Một thời và mãi mãi

08:28 - Thứ Năm, 03/05/2018 Lượt xem: 8538 In bài viết
ĐBP - Chiến thắng Ðiện Biên Phủ kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), đó chính là sự chiến đấu anh dũng của những người chiến sĩ “ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non”. Giờ đây, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, mảnh đất chiến trường Ðiện Biên Phủ ngày nào đã lột xác trở thành đô thị khang trang, hiện đại. Những con người làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc ngày ấy, nay người còn, người mất. Người còn cũng đều ở tuổi xưa nay hiếm, chân chậm, mắt mờ, nhưng trong sâu thẳm thì đó một thời hào hùng nhất và mãi mãi không bao giờ quên...

Ðiện Biên Phủ những ngày đầu tháng 5 trở nên đông đúc và náo nhiệt hơn. Dưới cái nắng chói chang, từng đoàn người, xe từ khắp muôn phương đổ về thăm những di tích lịch sử của 64 năm về trước, như đồi A1, C1, D1, rừng Mường Phăng, hầm De Castries… Nơi mà 64 năm về trước quân và dân ta đã làm nên chiến thắng vang dội đi vào lịch sử 5 châu, chấn động địa cầu. Hòa trong dòng người tấp nập đó là những màu xanh áo lính đã bạc theo thời gian. Những mái tóc bạc tìm về dâng hương tưởng nhớ đồng chí, đồng đội mình, để tri ân những cái chết đã hóa thành bất tử. 64 năm sau chiến dịch Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thời gian đã làm cho mảnh đất đầy đạn bom hồi sinh trù phú nhưng chẳng thể nào làm phai mờ được ký ức về những năm tháng kháng chiến hào hùng. Những chàng trai đôi mươi, tràn đầy nhiệt huyết cách đây 64 năm từng góp phần làm nên chiến thắng lịch sử nay đã là các cựu chiến binh chấp chới trăm tuổi. Nhưng ở họ vẫn đầy ắp những ký ức không thể nào quên về trận chiến lịch sử Ðiện Biên Phủ hào hùng của dân tộc, đặc biệt cứ mỗi độ vào những ngày tháng 5 lịch sử này.

 

Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm Tướng De Castries. Ảnh tư liệu

Cái duyên đã đưa chúng tôi gặp được ông Phạm Bá Miều - một trong những người còn sống sau chiến dịch Ðiện Biên Phủ, hiện trú tại tổ dân phố 16, phường Tân Thanh (TP. Ðiện  Biên Phủ). Ðôi mắt đã mờ, bước chân đã chậm, chàng trai trẻ Phạm Bá Miều năm nào nay đã 87 tuổi đời và 63 năm tuổi Ðảng. Thế nhưng khi hỏi đến chiến dịch Ðiện Biên Phủ, ông Miều vẫn nhớ như in những kỷ niệm về cuộc đời binh nghiệp. Với ông những ký ức một thời hoa lửa ấy mãi mãi trường tồn với thời gian và không bao giờ phai. Ðó là năm 1949, vừa tròn 19 tuổi, thanh niên Phạm Bá Miều rời quê lúa Thái Bình lên đường tập kết ra Cao Bằng và được phân công vào Ðại đội 13, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 65, Sư đoàn 312. Sau khi được huấn luyện bài bản, năm 1950, ông được chuyển sang Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 để tham gia chiến đấu và giữ chức vụ Tiểu đội trưởng. Ðến tháng 2/1954, đơn vị ông được lệnh kéo về khu Tà Lèng, thuộc huyện Ðiện Biên, tỉnh Lai Châu cũ (nay là tỉnh Ðiện Biên) để chuẩn bị cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Là người tham gia từ đầu đến cuối chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Mỗi trận đánh đối với ông là một kỷ niệm không bao giờ quên. Nhưng có lẽ trận đánh chiếm Ðồi A1 là để lại nhiều kỷ niệm hơn bao giờ hết. Theo lời kể của ông Miều: Nhiệm vụ của đơn vị ông lúc đó là vừa chiến đấu vừa kiến trúc công sự, đắp ụ, đào giao thông hào từ Tà Lèng xuống Ðồi A1 - Sở Chỉ huy của địch. Ðặc biệt, đào đường hầm ngầm từ chân Ðồi A1 vào Sở Chỉ huy của địch để đặt khối bộc phá. Lúc đó, Ðiện Biên đang là mùa mưa, bầu trời xám xịt, mưa tầm tã, nhưng hàng trăm chiến sĩ vẫn thay nhau đào hầm ngầm. Ðất ở Ðồi A1 rất cứng, dụng cụ chỉ có cuốc chim và xẻng gấp thô sơ nên tiến độ bị chậm. Theo kế hoạch, trong 7 ngày phải hoàn thành nhưng phải mất 12 ngày mới hoàn thành đường hầm ngầm đặt khối bộc phá nặng 960kg. Trong quá trình đào hầm, nhiều chiến sĩ đã hy sinh vì bị ngạt khí. Song với ý chí kiên cường bất khuất, cuối cùng một chiến hào áp sát hầm ngầm địch đã hoàn thành. Thuốc nổ được đóng thành từng bao 20kg để dễ vận chuyển vào điểm tập kết. Ðúng 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954, khối bộc phá 960kg thuốc nổ được châm ngòi, phá sập toàn bộ hệ thống hầm ngầm, chúng ta chiếm toàn bộ cứ điểm A1 chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Ðây cũng là mệnh lệnh tấn công đợt cuối cùng, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ”.

 

Khi về già, cựu chiến binh Phạm Bá Miều vẫn thường xuyên theo dõi tin tức qua báo chí.

Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ mỗi đơn vị mỗi nhiệm vụ khác nhau, người thì trực tiếp cầm súng chiến đấu, cũng có người dù không cầm súng nhưng góp phần quan trọng không kém làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ðến nay, đã là 64 năm kể từ khi chiến dịch Ðiện Biên Phủ thắng lợi, thời gian qua đi, mọi thứ đã đổi thay nhiều nhưng kí ức về trận đánh Ðiện Biên Phủ hào hùng chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí của ông Bùi Văn Ðáp, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) - lực lượng quân y đường hầm. Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, ông Ðáp là y tá trưởng phụ trách Khu Trung thương - Ðội điều trị ÐT3, trực tiếp tham gia điều trị các chiến sĩ bị thương. Thấm thoát, đến nay đã bước sang 91 tuổi, ông là người lính quân y đường hầm duy nhất trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ còn ở lại trên mảnh đất Ðiện Biên. Nhớ lại những tháng ngày tham gia chiến dịch, ông Bùi Văn Ðáp, cho biết: Hàng ngày, cứ 2 giờ chiều, chúng tôi phải làm danh sách chuyển thương binh từ đây về tuyến sau. Ðến 5 giờ chiều, lại nhận thương binh ở mặt trận mới về. Trung bình một đêm khoảng 100 thương binh được chuyển vào khu để điều trị. Ðặc biệt, thời gian cuối tháng 4, đầu tháng 5/1954 trời mưa nhiều, đường lầy lội. Các thương binh từ mặt trận được chuyển về đến nơi thường lấm lem bùn đất, rất khó khăn trong công tác cứu thương. Vì vậy, các đồng chí hộ lý phải vệ sinh sạch sẽ, sau đó chúng tôi mới bắt đầu công tác cứu thương. Khi ấy, bệnh nhân thì nhiều mà lực lượng quân y lúc đó chỉ có khoảng 50 người. Bởi vậy việc chăm sóc phải dựa vào sự giúp đỡ của lực lượng dân công. Trong 56 ngày đêm diễn ra chiến dịch, lực lượng quân y, luôn phải làm việc không ngơi tay suốt ngày đêm, có những lúc quên ăn, quên ngủ, liên tục mổ, thay băng, cầm máu... vậy mà rất nhiều chiến sĩ ra đi ngay trên bàn mổ. Dẫu rằng cái chết là điều tất yếu, nhất là trong chiến đấu lại trở thành quá đỗi bình thường, nhưng không ít nước mắt đã rơi trên khuôn mặt những chiến sĩ quân y mà đến bây giờ không thể nào quên”.

64 năm đã qua đi nhưng ký ức hào hùng của những ngày đó vẫn còn in đậm mãi trong tâm trí của những cựu chiến binh như ông Miều, ông Ðáp... và cũng như tất cả người dân Ðiện Biên nói riêng, cả nước nói chung. Chắc chắn, hình ảnh lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” tung bay trên nóc hầm De Castries sẽ không bào giờ phai mờ trong thế hệ những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã từng có mặt và chứng kiến giây phút hào hùng khi xưa. Những thế hệ công dân sinh sau ngày 7/5/1954, dù không được trực tiếp chứng kiến những giây phút hào hùng đó nhưng vẫn cảm nhận được niềm tự hào từ các thế hệ cha anh và sẽ luôn ghi nhớ, biết ơn những chiến sĩ đã ngã xuống, anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, khó có thể phác họa lại được hành trình đầy gian khó và những hy sinh to lớn mà vẻ vang, chói lọi quân và dân ta năm xưa. Nhưng những câu chuyện, những hồi ức của các cựu chiến binh như một minh chứng sống động, chân thực nhất để thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ, tri ân và không bao giờ quên.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top