Hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực xây dựng cơ bản

16:31 - Thứ Sáu, 20/04/2018 Lượt xem: 10113 In bài viết
ĐBP - Ngày 20/4, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực xây dựng cơ bản. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ; Trịnh Đình Dũng, Phó thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì hội nghị. Đồng chí Lê Thành Đô, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Điện Biên.

Hội nghị có mục tiêu, nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, từ đó giúp Chính phủ, các bộ, ngành đề ra những giải pháp khắc phục có hiệu quả, từ đó phát triển bền vững hoạt động đầu tư xây dựng.

 

Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Điện Biên.

Tại hội nghị, các Bộ: Xây Dựng, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên & Môi trường đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục, cơ chế chính sách đã và đang tác động tiêu cực đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Đặc biệt, là việc nợ đọng kéo dài, công tác công khai minh bạch và xử lý dự án nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được thực hiện quyết liệt. Tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng thường bị kéo dài do cơ chế, chính sách còn nhiều thủ tục rườm rà. Thời gian hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bình quân mất khoảng 20 tháng. Đặc biệt, nhiều dự án bị kéo dài từ 5 đến 10 năm do đơn giá đền bù đất, công trình trên đất chưa theo cơ chế thị trường; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa theo quy hoạch được duyệt, làm tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng....

Đối với lĩnh vực kế hoạch đầu tư, cũng còn tồn tại không ít vướng mắc. Điển hình là trong tiêu chí phân loại dự án; thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư còn phức tạp, chưa thống nhất; thẩm quyền điều chỉnh dự án trong trường hợp điều chỉnh dẫn đến tăng tổng mức đầu tư của dự án; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công; chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư công và các luật chuyên ngành có liên quan... Những tồn tại liên quan đến pháp luật về đấu thầu tập trung ở những nội dung: Vướng mắc, khó khăn khi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu tư và các luật khác trong quá trình thực hiện; vướng mắc đối với việc triển khai dự án PPP...

Tại hội nghị, các đại biểu kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng; bảo hiểm xã hội thu theo thu nhập đối với công nhân xây dựng; vấn đề cấp phép đầu tư...

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Còn hiện tượng thất thoát nhiều trong đầu tư xây dựng; tình trạng nhiều cơ quan chức năng gây khó khăn cho các doanh nghiệp khiến một số dự án sử dụng vốn đầu tư công quy mô lớn bị dừng, giãn tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Thủ tục rất rườm rà, dẫn tới chồng chéo trong quản lý và các văn bản pháp lý liên quan. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư triển khai theo đúng tiến độ. Các bộ, ngành địa phương phải nhanh chóng tiêu chuẩn hóa, quy chuẩn hóa và minh bạch hóa các thủ tục hành chính và phương thức xử lý thủ tục hành chính, từ đó nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ.

Tin,ảnh: Thành Đạt
Bình luận
Back To Top