Học và làm theo Bác

Mệnh lệnh từ trái tim

08:48 - Thứ Ba, 06/02/2018 Lượt xem: 8058 In bài viết
ĐBP - Với lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vô hạn, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên đã và đang mỗi người một việc biến những tình cảm thiêng liêng với Bác thành ý chí, hành động thiết thực; không ngừng phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trong từng việc làm cụ thể, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội lần thứ XII của Ðảng, Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIII...

Diệt giặc dốt, xóa mù chữ

Không còn cảnh đốt đuốc, khêu đèn dầu học chữ theo kiểu “bình dân học vụ” ngay sau khi nước ta giành được độc lập, song tại xã vùng cao Pú Hồng (huyện Ðiện Biên Ðông), chúng tôi đã gặp lớp học rất đặc biệt khi học viên là những chị, những mẹ; có người tóc đã điểm sương nhưng vẫn cần mẫn đánh vần, nắn nót từng nét chữ. Ðó là lớp học theo mô hình “Học chữ, học tiếng phổ thông từ người thân và cộng đồng” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức. Chia sẻ cả trăm lý do dẫn đến đói nghèo bủa vây, chị Vì Thị Lún, Chủ tịch Hội LHPN xã Pú Hồng biện giải, nguyên nhân thì nhiều nhưng chủ yếu vẫn là do hội viên, chị em mù chữ, tái mù chữ mà ra. Vì mù chữ nên chị em không thể tiếp cận được thông tin kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, không thể hạch toán chi tiêu, làm kinh tế…

 

Phụ nữ bản Chả B, Chả C (xã Pú Hồng, huyện Ðiện Biên Ðông) học tiếng phổ thông theo mô hình “Học chữ, học tiếng phổ thông từ người thân và cộng đồng”.

Với sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện Ðiện Biên Ðông, Hội LHPN tỉnh, mô hình “Học chữ, học tiếng phổ thông từ người thân và cộng đồng” nhanh chóng được tổ chức triển khai thực hiện, ban đầu chị em khá rụt rè, e ngại không dám đăng ký. Phần ngại học vì sợ mang tiếng “dốt”, phần vì lâu không động đến sách vở, bút mực và cũng có cả nguyên nhân, con nhỏ, nhà xa… Học và làm theo Bác với quyết tâm “diệt giặc dốt, xóa mù chữ”; vợ chồng chị Vì Thị Lún không quản ngại vất vả, không nản lòng trước những cái “lắc đầu”quầy quậy không muốn học; kiên trì tuyên truyền, phân tích để chị em thấy được lợi ích của việc học tiếng phổ thông theo kiểu “mưa dầm thấm sâu” gần 50 chị em không biết chữ ở bản Chả B, Chả C trong xã đã đăng ký đi học và lớp học bắt đầu từ đó. Nhớ lại ngày đầu tổ chức lớp học đặc biệt này vô vàn gian khó, nhưng chị Lún luôn tin thành quả sẽ là “trái ngọt”. Niềm tin ấy đã thành hiện thực với bao công sức của vợ chồng chị Vì Thị Lún hàng đêm đứng lớp, tận tình hướng dẫn chị em đánh vần, viết chữ phổ thông. Và đến nay sau hơn 7 tháng triển khai mô hình, nhiều chị em từ chỗ ngại đọc, lười phát âm đã có thể đọc, viết, trao đổi với nhau bằng tiếng phổ thông. Nét chữ tuy còn thô, phát âm còn ngọng ngịu, nhưng quyết tâm học chữ để xóa đói giảm nghèo, học chữ để hiểu biết đã giúp nhiều chị em vượt qua mặc cảm, tự ti, xấu hổ; biết đọc, biết viết và áp dụng kiến thức vào sản xuất, nâng cao hiểu biết trong cuộc sống. Khuôn mặt sạm đen, đuôi tóc chẻ khô vì cháy nắng; chị Lò Thị Thịnh, bản Chả B tâm sự với chúng tôi: Trước đây không biết chữ, không biết tính toán nên trồng ngô, lúa chỉ bằng kinh nghiệm thôi, nhiều năm mất mùa, năng suất thấp, đói khổ lắm. Nay biết tính rồi, biết viết tên mình và người thân trong gia đình nên vui lắm. Nhà nước mới đầu tư con đường lớn nối liền xã ra huyện, áp dụng khoa học kỹ thuật trồng ngô, trồng lúa sẽ cho năng suất cao, có sản phẩm mang ra chợ huyện bán cuộc sống sẽ bớt khó khăn.

Với hơn 31.900 hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh mù chữ, tái mù chữ do nhiều nguyên nhân, thì việc nhân rộng mô hình “Học chữ, học tiếng phổ thông từ người thân và cộng đồng” do Hội LHPN tỉnh triển khai thực hiện sẽ là cơ hội giúp chị em biết chữ, biết tiếng phổ thông, tự tin trong giao tiếp, góp phần tích cực nâng cao trình độ dân trí, nhận thức cho phụ nữ đồng thời triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Ðó cũng là một trong những việc làm thiết thực, cụ thể mà nhiều hội viên phụ nữ toàn tỉnh đã và đang tích cực học và làm theo Bác.

 

Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự TP. Ðiện Biên Phủ giúp dân làm đường giao thông nông thôn.

Lan tỏa những điển hình tiên tiến

Ðẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có sự chủ động, đổi mới và sáng tạo trong tổ chức triển khai thực hiện; nhất là thực hiện tốt việc nêu gương, không chỉ trong cán bộ, đảng viên, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh mà còn mở rộng tới cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, các ngành. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh, cơ quan cấp trên phải gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Trọng tâm là nêu cao tinh thần trách nhiệm, về phong cách gương mẫu “Nói đi đôi với làm”, “gần dân và sát với nhân dân”. Cùng với đó, việc đưa nội dung thực hiện Chỉ thị 05 - CT/TW, nhất là chuyên đề 2017 về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vào sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đoàn thể tiếp tục được triển khai sâu rộng; được gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền; tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết những vấn đề bức xúc, có dư luận trong nhân dân. Ðặc biệt là thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Qua đó, từng bước tạo chuyển biến tích cực trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Từ phong trào đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực với những mô hình, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu, như Công an tỉnh tổ chức cuộc thi viết “Tuổi trẻ Công an Ðiện Biên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào “mỗi ngày làm việc tốt vì nhân dân”. Riêng trong năm 2017, Công an tỉnh đã vận động xây 4 nhà tình nghĩa cho cán bộ, chiến sĩ khó khăn, tặng 1.000 suất quà cho nhân dân vùng khó, vùng biên giới với tổng trị giá 660 triệu đồng. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện tốt mô hình “Ngôi nhà 100 đồng”, “Thứ 7 tình nguyện, chủ nhật xanh”; Ðoàn Kinh tế - Quốc phòng 379 với mô hình “Ðiểm sáng công tác dân vận khéo”. Hội Nông dân với phong trào “Xây dựng nông thôn mới”; “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Năm 2017, Hội đã tham gia 13.971 ngày công sửa chữa 6,8km kênh mương nội đồng; 20,7km đường liên thôn; hỗ trợ xóa nhà tạm cho 11 hộ nông dân nghèo. Hội Phụ nữ huyện Tủa Chùa đã thành lập 78 nhóm tiết kiệm với 1.516 thành viên, tiết kiệm hơn 248 triệu đồng, giúp đỡ 709 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển kinh tế gia đình… Nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh gắn việc thực hiện Chỉ thị 05 - CT/TW với thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…

Ðiều đó cho thấy, học và làm theo Bác bằng tuyên truyền, giáo dục thôi chưa đủ, mà điều không kém phần quan trọng là bằng sức lan tỏa, tác động của những con người cụ thể; bằng hành động gương mẫu, việc làm thuyết phục. Ðiều đó đã được minh chứng và lan tỏa từ mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực đi đầu trên các mặt trận kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, đã và đang góp phần xây dựng Ðiện Biên ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top