Kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền nam (30/4/1975 - 30/4/2018)

Mở ra một thời đại huy hoàng

08:21 - Thứ Năm, 26/04/2018 Lượt xem: 9010 In bài viết
ĐBP - Ðúng 10 giờ 30 phút ngày 11/3/1975, sau 32 giờ chiến đấu vô cùng anh dũng, quân ta đã làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột, trận mở màn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975! Tiếp theo đó, ta đồng loạt đánh chiếm các tỉnh duyên hải miền Trung: Huế, Ðà Nẵng, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa... giải phóng hơn một nửa đất đai và khoảng một nửa dân số miền Nam. Trên đà thắng lợi, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng miền Nam. Thể theo nguyện vọng tha thiết của cán bộ, chiến sỹ, ngày 13/4/1975 Bộ Tư lệnh tiền phương trình lên Bộ Chính trị, đề nghị cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn được vinh dự mang tên Bác Hồ vĩ đại. Hôm sau, ngày 14/4/1975, lúc 19 giờ, Bộ Chính trị đã điện vào, đồng ý chiến dịch Sài Gòn được mang tên: Chiến dịch Hồ Chí Minh!

 

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Ðộc Lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Lực lượng ta: Bộ đội chủ lực có các quân đoàn 1, 2, 3, 4, Ðoàn 232 (tương đương quân đoàn) với 15 sư đoàn bộ binh; 6 trung đoàn, 4 tiểu đoàn và một số đại đội đặc công, biệt động; 3 lữ đoàn, trung đoàn và 6 tiểu đoàn tăng - thiết giáp; 22 lữ đoàn, trung đoàn và 8 tiểu đoàn pháo binh; các đơn vị binh chủng khác; một bộ phận không quân, hải quân. Lực lượng vũ trang địa phương có 2 trung đoàn và nhiều tiểu đoàn, đại đội bộ binh; 6 trung đoàn đặc công, 1 lữ đoàn biệt cộng với 60 tổ; dân quân tự vệ và nhân dân trong địa bàn chiến dịch.

Lực lượng địch có Quân đoàn 3 (4 sư đoàn bộ binh), 3 liên đoàn biệt động quân, sư đoàn thủy quân lục chiến, 3 lữ đoàn dù, 1 lữ đoàn kị binh thiết giáp, 19 tiểu đoàn pháo binh, 800 máy bay, 862 tàu hải quân; tàn quân của Quân đoàn 1, Quân đoàn 2 và lực lượng tổng dự bị chiến lược; các đơn vị cảnh sát và phòng vệ dân sự trên địa bàn Quân khu 3. Ðịch tổ chức phòng thủ Sài Gòn bằng ba tuyến. Tuyến ngoài cách trung tâm Sài Gòn 30 - 50km do 5 sư đoàn, 2 lữ đoàn đóng giữ. Tuyến ven đô (Hóc Môn, Cầu Bông, Vĩnh Lộc, Châu Hiệp, Bà Hom, Bình Chánh, Nhà Bè, Nhơn Trạch...) do biệt động quân và bảo an, dân vệ đóng giữ. Tuyến nội đô do lực lượng cảnh sát, phòng vệ dân sự, các lực lượng bảo vệ căn cứ, các lực lượng thuộc biệt khu thủ đô... đảm nhiệm. Cách đánh của ta là chia cắt chiến lược, bao vây chặn diệt chủ lực địch ở tuyến ngoài, tổ chức binh đoàn binh chủng hợp thành thọc sâu vào nội đô đánh chiếm các mục tiêu chiến lược then chốt nhất: Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, Bộ Tư lệnh cảnh sát quốc gia, dinh Ðộc Lập; trong đó dinh Ðộc Lập là hợp điểm chiến dịch, kết hợp với nổi dậy của nhân dân giành chính quyền ở cơ sở. Hướng chủ yếu: Bắc và Tây Bắc, Tây Bắc là chủ yếu nhất; hướng hiểm yếu và quan trọng: Ðông và Tây Nam.

Sau các chiến dịch và các đợt chiến đấu tạo thế (bắt đầu từ ngày 9/4 đến ngày 26/4), ta đã bao vây áp sát Sài Gòn trên năm hướng: hướng Bắc là Quân đoàn 1, Tây Bắc là Quân đoàn 3; Ðông là Quân đoàn 4 và 2; Tây Nam là Ðoàn 232; Nam là lực lượng chủ lực Quân khu 8; một số đơn vị đặc công và biệt động đã đứng được ở ven và nội đô. Ðúng 17 giờ ngày 26/4 chiến dịch bắt đầu, trước tiên ở hướng Ðông và Ðông Nam. Từ ngày 26 đến ngày 28 ta chọc thủng tuyến phòng thủ vòng ngoài, đập tan sự chống cự của các sư đoàn địch; chiều ngày 28, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn mất hiệu lực chỉ huy, địch rối loạn về chiến lược. Ngày 29 ta tổng công kích trên toàn mặt trận, tiêu diệt các lực lượng địch ngăn chặn, phản kích, chiếm tuyến ven đô.

Sáng ngày 30 ta thọc sâu vào nội đô, đánh chiếm các mục tiêu theo kế hoạch; 11giờ 30 phút chiếm và cắm cờ trên dinh Ðộc Lập, bắt toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn, Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Cùng với đòn tiến công quân sự, nhân dân nội, ngoại thành Sài Gòn đã nổi dậy giành chính quyền ở 107 điểm. Nắm thời cơ chiến lược, ngày 1/5 ở đồng bằng sông Cửu Long, các quân khu 8 và 9 đã đồng loạt tiến công và nổi dậy tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng còn lại cuối cùng của quân đội Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Kết quả ta tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng chủ lực, địa phương, cảnh sát thuộc Quân khu 3 của địch, lực lượng dự bị chiến lược còn lại và tàn quân của Quân đoàn 1 và 2 của địch chạy về, thu 500 khẩu pháo, trên 400 xe tăng, xe thiết giáp, trên 800 máy bay, 600 tàu chiến, 270.000 khẩu súng các loại, trên 3.000 xe quân sự các loại và toàn bộ kho tàng...; đập tan hệ thống chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến cơ sở, giải phóng hoàn toàn Sài Gòn - Gia Ðịnh, các tỉnh Tân An, Gò Công, Hậu Nghĩa, Tây Ninh, Bình Dương, Biên Hòa, Long Khánh, Bà Rịa, Vũng Tàu...

Chiến dịch Hồ Chí Minh thể hiện và đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung, nghệ thuật chiến dịch tiến công chiến lược nói riêng. Ðấy là trận đánh lớn nhất, cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối. Ðối với nhân dân ta và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, chiến dịch Hồ Chí Minh là hồi chuông báo yên, mở ra một thời đại huy hoàng: Thời đại Hồ Chí Minh của con Lạc cháu Hồng; tự ta làm chủ đời ta, tự ta làm chủ đất nước ta.

Ðồng thời, đó còn là một trái pháo với sức công phá không gì sánh nổi và không gì cưỡng nổi, nã thẳng vào dinh lũy của chủ nghĩa thực dân do đế quốc Mỹ cầm đầu. Bằng chiến dịch Hồ Chí Minh, thêm một lần nữa chúng ta chứng minh cho nhân loại thấy rằng: Một dân tộc đất không rộng, người không đông, kinh tế nghèo, vũ khí ít; nhưng biết đoàn kết triệu người như một, có lý tưởng chiến đấu chân chính, có đường lối chính trị, quân sự, ngoại giao đúng đắn; dân tộc ấy lại được bầu bạn khắp năm châu hết lòng ủng hộ, thì nhất định sẽ chiến thắng trước bất kỳ mọi thế lực dù đen tối, hung hãn đến mức nào!

Hồng Kỳ (b/s)
Bình luận
Back To Top