Trả lời kiến nghị cử tri

09:17 - Thứ Hai, 02/04/2018 Lượt xem: 9021 In bài viết
Kiến nghị: Ðề nghị sớm sửa đổi Luật Ðầu tư công vì trong quá trình triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do Luật có nhiều quy định mâu thuẫn với các luật khác như: Luật Xây dựng, Luật Ngân sách, Luật Ðất đai… một số quy định còn bất cập như: Ðiều kiện để chương trình, dự án được bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn tại Khoản 2, Ðiều 55; quy định về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ (Ðiều 26, 27, 38)…

Trả lời: (Văn bản số 869/BKHÐT-TH ngày 9/2/2018 của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư).

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện Luật Ðầu tư công, đổi mới căn bản thể chế quản lý đầu tư công, đặc biệt công tác lập dự án và đánh giá, thẩm định dự án, cơ chế đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội sau khi dự án đã đi vào khai thác sử dụng. Tất cả những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, điều chỉnh kế hoạch đầu tư giữa các dự án trong nội bộ của bộ, ngành và địa phương… đã được Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tổng hợp, nghiên cứu, xem xét trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Ðầu tư công.

Kiến nghị: Tiêu chí phân bổ vốn đầu tư của Chính phủ chưa đảm bảo nguyên tắc ưu tiên các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng miền trong cả nước. Ðề nghị thời gian tới Chính phủ có chính sách ưu tiên, đặc thù hơn đối với những tỉnh khó khăn.

Trả lời: (Văn bản số 869/BKHÐT-TH ngày 9/2/2018 của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư).

Tại Quyết định số 40/2015/QÐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về các tiêu chí, nguyên tắc và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đã ưu tiên các vùng khó khăn.

- Mục IV.1 về việc xác định nguyên tắc phân bổ vốn “Bảo đảm tương quan hợp lý giữa việc phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có số thu lớn, có tỷ lệ điều tiết cao về ngân sách Trung ương, với việc ưu tiên các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn khác để góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng miền trong cả nước”.

- Mục IV.2 về tiêu chí phân bổ vốn: Tiêu chí phân bổ vốn đầu tư phát triển trong cân đối (không bao gồm đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn thu xổ số kiến thiết) còn xét đến các tiêu chí như: số người dân tộc thiểu số của các địa phương (tiêu chí 1); số huyện miền núi, vùng cao, hải đảo, biên giới đất liền của từng địa phương (tiêu chí 4); tiêu chí các xã biên giới đất liền, gồm: các xã biên giới Việt Nam - Trung Quốc, các xã biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Cam Pu Chia (tiêu chí 5). Như vậy, 3/5 nhóm tiêu chí đã tập trung vào đối tượng là các địa phương có đặc thù là miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Kiến nghị: Nghị định 210/2013/NÐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ban hành từ năm 2013. Qua 4 năm triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, hạ tầng giao thông kém phát triển, suất đầu tư lớn nên rất khó thu hút được các nhà đầu tư. Ðề nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 210/2013/NÐ-CP theo hướng ban hành những ưu đãi và quy định đặc thù về tiêu chí hưởng cho các tỉnh Tây Bắc; xem xét giảm các tiêu chí quy mô dự án được hỗ trợ; điều chỉnh giảm mức bố trí ngân sách địa phương để thực hiện Nghị định này tại Khoản 1, Ðiều 17 từ 2 - 5% xuống còn từ 1 - 2% ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa 100% kinh phí thực hiện đối với địa phương nhận cân đối từ ngân sách Trung ương trên 70%.

Trả lời: (Văn bản số 869/BKHÐT-TH ngày 9/2/2018 của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư).

Các kiến nghị của cử tri về những tồn tại của việc thực hiện Nghị định 210/2013/NÐ-CP cơ bản phù hợp với báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 210/2013/NÐ-CP giai đoạn vừa qua. Các nội dung kiến nghị, đề xuất sửa đổi Nghị định của cử tri cơ bản phù hợp với dự thảo Nghị định sửa đổi. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư thống nhất với các kiến nghị của cử tri và sẽ chuyển kiến nghị đến Ban soạn thảo tiếp thu tối đa để hoàn thiện Nghị định sửa đổi.

Dự thảo Nghị định sửa đổi hiện được công bố tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư mong muốn tiếp tục nhận được góp ý của cử tri để hoàn thiện hơn nữa chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Kiến nghị: Theo phân bổ nguồn vốn đầu tư tại Quyết định số 2009/QÐ-TTg ngày 4/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt tổng thể di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, tỉnh Ðiện Biên còn 425 tỷ đồng chưa được cấp. Ðề nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét, cấp đủ kinh phí để tỉnh Ðiện Biên giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc kết thúc Dự án Tái định cư Thủy điện Sơn La vào năm 2017.

Trả lời: (Văn bản số 869/BKHÐT-TH ngày 9/2/2018 của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư).

a) Về số vốn trái phiếu Chính phủ chưa giao theo Quyết định số 2009/QÐ-TTg ngày 4/11/2014 về Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án Thủy điện Sơn La (19 tỷ đồng): Hiện nay đã có trong kế hoạch trung hạn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 thuộc phần dự phòng 10%. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sẽ giao khi có chủ trương giao của Quốc hội và Chính phủ.

b) Về số vốn còn lại (đường Mường Lay - Nậm Nhùn bao gồm cầu bản Xá) được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư bổ sung tại Quyết định số 10122/VPCP-KTTH ngày 2/12/2015 (không được đầu tư nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do tăng về quy mô theo chỉ đạo của Quốc hội); hiện Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đang phối hợp với Bộ Tài chính tìm nguồn bổ sung.

(Còn nữa)

Bình luận
Back To Top