Tạo áp lực cho cải cách

14:21 - Thứ Tư, 28/03/2018 Lượt xem: 9001 In bài viết
Tình trạng “trên chuyển, dưới không động”, hoặc “trên nóng, dưới lạnh” đang khiến quá trình cải cách quy định về điều kiện kinh doanh dù đã đạt được một số kết quả ban đầu, nhưng không đồng đều về quy mô, tốc độ cũng như tính quyết liệt. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục đặt ra những mục tiêu cao, cụ thể nhất có thể, đồng thời có kỷ luật hành chính mạnh mẽ hơn để tạo tác động thực chất và toàn diện cho quá trình cải cách.

 

Cán bộ Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Quảng Ninh tư vấn, hỗ trợ các hộ kinh doanh đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Trung tâm hành chính công tỉnh.

Những chỉ số “ngủ quên”

Sau hơn bốn năm triển khai các Nghị quyết số 19 của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phần lớn các chỉ số đo lường năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đã có sự cải thiện về điểm DTF (điểm tuyệt đối) và thứ hạng. Tuy nhiên, sự cải thiện đó không đồng đều. Ðáng lưu ý, hai chỉ số đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, giải quyết phá sản doanh nghiệp không hề cải thiện, thậm chí còn giảm điểm và tụt hạng. Một chỉ số rất quan trọng khác là khởi sự kinh doanh dù có số lượng thủ tục nhiều, thời gian thực hiện dài, nhưng vẫn chưa có cải thiện cho nên liên tục tụt hạng trong ba năm gần đây.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Ðình Cung, là do nhiều bộ, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ cải thiện MTKD. Trong khi các bộ như Bộ Công thương đã chủ động, mạnh dạn bãi bỏ, sửa đổi khoảng gần 700 điều kiện kinh doanh (ÐKKD); Bộ Xây dựng sẵng sàng bãi bỏ một số điều kiện và năm ngành, nghề khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện; Bộ Y tế thay đổi căn bản trong kiểm soát về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu;... những bộ như Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ vẫn đang rà soát và chưa có kết quả. Thậm chí, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội còn chưa thực hiện rà soát chi tiết, chưa thống kê số lượng ÐKKD và không đề xuất bãi bỏ bất cứ điều kiện nào. “Như vậy, với mục tiêu cắt giảm từ một phần ba đến 50% số ÐKKD trong lĩnh vực quản lý, ngoài một vài bộ đã cán đích, còn không ít bộ chỉ vừa mới khởi hành, thậm chí chưa xuất phát. Không những thế, có bộ còn thực hiện gộp “ba thành một” các điều kiện hoặc sửa đổi lấy lệ để được đánh giá hoàn thành mục tiêu. Có thể thấy rõ, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn tồn tại”, ông Nguyễn Ðình Cung đánh giá.

Thực trạng này đã dẫn đến kết quả thực hiện Nghị quyết số 19 còn khoảng cách quá xa so với mục tiêu đặt ra. Cụ thể, chưa đạt được trung bình ASEAN 4 về MTKD; số ÐKKD bãi bỏ còn thấp với mục tiêu bãi bỏ ít nhất một phần ba đến 50% số ÐKKD hiện hành; số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành chưa giảm đáng kể... Bên cạnh đó, kết quả cũng không đồng đều, có chênh lệch khá lớn giữa các bộ, ngành, địa phương. Chỉ mới có tiến bộ ở các chỉ số, ngành, lĩnh vực có vấn đề nóng, được dư luận quan tâm, có phản biện, góp ý, yêu cầu mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp.

Siết chặt kỷ cương

Như vậy, thách thức đặt ra cho năm 2018 trong việc cải thiện MTKD là rất lớn. Theo các chuyên gia, để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác cải thiện MTKD, Chính phủ cần đặt ra mục tiêu cao, cụ thể nhất có thể; cải cách mạnh mẽ hơn, tác động thực chất và toàn diện hơn. Nhất là đối với các chỉ số mà thứ hạng và điểm số còn thấp, cần tạo được áp lực kỷ luật và hành chính mạnh mẽ. Bên cạnh đó, chỉ đạo, bắt buộc tất cả các bộ, ngành, địa phương phải áp dụng công nghệ thông tin, kết nối các thủ tục hành chính qua Cổng thông tin một cửa quốc gia và thực hiện cung ứng dịch vụ hành chính công ở cấp độ ba, bốn. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết: Dự thảo Nghị quyết 19 đang được gửi xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan với các trọng tâm cụ thể như: Duy trì mục tiêu về cải thiện MTKD theo thông lệ quốc tế, nhấn mạnh cải cách điều kiện kinh doanh và quản lý chuyên ngành; bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics và ngành du lịch để hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu ngành nói riêng, thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam, Chủ tịch Hội đồng Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh lưu ý: Thực hiện Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP cần phối hợp chặt chẽ với việc kiểm tra, đôn đốc nhiệm vụ mà Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị sẽ không chỉ là ra văn bản đúng hạn mà nội dung văn bản đó có giải quyết được vướng mắc của doanh nghiệp, người dân hay không. Kinh nghiệm để có nội dung văn bản tốt là phải tăng cường đối thoại giữa người dân và doanh nghiệp. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kiến nghị: Ðiều quan trọng là phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật thì mới khắc phục được tình trạng “trên chuyển, dưới không động” hiện nay. Tôi đề nghị cần có giải pháp hiệu quả hơn để theo dõi tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương trong Nghị quyết số 19; đồng thời, tăng cường vai trò giám sát cũng như công cụ đánh giá của người dân, doanh nghiệp để việc cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh là thực chất, chứ không phải gom ba đến bốn điều kiện vào một rồi tuyên bố đã cắt giảm. Cần kỷ luật nghiêm cán bộ “chây ỳ”, không làm tròn nhiệm vụ chứ không thể cứ trông chờ vào đội ngũ chuyên viên vẫn còn lạnh tanh với doanh nghiệp, với sự phát triển của đất nước.

Thực tế cho thấy, ở những chỉ số, lĩnh vực, địa phương mà người đứng đầu thật sự vào cuộc, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, sát sao, bám sát Nghị quyết của Chính phủ thì ở đó mới đạt được kết quả tốt và có cải thiện. Do đó, việc tất cả các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố đều “nóng” sẽ là yếu tố quyết định để đạt được kết quả đồng đều, đúng mục tiêu trong nhiệm vụ cải thiện vượt bậc MTKD nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top