Bảo đảm tính đa mục tiêu trong xây dựng Luật PCTN (sửa đổi)

14:57 - Thứ Tư, 11/04/2018 Lượt xem: 8475 In bài viết
Nhiều ý kiến cho rằng dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) (PCTN) là một dự án Luật rất khó, quan trọng và nhạy cảm, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, một số nội dung lớn, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau nên cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) vào sáng 11/4 tại phiên họp thứ 23 của UBTVQH, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận ở Tổ và ở Hội trường về dự án Luật PCTN (sửa đổi), về cơ bản các đại biểu Quốc hội đã nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật. Quốc hội đã thống nhất xem xét thông qua dự án luật tại 3 kỳ họp.

 

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo tại phiên họp.

Ngay sau khi kết thúc kỳ họp Quốc hội, Chính phủ đã giao cho cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật PCTN (sửa đổi) chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, rà soát lại các quy định pháp luật, đối chiếu với kết quả tổng kết thi hành luật để chỉnh lý dự thảo luật nhằm bảo đảm tính đồng bộ với pháp luật hiện hành và tính khả thi trong thực tiễn.

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật đã tiếp thu, chỉnh lý. Theo đó, dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 125 điều (giảm đi 4 điều so với dự thảo đã trình Quốc hội tháng 10/2017 và tăng thêm 14 điều so với luật hiện hành); đồng thời điều chỉnh phương án xin ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau; có vấn đề được gộp thành 1 phương án hoặc có vấn đề cần trình theo 2 phương án để Quốc hội cho ý kiến.

Báo cáo thẩm tra về dự thảo luật của Ủy ban Tư pháp khẳng định, dự thảo được chỉnh lý về cơ bản đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, định hướng của Đảng trong xây dựng luật, trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN.

Nhiều quy định của dự thảo đã được sửa đổi nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành như: Quy định về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; chế độ họp báo, phát ngôn; quyền yêu cầu cung cấp thông tin; trách nhiệm giải trình; tiêu chí đánh giá công tác PCTN; báo cáo, công khai báo cáo công tác PCTN; tuyên truyền, giáo dục về công tác PCTN; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; tặng quà và nhận quà tặng; thanh toán qua tài khoản; việc xử lý tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán...

Thảo luận về dự thảo luật, các thành viên UBTVQH đã đóng góp ý nhiều ý kiến về những vấn đề, nội dung còn có nhận thức, quan điểm, phương án khác nhau của dự án luật liên quan đến phạm vi điều chỉnh; thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập; đối tượng kê khai tài sản, thu nhập; xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý; xử lý tham nhũng và vi phạm pháp luật; trách nhiệm phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán; giám sát công tác PCTN…

Nhiều ý cho rằng cho rằng, đây là một dự án luật rất khó, quan trọng và nhạy cảm, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội nên một số nội dung lớn, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm vừa nâng cao hiệu quả công tác PCTN, khắc phục những hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật PCTN, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm tính khả thi, nhất là quy định về các trường hợp xác minh tài sản, thu nhập; cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm; thẩm quyền của cơ quan Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra về công tác PCTN ở khu vực ngoài Nhà nước...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được xem xét thông qua ở 3 kỳ họp của Quốc hội, điều này thể hiện tầm quan trọng của dự án luật đối với một vấn đề được cả hệ thống chính trị và toàn dân quan tâm đó là công tác phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, trong xây dựng dự án luật, cần có một tầm nhìn xa, tầm nhìn dài hạn; các quy định đưa vào luật luôn phải phải đặc biệt quan tâm đến tính khả thi, tính hợp Hiến, hợp pháp, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tránh sự trùng lắp, trồng lấn với các đạo luật khác khi áp dụng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng nêu quan điểm, việc xây dựng luật, một mặt nhằm khắc phục những hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật PCTN hiện hành; mặt khác cũng phải cần hết sức quan tâm đến vấn đề phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội nước ta. Việc tiếp thu kinh nghiệm quốc tế cần quan tâm cân nhắc, có phân tích, chọn lọc kỹ lưỡng vì điều kiện kinh tế, truyền thống, văn hóa của các nước còn có những khác biệt so với nước ta.

Đồng quan điểm nêu trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị dự án luật cần được xây dựng trên cơ sở tiếp cận mở rộng các phương án về những vấn đề còn khó, nhạy cảm, phức tạp để tiếp nhận, xem xét tối đa các luồng ý kiến của các đại biểu quốc hội và cử tri đóng góp.

 

Toàn cảnh phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị cần làm rõ hơn các quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh quan điểm phải làm rõ nội dung thế nào là giải trình hợp lý, thế nào là giải trình không hợp lý.

Về vấn đề này, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho rằng, đặc điểm xã hội nước ta là người dân có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình; tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau (ngoài thu nhập từ lương thì nhiều người còn làm thêm để tăng thu nhập dưới nhiều hình thức) và trong khi Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn; chưa quy định đánh thuế đối với tài sản... trong bối cảnh đó, việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp.

Về mặt pháp lý không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng “suy đoán có tội”.

Mặt khác, nếu coi đó là tài sản của Nhà nước để tiến hành xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo thủ tục tố tụng dân sự về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu thì vừa không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự về các căn cứ xác lập quyền sở hữu, vừa rất khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của người thay mặt Nhà nước đứng ra khởi kiện.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý tài sản đó nhằm PCTN nên cần phải tiến hành thận trọng, có bước đi phù hợp. Đồng thời, cần quy định cụ thể tiêu chí làm căn cứ để xác định trường hợp nào được coi là “không giải trình được một cách hợp lý” để tránh tùy tiện, thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật.

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình; Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và một số ý kiến cho rằng, để bảo đảm tính khả thi của luật, cần hết sức thận trọng, cân nhắc trong việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài Nhà nước; cần có lộ trình, bước đi cụ thể. Trong khi còn chưa làm tốt công tác PCTN trong khu vực Nhà nước thì trước mắt chưa nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, mà tập trung nguồn lực làm tốt công tác PCTN trong khu vực Nhà nước.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị dự luật cần xây dựng các quy định để phát huy vai trò của thanh tra nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng bởi dự luật như hiện nay mới chỉ để cập chủ yếu đến thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top