Đặc khu kinh tế được ưu đãi đến đâu để phù hợp với chiếc túi ngân sách?

16:13 - Thứ Hai, 16/04/2018 Lượt xem: 8698 In bài viết

Sáng 16-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe và cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị Hành chính kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) – được đề nghị tên gọi mới cụ thể hơn là "Luật Đơn vị HCKTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc”.

Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, dự thảo Luật này sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5 (khai mạc vào tháng 5 tới đây) và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.

Ba đặc khu sẽ mang lợi ích kinh tế cụ thể nào?

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét khái quát: “Chúng ta chưa dành nhiều thời gian thảo luận kỹ lưỡng về vấn đề kinh tế, trong khi mục tiêu chính của 3 đặc khu này là tạo ra động lực kinh tế có sức lan tỏa, phát huy được lợi thế so sánh của từng khu vực”.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp.

Câu hỏi phải trả lời ở đây - theo Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển - là 3 đặc khu này sẽ mang lợi ích gì cho đất nước? Trong ngắn hạn, hiệu quả có thể chưa cao, nhưng dài hạn phải thu được kết quả tích cực.

“Có thông tin khái toán là các đặc khu này muốn phát triển cần hơn 1 triệu tỷ đồng, vậy cân đối ngân sách của chúng ta trong 3 năm tới của nhiệm kỳ này, 5 năm của nhiệm kỳ sau và 10 năm sau là bao nhiêu? Trong số này, Phú Quốc cần 900 ngàn tỷ đồng, ngân sách bỏ ra 19%; Vân Đồn cần 700 ngàn tỷ, ngân sách bỏ ra 10%... chúng ta phải tính toán xem nguồn lực như thế nào để nói phải đi đôi với thực hiện?”, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nêu vấn đề.

Bày tỏ băn khoăn về việc 3 đặc khu nêu trên có vị trí địa lý, đặc tính dân cư… rất khác nhau, mục tiêu kinh tế có những điểm giống và khác, nên phải có ưu tiên phát triển khác nhau mới có thể phát huy lợi thế so sánh của từng đặc khu, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhận xét: “Các ngành nghề ưu tiên và danh mục ngành nghề ưu tiên trong dự thảo còn chồng lắp, có ngành nghề không phải lợi thế của khu vực đó mà cũng đưa vào”.

Chẳng hạn, theo ông Hiển, Vân Đồn với vị trí rất gần Trung Quốc, có thể trở thành cửa ngõ giao thương thuận lợi với các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… vậy thì chính sách phải được thiết kế để tạo ra một thiên đường mua bán và trao đổi hàng hóa tự do; hấp dẫn các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch giải trí, trong đó có casino… Khả năng trở thành “Thung lũng Silicon” của Vân Đồn là không cao; việc trở thành cảng biển thương mại hay không cũng còn phải tính, vì ngay gần đó còn có Cái Lân, Lạch Huyện…

Về chính sách thuế, ông Phùng Quốc Hiển đồng tình có nhiều điểm quy định để đảm bảo tính nổi trội, nhưng phải tính kỹ, vì “nếu không cẩn thận thì chúng ta chẳng thu được gì nhiều so với số chúng ta bỏ ra, thậm chí còn có thể tạo ra gánh nặng cho ngân sách, nếu sử dụng chính sách miễn, giảm, giãn một cách tràn lan”.

Tránh để "mất cán bộ" vì sốt đất

Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cũng yêu cầu quan tâm đặc biệt đến chính sách ưu đãi thuế bất động sản, để tránh biến các đặc khu thành nơi lướt sóng đầu tư.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng chân thành nhắc nhở chính quyền 3 tỉnh dự kiến xây dựng đặc khu về những dấu hiệu của tình trạng “thổi” giá đất, làm rối ren thị trường. “Phải quản lý tốt, nếu không sẽ rất phức tạp, có khi Luật chưa thông qua mà chúng ta đã mất cán bộ”, bà nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nhận định, để có dự án đầu tư tốt, có chất lượng vào đặc khu (chứ không phải các nhà đầu tư chung chung) thì cần phải có biện pháp để sàng lọc, nhưng trong dự thảo Luật, tấm “màng lọc” này còn chưa rõ. Một số quy định về quy mô vốn đầu tư để được ưu tiên, theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, là đã lạc hậu trong điều kiện trượt giá. Ngoài ra, có những lĩnh vực ưu tiên hiện đã có nhà đầu tư như cảng hàng không, vậy ưu đãi để thu hút thêm nhà đầu tư có cần thiết không, có “hồi tố”các ưu đãi cho nhà đầu tư đã vào hay không…

“Song song với hoàn thiện dự thảo luật, cần làm sớm 3 đề án triển khai cụ thể để giải quyết các vấn đề hôm nay đang thảo luận chứ ĐBQH sẽ không xem xét luật “chay” được”, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng đề nghị.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

 Đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan chuẩn bị, thẩm tra dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu: “Chúng ta thống nhất chủ trương là ban hành Luật này theo nguyên tắc quyết tâm triển khai thực hiện, làm từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm”.

“Đã là ưu đãi thì doanh nghiệp đầu tư trong nước cũng được như nhà đầu tư nước ngoài, không có sự phân biệt”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Liên quan đến các ưu đãi về đầu tư, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra phải rà soát lại chương 3 của dự thảo để bảo đảm không có những chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài cao hơn nhà đầu tư trong nước.

“Đã là ưu đãi thì doanh nghiệp đầu tư trong nước cũng được như nhà đầu tư nước ngoài, không có sự phân biệt”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. 

Về đầu tư từ ngân sách cho các đặc khu, tán thành quan điểm của Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định: “Chúng ta thành lập 3 đặc khu để thu hút nguồn lực, tạo cơ chế thông thoáng để tạo ra 3 vùng động lực, 3 đầu tàu kinh tế, chứ không phải tạo thêm gánh nặng cho ngân sách. Trong 5 năm, kế hoạch đầu tư công của chúng ta chỉ có 2 triệu tỷ đồng thôi, vậy thì cân đối cho 3 đặc khu là bao nhiêu để có tính khả thi. Ngân sách bỏ ra một đồng để thu lại vài chục, vài trăm đồng, chứ không thể 10 năm sau tính lại thấy đặc khu không thu được gì”!

Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc nhở thêm, đặc khu có thể bội chi ngân sách, nhưng phải theo quy định của Luật Đầu tư công, mức bội chi hàng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Quản lý nợ công. Các quy định về hàng hoá tạm nhập tái xuất cũng cần chặt chẽ hơn, tránh trường hợp lợi dụng chủ trương tạm nhập tái xuất để buôn lậu…

 

Tiền lương cán bộ công chức đặc khu được trả theo vị trí việc làm

Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định có nêu vấn đề, để bảo đảm thực hiện những cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá, dự thảo Luật đã có những đổi mới quan trọng trong chế độ công vụ và chính sách đối với người làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập của đặc khu.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo.

Theo đó, những người giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt tại các cơ quan trong bộ máy chính quyền đặc khu là cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức hiện hành; những người còn lại đều là công chức hợp đồng.

Đội ngũ công chức hợp đồng được tuyển dụng theo vị trí việc làm trên cơ sở nguyên tắc người sử dụng lao động sẽ trực tiếp tuyển dụng lao động.

Tại đặc khu không thực hiện chế độ công chức suốt đời, không có chỉ tiêu, biên chế mà gắn chất lượng, hiệu quả công việc với chế độ thu nhập.

Số lượng người làm việc tại các cơ quan thuộc bộ máy giúp việc của chính quyền đặc khu do Chủ tịch UBND đặc khu quyết định căn cứ vào Danh mục vị trí việc làm đã được Bộ Nội vụ phê duyệt.

Dự thảo Luật cũng quy định cải cách mạnh mẽ chế độ tiền lương theo hướng tiền lương được trả theo vị trí việc làm gắn với chức vụ, chức danh.

Tiền lương tăng thêm được điều chỉnh theo khả năng cân đối của ngân sách và mức độ phát triển kinh tế của đặc khu; có tính cạnh tranh, bảo đảm phù hợp với thị trường và khu vực doanh nghiệp.

Các khoản phụ cấp ngoài lương được hưởng theo tính chất, đặc điểm công việc. Để đảm bảo thu hút được nhân tài, người làm việc có chuyên môn cao vào làm việc tại đặc khu, dự thảo Luật quy định Chủ tịch UBND đặc khu quyết định hệ số tiền lương tăng thêm; ban hành quy chế tiền thưởng thực hiện tại đặc khu căn cứ vào quy định của Thủ tướng Chính phủ và khả năng cân đối của ngân sách đặc khu.

Bên cạnh đó, cán bộ, công chức của các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu được hưởng một số chế độ, chính sách hỗ trợ khác.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top