UBTVQH thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi)

10:48 - Thứ Tư, 14/03/2018 Lượt xem: 7943 In bài viết
Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 22 diễn ra vào chiều 13/3.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

 

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và nhất trí với nội dung cơ bản của dự án Luật do Chính phủ trình, đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật.

Ngay sau kỳ họp, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gồm 10 chương và 123 điều, trong đó bổ sung thêm một chương mới (8 điều), 2 điều mới, gộp 7 điều thành 2 điều, bỏ 3 điều, bổ sung một số điểm, khoản.

Luật này quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.

Thảo luận tại phiên họp, UBTVQH đã tập trung thảo luận những nội dung còn có ý kiến khác nhau đối với dự án Luật liên quan đến phạm vi điều chỉnh; trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh; hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước; đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể (Điều 13) và xác định sức mạnh thị trường đáng kể (Điều 28); tố tụng cạnh tranh (Chương VII)…

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật, Báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến đề nghị cần làm rõ tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật, nhất là quy định nội dung bên ngoài lãnh thổ Việt Nam cụ thể như thế nào, trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh (Điều 7), theo Ủy ban Kinh tế, có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương, nhưng cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan này trong Luật vì cơ quan này vừa thực hiện chức năng tham mưu trong quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện tố tụng cạnh tranh. Loại ý kiến thứ 2 đề nghị không quy định cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương mà thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh.

Về tố tụng cạnh tranh (Chương VII), theo Báo cáo của Ủy ban Kinh tế, có ý kiến đề nghị quy định về tố tụng cạnh tranh phải chặt chẽ, khoa học, rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các chủ thể tiến hành tố tụng cạnh tranh để bảo đảm tính độc lập trong quá trình xử lý vụ việc cạnh tranh. Thường trực Ủy ban Kinh tế đã tiếp thu, quy định rõ quy trình tố tụng cạnh tranh từ phát hiện, điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh đến giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, trong đó nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể tiến hành tố tụng cạnh tranh, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng cạnh tranh, thời hạn, thời hiệu giải quyết bảo đảm chặt chẽ, khoa học và tính độc lập trong quá trình giải quyết vụ việc cạnh tranh.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng khẳng định, các nội dung được thể hiện trong dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) và dự thảo Luật đã được rà soát tiếp thu, chỉnh lý về kỹ thuật văn bản, sắp xếp lại một số tên điều, nội dung cho phù hợp hơn.

Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giao Ủy ban Kinh tế cùng với Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp thu ý kiến của UBTVQH tại phiên họp; bổ sung, rà soát lại để hoàn thiện dự án Luật cũng như làm Báo cáo tiếp thu, giải trình sau đó gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Sau khi có ý kiến của các đoàn Đại biểu Quốc hội, tiến hành tổng hợp, báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top