đề xuất giải quyết dứt điểm các vấn đề nêu trên. Trên cơ sở đó sẽ xem xét xử lý cụ thể đối với việc thanh toán của 8 xã không thuộc đề án, không hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng đã được hỗ trợ mà không đúng đối tượng; chỉ đạo UBND huyện Nậm Pồ quy trách nhiệm và xử lý sai phạm theo quy định hiện hành.

Đối với trách nhiệm của Ban Dân tộc tỉnh, UBND tỉnh đánh giá chưa thực hiện hết vai trò, chức trách, nhiệm vụ của mình đối với công tác chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát, dẫn đến các sai phạm ở địa phương không được phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Ngoài ra, Ban Dân tộc cũng chưa chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan và xử lý theo quy định.

P.V
Bình luận
Back To Top