Kỳ họp thứ 7, HÐND tỉnh khóa XIV

Thành công nhờ sự thẳng thắn, trách nhiệm

08:32 - Thứ Hai, 11/12/2017 Lượt xem: 6583 In bài viết
ĐBP - Kỳ họp thứ 7, HÐND tỉnh khóa XIV diễn ra trong thời điểm năm 2017 sắp kết thúc. Cùng với tinh thần phấn chấn chuẩn bị bước sang năm mới, kỳ họp cũng hết sức sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm. Kỳ họp thành công với 20 nghị quyết quan trọng được thông qua về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Các chính sách dân tộc được quan tâm

Diễn ra trong 3 ngày (7 - 9/12) với nhiều báo cáo, tờ trình, dự thảo trên nhiều vấn đề, có thể thấy khối lượng công việc tại kỳ họp thứ 7 rất lớn. Vì vậy, các đại biểu luôn phải tập trung cao độ, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ để đưa ra những đóng góp, kiến nghị sát thực và ý nghĩa. Trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu được chia làm 5 tổ thảo luận. Hàng chục lượt - ý kiến tham gia vào các tờ trình, dự thảo nghị quyết về các lĩnh vực. Trong số đó, vấn đề về chính sách dân tộc được nhiều đại biểu quan tâm, tham gia. Ðại biểu Vừ Thị Liên, Trưởng ban Dân tộc HÐND tỉnh ý kiến: Hiện nay, một số chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đang chậm triển khai thực hiện dẫn đến chậm tiến độ, người dân chậm được thụ hưởng chính sách. Ðiển hình như: Ðề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025 theo Quyết định số 498/QÐ-TTg, ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Ðến nay, UBND tỉnh chưa phê duyệt Ðề án cấp tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện. UBND tỉnh cần sớm phê duyệt và chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với Ban Dân tộc đẩy nhanh tiến độ dự án.

 

Ðại biểu Hà Quốc Thịnh, Phó Ban Dân tộc (HÐND tỉnh) chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh tại kỳ họp.

Nghị trường càng “nóng” hơn với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ðại biểu Hà Quốc Thịnh, Phó Ban Dân tộc (HÐND tỉnh) đặt câu hỏi về sai phạm tại huyện Nậm Pồ trong triển khai Ðề án Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định 755/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trả lời chất vấn, đại biểu Lê Văn Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn làm rõ: “Trong quá trình triển khai, UBND huyện Nậm Pồ đã tự ký quyết định điều chỉnh tăng thêm 6 xã, 145 hộ sai đối tượng thụ hưởng; một số máy móc không đúng với hợp đồng và nguyện vọng của người dân; giá cung ứng trong hợp đồng cao hơn giá thị trường và để xảy ra một số sai phạm khác trong quản lý dự án, đấu thầu. Trên cơ sở mức độ sai phạm, huyện đã xử lý kỷ luật theo quy định đối với cán bộ, công chức huyện quản lý. Tuy nhiên, việc xử lý vụ việc theo yêu cầu của UBND tỉnh còn chậm trễ”. Ðồng thời, đại biểu Lê Văn Quý cam kết UBND tỉnh sẽ nhanh chóng chỉ đạo khắc phục, xử lý dứt điểm vụ việc trên. Không chỉ nội dung này mà cả 8 chất vất và trả lời chất vấn tại hội trường kỳ họp đều đi thẳng vào vấn đề, xác định rõ tồn tại, sai phạm và hướng giải quyết, khắc phục, cơ bản thỏa mãn thông tin cho người chất vấn nói riêng và các đại biểu, nhân dân nói chung.

Thống nhất chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018

Vào thời điểm cuối năm này, một trong những nội dung được quan tâm đó là Nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2018. Trên cơ sở thực hiện năm 2017, dự báo tình hình trong và ngoài tỉnh, Nghị quyết được ban hành với quyết tâm và yêu cầu cao hơn về mọi lĩnh vực: nâng cao tốc độ, ổn định chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính... Một số chỉ tiêu cụ thể được đặt ra là: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 7,15%; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) ước đạt 26,37 triệu đồng/năm, tăng 8,41% so với năm 2017; thu ngân sách trên địa bàn hơn 1.078,9 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 1.030 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2018 khoảng 10.145,95 tỷ đồng; đào tạo nghề cho 8.000 lao động, tạo việc làm mới cho 8.600 lao động; giảm tổng số hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 49.015 hộ, tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 38,1%...

Ðóng góp ý kiến vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, đại biểu Mùa A Vảng, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ðoàn Ðại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: Năm 2018, tỉnh ta đề ra mục tiêu giảm nghèo trung bình 4,1%/năm đối với các huyện nghèo. Trong khi, Quốc hội thông qua tỷ lệ hộ nghèo chung tại các huyện nghèo trên toàn quốc giảm 4%/năm. Ðể đạt được mục tiêu trên cần có sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc triển khai các chế độ, chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn.

Ðại biểu Vũ Ngọc Vương, Chủ tịch UBND TX. Mường Lay cũng tham gia ý kiến: Theo thống kê mới nhất, thị xã còn 239 hộ nghèo nhưng nghị quyết về kinh tế - xã hội xây dựng chỉ tiêu năm 2018, Mường Lay giảm chỉ còn 170 hộ nghèo. Cùng với đó, nghị quyết giao năm 2018, Mường Lay có 26 bác sĩ trong khi hiện tại chỉ có 21 bác sĩ. Ngoài ra, các chỉ tiêu như bán lẻ hàng hóa và giá trị sản xuất công nghiệp đều cao gấp đôi kết quả thực hiện năm 2017. Ðây là những nhiệm vụ “bất khả thi”, chưa sát với thực tế địa phương, đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp.

Với những nội dung quan trọng đã thống nhất và thông qua, kỳ họp thứ 7 HÐND tỉnh thành công tốt đẹp. Ðồng chí Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh đánh giá: Kỳ họp thứ 7 tiếp tục có sự đổi mới, sôi nổi với sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các đại biểu. Nội dung và chất lượng phiên chất vấn được cải thiện hơn các kỳ họp trước bằng việc đặt, trả lời câu hỏi thẳng thắn, súc tích, rõ ràng vấn đề. Nhờ vậy đã bàn thảo, quyết định được nhiều vấn đề quan trọng của tỉnh và những quy định cụ thể cơ chế, chính sách của Nhà nước, tạo đà phát triển cho tỉnh trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top