Xác định và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong đảm bảo trật tự, ATGT

14:43 - Thứ Sáu, 30/03/2018 Lượt xem: 8950 In bài viết

ĐBP - Đó là chỉ đạo của đồng chí Trương Hoà Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2018, tổ chức ngày 30/3. Đồng chí Lò Văn Tiến, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

 

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho rằng: Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng và các địa phương trong cả nước đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo trật tự, ATGT. Tuy nhiên, tình hình trật tự, ATGT trên địa bàn cả nước trong quý I diễn biến phức tạp: Nếu như số vụ tai nạn giao thông (TNGT), số người bị thương giảm so với cùng kỳ năm 2017, thì số người chết do TNGT tăng cao. Toàn quốc có 27 địa phương có số người chết tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, 14 tỉnh tăng trên 40%; có tỉnh tăng tới 150%... Một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người và gây thiệt hại lớn về tài sản, dư luận nhân dân hết sức lo ngại. Tình trạng “xe dù, bến cóc” có xu hướng tăng mạnh, gây mất trật tự ATGT, cạnh tranh không bình đẳng với dịch vụ xe chở khách tuyến cố định. Ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn diễn biến phức tạp, còn tình trạng tiêu cực trong lực lượng thi hành công vụ như phản ánh của nhân dân và báo chí. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp ý kiến, nhất là làm rõ những hạn chế, yếu kém và chỉ ra nguyên nhân. Từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực, cả trước mắt và lâu dài để thực hiện tốt hơn công tác bảo đảm trật tự ATGT thời gian tới, từng bước kiềm chế không để xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, nhất là đối với xe ô tô khách.

Theo báo cáo của Uỷ ban ATGT Quốc gia, quý I/2018 toàn quốc xảy ra 4.674 vụ TNGT, làm chết 2.149 người, bị thương 3.627 người. So với quý I/2017, giảm 139 vụ (2,98%); số người bị thương giảm 208 người (5,42%); số người chết tăng 35 người (1,66%). Nguyên nhân xảy ra TNGT chủ yếu do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; vi phạm tốc độ xe chạy; vượt xe không đúng quy định; điều khiển phương tiện khi đã sử dụng bia, rượu…

Uỷ ban ATGT Quốc gia xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác đảm bảo trật tự, ATGT quý II/2018 trên địa bàn cả nước là: Tập trung tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; triển khai đồng bộ các giải pháp chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy; không sử dụng điện thoại khi lái xe…

Các địa phương và một số bộ, ngành Trung ương… đề xuất nhiều giải pháp giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao thông: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường sắt và hàng không; cải tạo, nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông; xác định rõ “điểm đen” giao thông để xử lý triệt để; lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ  Trương Hòa Bình cho rằng một số đơn vị chức năng chưa sâu sát, thiếu quyết liệt, còn hiện tượng buông lỏng trong quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật, dung túng vi phạm, tiêu cực; làm trái quy định, đặc biệt là trong kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý xe ô tô chở khách theo hợp đồng. Để thực hiện được mục tiêu của “Năm an toàn giao thông 2018” với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện thể chế về ATGT; tiếp tục xây dựng văn hóa giao thông cho toàn xã hội, trọng tâm là bảo vệ ATGT cho trẻ em, người lớn nêu gương về văn hóa giao thông; nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự ATGT. Cùng với đó tiếp tục đầu tư, nâng cấp gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và chất lượng bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải; phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và kết nối vùng gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT. Đặc biệt, đồng chí Trương Hòa Bình yêu cầu các Ủy viên Ủy ban ATGT quốc gia tập trung kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung tháo gỡ những khó khăn, nút thắt trong quá trình tổ chức thực hiện từ các bộ, ngành Trung ương đến địa phương; Chủ tịch UBND - Trưởng ban ATGT các tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo các sở, ngành triển khai nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tiễn trên địa bàn, ban hành quy định về xác định và xử lý trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu.

Tin, ảnh: Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top