UBND tỉnh Điện Biên

Hội nghị tháo gỡ khó khăn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng

13:28 - Thứ Sáu, 06/04/2018 Lượt xem: 11173 In bài viết

ĐBP - Ngày 6/4, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư… Đồng chí Lê Thành Đô, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Lê Thành Đô, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kết luận, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành tại hội nghị.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020 (gọi tắt là Nghị định 75) có mức khoán bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm; hỗ trợ bảo vệ rừng 400.000 đồng/ha/năm; khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung không quá 1.600.000 đồng/ha/năm trong 3 năm đầu và 600.000 đồng cho 3 năm tiếp theo… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa thể thực hiện nội dung Nghị định 75 quy định. Lý do là tỉnh chưa giao đất lâm nghiệp chưa có rừng. Đồng nghĩa với việc này là các hộ gia đình, cộng đồng dân cư chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền. Đây là điều kiện tiên quết để các hi gia đình và cộng đồng dân cư được hưởng hỗ trợ theo các mức do Nghị định 75 quy định. Hiện nay, các hộ gia đình và cộng đồng dân cư đã và đang nhận khoán trồng rừng phòng hộ từ các ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng nên chỉ nhận được 30 triệu đồng/ha/4 năm (theo Nghị đinh 75 được 60 triệu đồng/ha/4 năm). Bên cạnh đó, kinh phí thực hiện chỉ tiêu trồng rừng mới, rừng phòng hộ tập trung, trồng cây phân tán và nguồn vốn đối ứng chi phí quản lý để thực hiện hạng mục khoanh nuôi tái sinh rừng, chi phí lập hồ sơ giao khoán lần đầu và trồng cây phân tán tỉnh chưa bố trí nên chưa có cơ sở triển khai. Đối với nguồn vốn sự nghiệp bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh, Trung ương đã cấp kinh phí khoán cho người dân 56,9 tỷ đồng, nhưng tỉnh chưa cấp kinh phí đối ứng chi phí quản lý thực hiện hạng mục khoanh nuôi tái sinh rừng và chi phí lập hồ sơ giao khoán lần đầu 4,145 tỷ đồng. Do vậy, đến nay các địa phương chưa thể triển khai thực hiện…

Tham gia thảo luận tại hội nghị, ý kiến các đại biểu tập trung đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định 75. Đặc biệt, là công tác giao quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình và cộng đồng dân cư; xác định đối tượng áp dụng trong thực hiện Nghị định 75; tháo gỡ khó khăn về vốn thực hiện bảo vệ và phát triển rừng…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Thành Đô cho rằng việc thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng theo Nghị định 75 trên địa bàn tỉnh chưa quyết liệt; UBND cấp huyện chưa có các giải pháp hữu hiệu trong thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng. Phó Chủ tịch Thường trực giao cho các cơ quan chức năng xác định rõ nguồn lực và khả năng phân bổ nguồn vốn thực hiện bảo vệ và phát triển rừng; UBND các huyện có trách nhiệm cân đối ngân sách địa phương thực hiện giao khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh lần đầu; Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hỗ trợ gạo cho các hộ tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện thực hiện thủ tục giao đất lâm nghiệp để các hộ dân được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 75. Ngay trong tháng 4, Sở Nông nghiệp và Phát triên nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường mở lớp tập huấn trang bị kiến thức về thực hiện trình tự thủ tục thực hiện dự án trồng rừng, khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng… 

Tin, ảnh: Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top