Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét, cho ý kiến về một số dự án trọng điểm

15:02 - Thứ Ba, 17/04/2018 Lượt xem: 11481 In bài viết
ĐBP - Ngày 17/4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 tổ chức Hội nghị lần thứ 11. Các đồng chí: Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lâm Văn Năm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đồng chủ trì hội nghị.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xem xét các báo cáo: Tình hình triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh huyện Mường Nhé (sau đây gọi tắt là Đề án 79); kết quả thực hiện Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La; Dự án hạ tầng kỹ thuật khung dọc trục đường 60m và Dự án xây dựng công trình đường nối từ đường Võ Nguyên Giáp đến khu tái định cư Noong Bua vào Dự án đường vành đai II Noong Bua – Pú Tửu.

 

Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kết luận hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đề nghị Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn đề đất sản xuất cho 13/37 hộ dân thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La chưa có đất sản xuất (hiện đang thuê đất sản xuất của người dân sở tại); cho chủ trương xây kè khu vực đất bán ngập, nhằm đảm bảo cho người dân TX. Mường Lay tận dụng 40ha đất bán ngập để sản xuất, canh tác. Các đại biểu cũng nêu vấn đề khó khăn về đất sản xuất của người dân thuộc Đề án 79: Hiện nay nhiều hộ đã được cấp đất sản xuất nhưng đất xấu, bạc màu, không canh tác được; 7/31 điểm ổn định dân cư thuộc Đề án 79 chưa có hạ tầng (điện, đường, trường); đề nghị rà soát lại toàn bộ vấn đề sinh kế, sinh hoạt của người dân thuộc Đề án 79.

Trả lời các kiến nghị về Đề án 79, đồng chí Lê Thành Đô, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Đối với vấn đề điện lưới quốc gia cho các hộ thuộc Đề án, ở thời điểm triển khai, Trung ương cũng triển khai một Đề án cấp điện cho nông thôn nhưng do kế hoạch đầu tư công trung hạn thấp, hiện tỉnh chưa cấp điện cho các hộ được. Để giải quyết vấn đề, UBND tỉnh đề nghị giao huyện Mường Nhé rà soát, thống kê, trên cơ sở đó tỉnh sẽ tìm nguồn vốn đầu tư đường điện cho người dân. Vấn đề đất sản xuất, xét về lâu dài, cùng với việc nâng cao cải tạo, phục hồi đất, địa phương cần gắn việc canh tác của người dân thuộc Đề án 79 với các Chương trình mục tiêu quốc gia, lựa chọn các mô hình sản xuất phù hợp để người dân ổn định cuộc sống.     

Đối với Dự án hạ tầng kỹ thuật khung, hầu hết ý kiến đều nêu vấn đề chậm tiến độ của Dự án, trong đó nguyên nhân chủ yếu vẫn là giải phóng mặt bằng, tái định cư. Nhiều chủ hộ có đất, nhà thuộc diện giải phóng mặt bằng là cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang nhưng chưa gương mẫu, thiếu tự giác, thậm chí cản trở cơ quan chức năng trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; một số vướng mắc phát sinh khi Tổ chức phát triển quỹ đất sáp nhập về Sở Tài nguyên - Môi trường…

Kết luận Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn đề nghị huyện Mường Nhé và các chủ đầu tư Đề án 79 cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức, thói quen canh tác của người dân vùng dự án, nhất là cải tạo đất đai, nâng cao năng suất. Các ngành cần khẩn trương đẩy nhanh việc quyết toán dứt điểm các hạng mục đã hoàn thành, đồng thời rà soát tiến độ các dự án thành phần theo chủ trương của Chính phủ giao thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La. Đối với Dự án hạ tầng kỹ thuật khung, Tỉnh ủy nhất quán quan điểm: Việc san nền hạ tầng kỹ thuật khung hai bên đường 60m là tạo mặt bằng xây dựng các khu thương mại, dịch vụ; việc sở hữu, sử dụng sẽ qua hình thức đấu giá công khai. Chủ đầu tư và cấp ủy, chính quyền địa phương cần nâng cao công tác tuyên truyền, vận động nhất là đối với những cán bộ, đảng viên có nhà, đất thuộc diện giải phóng mặt bằng. Công tác kiểm đếm, đền bù cần hết sức công khai, minh bạch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với 4 điểm tái định cư thuộc Dự án.

Tin, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top