UBND tỉnh xem xét, lấy ý kiến hoàn thiện 2 dự án phát triển truyền hình và giáo dục trên địa bàn

16:14 - Thứ Tư, 04/04/2018 Lượt xem: 9942 In bài viết
ĐBP - Tiếp tục phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 4, sáng ngày 4/4, các thành viên UBND tỉnh, đại biểu các sở, ngành liên quan tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự án số hoá thiết bị sản xuất chương trình truyền hình tỉnh Điện Biên đến năm 2020. Dự án có mục tiêu đầu tư trang thiết bị công nghệ mới thích ứng được công nghệ của Đài truyền hình Việt Nam; đảm bảo thực hiện được lộ trình số hoá truyền dẫn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi hoàn toàn truyền hình tương tự Analog sang truyền hình số vào cuối năm 2020. Dự án có tổng mức đầu tư gần 24 tỷ đồng. Cho ý kiến về dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn khẳng định dự án là cần thiết, tuy nhiên do công tác tham mưu của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh với UBND tỉnh chậm trong triển khai thực hiện Dự án nên kinh phí thực hiện dự án không được phê duyệt trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn. Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh phối hợp cùng Sở Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư lựa chọn, bố trí nguồn để thực hiện dự án này.

 

Đồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham gia ý kiến hoàn thiện Kế hoạch thành lập, mở rộng và nâng quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2018 – 2025.

Kế hoạch thành lập, mở rộng và nâng quy mô các Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2018 – 2025 gồm các nội dung: Mở rộng diện tích đất và đầu tư bổ sung cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng, bổ sung số lượng đội ngũ giáo viên và các điều kiện đảm bảo khác cho các trường hiện có để nâng quy mô các trường DTNT THPT huyện từ 300 học sinh/trường lên 600 học sinh/trường; Trường DTNT tỉnh từ 500 học sinh lên 630 học sinh; thành lập mới 1 trường DTNT THPT cấp tỉnh với quy mô 420 học sinh, nâng tổng số trường phổ thông dân tộc nội trú trong tỉnh lên 10 trường với quy mô 166 lớp với gần 5.900 học sinh. Kinh phí thực hiện về chế độ chính sách đối với học sinh nội trú cho cả giai đoạn là 46 tỷ; kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các trường cần tối thiểu 160 tỷ đồng. Một số ý kiến đề nghị ngành Giáo dục – Đào tạo cần phân rõ mục tiêu giai đoạn 2018 – 2020 và giai đoạn 2021 – 2025 để làm cơ sở đầu tư, triển khai dự án.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Giáo dục - Đào tạo xây dựng phương án tăng thêm trang thiết bị đáp ứng nhu cầu giáo dục, đào tạo giai đoạn 2018 – 2020. Đồng thời làm rõ hơn mức đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ dạy và học; mức chi cho học sinh… giai đoạn 2021 – 2025 làm cơ sở để UBND tỉnh quyết định phê duyệt.

Tin, ảnh: Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top