Một trang vàng của lịch sử dân tộc

09:23 - Thứ Năm, 14/12/2017 Lượt xem: 6112 In bài viết
ĐBP - Từ trung tuần tháng 12/1946, tại Hà Nội, các cuộc gây hấn khiêu khích của thực dân Pháp liên tục gia tăng. Các ngày 15 và 16/12/1946, khắp nơi trong thành phố, tiếng súng của quân Pháp vang lên không lúc nào ngớt. Chúng bắn vào các chiến sĩ công an, tự vệ của ta đang làm nhiệm vụ tại vườn hoa Hàng Ðậu, ném lựu đạn gây thương vong cho các chiến sĩ Vệ quốc đoàn ở phố Hàm Long, khiêu khích anh em tự vệ ở phố Trần Quốc Toản...

Ngày 17/12/1946, trên bầu trời, các tốp máy bay của Pháp lượn suốt ngày phô trương sức mạnh, rải truyền đơn tuyên truyền với những nội dung lòe bịp và hợm hĩnh. Ðến khoảng 10 giờ cùng ngày, quân đội Pháp có xe tăng hộ tống đi nghênh ngang dọc những tuyến phố lớn. Cùng thời điểm đó, đầu phố Hàng Bún, xe nhà binh chở toàn lính Lê dương đỗ xịch; vừa từ trên xe nhảy xuống, bọn chúng xả súng bắn vào nhân dân lao động. Tự vệ của ta anh dũng đánh trả. Chỉ chờ có thế, quân Pháp kéo đến đông nghịt, xông vào nhà dân đập phá và bắn giết, hàng trăm người già, phụ nữ và trẻ em bị hiếp và bị giết vô cùng dã man. Chừng một tiếng sau, cũng vẫn đám Lê dương ấy lại kéo đến phố Lê Ninh. Tại đây, chúng cũng lại bắn giết người già, trẻ em và hãm hiếp phụ nữ hết sức tàn bạo.

 

Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm 19/12/1946, quân dân Thủ đô Hà Nội đã nổ phát súng đầu tiên mở đầu cuộc kháng chiến, cùng quân và dân cả nước nhất tề vùng lên kháng chiến và đã giành được thắng lợi, giữ vững độc lập, chủ quyền của dân tộc. Trong ảnh: Ðại đoàn quân ta từ các cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô. Ảnh tư liệu

Vào buổi trưa, lính Pháp dàn quân kín từ cổng thành đến chân cầu Long Biên, bao vây một số đồn công an của ta. Tại nhà máy điện Yên Phụ, lực lượng bảo vệ và công nhân biểu tình rầm rộ, phản đối hành động khát máu của quân cướp nước. Buổi chiều, quân Pháp nã nhiều phát đạn cối vào phố Hàng Bún. Lính Lê dương rầm rập trên đường phố, nhà cửa nhân dân bị đập phá rất nhiều. Chấp hành nghiêm lệnh của trên, bộ đội ta vẫn kiên trì không nổ súng, chỉ củng cố những vị trí phòng thủ và bình tĩnh theo dõi những biến động của địch. Chiều tối, từ Sài Gòn, Valy đột ngột bay ra Hải Phòng bí mật gặp Ðépbờ. Cùng thời điểm này, hai viên chỉ huy Xanhtơny và Moóclie cũng nhận được mật lệnh của quan thầy phải thay đổi chiến thuật.         

Sáng ngày 18/12/1946, thành phố yên tĩnh và đó là sự yên tĩnh báo trước một “cơn giông”. Gần trưa, Pháp cử viên đại úy Ðờ Satiông chuyển cho ta một bức “tối hậu thư”, lời lẽ hết sức ngông cuồng và kẻ cả. Sau đó không lâu, chúng dùng ô tô chở lính với sự yểm trợ của xe tăng và xe bọc thép, kéo đi rầm rầm trên đường phố. Lính Pháp bao vây Hồng Hà, Cửa Ðông và Hàng Chiếu..., phá các chiến lũy và công sự của ta. Buổi chiều cùng ngày, Bộ chỉ huy Pháp lại chuyển cho ta bức “tối hậu thư” thứ 2. Trong đó, chúng nói đại ý công an của ta không làm tròn nhiệm vụ giữ gìn trật tự, nếu tình hình đó tiếp diễn thì quân Pháp sẽ tự giành lấy quyền bảo đảm trị an ở Hà Nội vào sáng ngày 20/12/1946. Tất nhiên, ta trả lời và bác bỏ những luận điểm sai trái, áp đặt cũng như những mưu đồ đen tối của chúng.

Sáng sớm ngày 19/12/1946, Bộ chỉ huy Pháp gửi tiếp cho ta bức “tối hậu thư” thứ 3. Chúng yêu cầu: Phải tước vũ khí của ta, Việt Minh phải ngừng ngay các hoạt động chuẩn bị cho trận đánh lớn, phải trao toàn quyền cho quân đội Pháp trong việc duy trì an ninh trong thành phố... Vào lúc 10 giờ, toàn thành phố Hà Nội điện bất ngờ vụt tắt. Lực lượng bộ đội phối hợp với dân quân tự vệ đánh vào các khu đồn trú của lính Pháp, bắt cóc và giết hàng trăm sĩ quan và binh lính Pháp. Quân Pháp phản ứng dữ dội, các cuộc đọ súng diễn ra trên diện rộng và kéo dài thâu đêm đến sáng. Sớm hôm sau, một cảnh tượng đổ nát, hoang tàn và chết chóc diễn ra trước mắt mọi người. Quân Pháp dùng toàn lực, đánh mãi và cuối cùng cũng chiếm được khu công sở của chính quyền Việt Minh. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Việt Minh đã kịp thời rút khỏi Hà Nội, sang làng Vạn Phúc (Hà Ðông).

Sáng ngày 20/12/1946, tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ tỉnh Hà Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội), Ðài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch và cuộc chiến tranh bắt đầu. Trong lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ (trích): “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Vì chúng dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên. Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp. Ai có súng cầm súng, ai có gươm cầm gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước. Hỡi anh em binh sỹ, tự vệ, dân quân giờ cứu nước đã đến, ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Ðảng và Hồ Chủ tịch, quân và dân cả nước vùng lên đấu tranh giành được những thắng lợi lớn mang tính quyết định; giữ vững độc lập, chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam...

Hồng Kỳ
Bình luận
Back To Top