Tạo mô hình phát triển mới, đột phá cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

14:50 - Thứ Tư, 04/04/2018 Lượt xem: 8245 In bài viết
Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra vào sáng 4/4.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào những nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tên gọi và bố cục của Luật; quy hoạch đặc khu; cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư kinh doanh; một số cơ chế, chính sách đặc biệt liên quan tới đất đai…

 

Toàn cảnh hội nghị.

Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt quy định về quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế-xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương ở tỉnh đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt gửi đến hội nghị cho biết, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung về quy hoạch; các cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế-xã hội; tổ chức bộ máy chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt… nhằm đáp ứng yêu cầu tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Các quy định trong dự thảo luật về cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy chính quyền cũng đã được tiếp thu trên nguyên tắc bảo đảm tính vượt trội, cạnh tranh quốc tế, có thể khác với các luật hiện hành nhưng trong khuôn khổ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân.

Tại hội nghị, có 16 đại biểu tham gia phát biểu, trong đó đã tập trung, phân tích, đóng góp nhiều ý kiến đối với các nhóm vấn đề còn có những ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tên gọi và bố cục của luật; quy hoạch đặc khu; cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư kinh doanh; một số cơ chế, chính sách đặc biệt liên quan tới đất đai; ngân sách và ưu đãi đầu tư; cơ chế, chính sách đặc biệt về lao động, tiền lương, an sinh xã hội và cơ chế, chính sách đặc biệt khác; tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan khác của Nhà nước tại đặc khu; quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện luật và các vấn đề chuyển tiếp…

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương đặc khu là một trong những vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đánh giá, so với dự thảo được trình tại Kỳ họp 4 thì dự luật trình tại hội nghị này có nhiều điểm rất mới. Trong đó, điểm mới quan trọng là đã xác định chính quyền địa phương của đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt là cấp chính quyền địa phương có HĐND, UBND.

Tán thành quan điểm này, song đại biểu băn khoăn trước việc dự thảo quy định đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt có Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND vì việc này không phù hợp với chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.

Cùng với đó, có đại biểu cho rằng: “Dự luật quy định ‘đại biểu HĐND cấp đặc khu là 15 người, trong đó đa số là chuyên trách’ là chưa rõ ràng. Vì vậy đề nghị quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm hoặc quy định rõ số lượng bao nhiêu đại biểu chuyên trách để dễ thực hiện, khỏi lúng túng”.

Cũng bàn về mô hình tổ chức chính quyền địa phương đặc khu, đại biểu Phạm Trí Thức (Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho rằng: “Dự thảo nêu nguyên tắc rất hay là bảo đảm tính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện đặc khu nhưng khi thiết kế chính quyền thì lại rất cồng kềnh so với hiện nay”.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm chưa đồng tình với quy định Ban Tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu. Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng việc tổ chức Ban ngay trong đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt là chưa phù hợp với chủ trương của Trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy cũng như chưa tạo điều kiện phát huy hiệu lực hiệu quả của UBND và Chủ tịch UBND đặc khu.

Còn đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) thẳng thắn bày tỏ, cách tiếp cận vấn đề vẫn nặng, muốn phát triển, đột phá nhưng vẫn còn nhiều e ngại; nhấn mạnh: “Giữa ý tưởng phát triển, đột phá, năng động thì cái lo trong quản lý, an toàn vẫn mâu thuẫn nhiều trong cách đặt vấn đề, tổ chức bộ máy, cách tiếp cận. Tôi cho rằng sau khi luật này ra đời, việc chọn Trưởng khu đặc biệt rất khó, đòi hỏi vừa năng động, sáng tạo, chủ động, lại xin ý kiến nhiều cấp, nhiều ngành”.

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) dù bày tỏ thống nhất với chủ trương ban hành đạo luật này, ghi nhận dự luật đã được tiếp thu nhiều nhưng cũng chỉ ra nhiều điểm khó khả thi. Đó là, về ngân sách đặc khu, dự thảo được chỉnh lý quy định rõ ngân sách đặc khu là một cấp ngân sách thuộc hệ thống ngân sách Nhà nước, tương đương ngân sách cấp huyện để xác định nguồn thu, nhiệm vụ chi, việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách đặc khu theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và luật này, đồng thời tạo cơ sở cho việc áp dụng các quy định của pháp luật liên quan đối với ngân sách đặc khu.

Phân tích quy định này, đại biểu cho rằng sẽ dẫn đến khó triển khai trong thực tiễn, bởi theo Luật Ngân sách Nhà nước, ngân sách tương đương cấp huyện thì toàn bộ việc giao nhiệm vụ thu chi sẽ do UBND, HĐND cấp tỉnh quyết định nhưng định mức tiêu chuẩn chi từ chi thường xuyên, đầu tư, khoa học công nghệ … lại giao đặc khu quyết định.

“Một ông quyết định nguồn, một ông quyết tiêu thế nào thì tiêu thì không thể khớp được bài toán. Tính cân đối tính thế nào khi đặc khu tính toán toàn bộ định mức chi tiêu, quy mô ngân sách của mình rồi bên trên lại giao xuống?”, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nêu quan điểm và đề nghị cần cân nhắc, quy định rất rõ trong luật mối quan hệ giữa ngân sách đặc khu với ngân sách tỉnh, ngân sách Trung ương.

Về cơ quan chuyên môn của đặc khu, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn khi dự luật quy định 7 cơ quan nhưng lại không nói rõ là 7 cơ quan nào, tại sao lại là 7 cơ quan, căn cứ vào đâu?

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu tại hội nghị để bổ sung, hoàn thiện dự án luật, báo cáo Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để xin ý kiến trình ra Kỳ họp 5 tới của Quốc hội thông qua.

Chiều nay, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ bàn về Dự án Luật An ninh mạng.

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top