Vấn đề hôm nay

Mốc son vàng Chiến thắng Điện Biên Phủ

14:39 - Chủ Nhật, 06/05/2018 Lượt xem: 9373 In bài viết

ĐBP - Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, đến 5 giờ 30 phút chiều ngày 7/5/1954, lá cờ đỏ sao vàng của Bộ đội Việt Minh đã cắm trên nóc hầm Tướng Đờ - cát - tơ - ri. Nhiều lính Pháp dương cờ trắng ra hàng, đánh dấu và kết thúc cuộc chiến chống quân đội thực dân tại Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ được ví như "một Bạch Đằng, Chi Lăng hay Đống Đa" của thế kỷ XX. Một đất nước quân không mạnh, vũ khí không tối tân hiện đại, nhưng với ý chí, quyết tâm cao; nhất là phải nhất tề đứng lên chiến đấu vì lẽ phải, vì độc lập tự do và yêu chuộng hòa bình, nên cho dù phải nếm trải cuộc sống máu trộn bùn non vẩn không sờn lòng. Người này ngã xuống thì người khác xông lên quyết giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Thất bại của quân Pháp tại Điện Biên Phủ cũng là đánh dấu sự sụp đổ của chế độ cai trị thuộc địa kiểu mới tại Đông Dương và trên toàn thế giới.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son bằng vàng. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp được nhắc đến nhiều nhất, có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đời binh nghiệp của người anh cả Quân đội nhân dân Việt Nam, việc quyết định chuyển từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc" đã mang lại chiến thắng "lẫy lừng" trở thành huyền thoại, mà ít hao binh tổn tướng nhất cho quân và dân ta.

Thấu hiểu giá trị to lớn của Chiến dịch Điện Biên Phủ, của độc lập tự do, nên sau giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên bắt tay dựng xây quê hương, đất nước. Bên cạnh lãnh đạo phát triển kinh tế, chú trọng lao động sản xuất để có đủ cái ăn cái mặc là tập trung xóa giặc dốt. Chú trọng dạy chữ, dạy văn hóa cho nhân dân. Khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo phương châm "văn hóa soi đường cho quốc dân đi". An ninh, quốc phòng được chú trọng, nhất là đề cao cảnh giác với các thế lực thù địch, với phỉ và các toán biệt kịch nổi loạn ở khu vực biên giới. Với nỗ lực và quyết tâm cao, các thế lực thù địch, kẻ cầm đầu đã không còn đất sống tại Điện Biên. Chính trị ổn định, an ninh đảm bảo, nhân dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Là tiền đề để thu hút, mời gọi đầu tư, khai thác tiềm năng thế mạnh phục vụ phát triển kinh tế, đưa vị thế Điện Biên lên tầm cao mới.

Sau 64 năm nỗ lực dựng xây phát triển, với 13 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh. Cùng với đó là các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm của chính quyền các cấp, chiến trường xưa nay thay màu áo mới. Điện Biên hôm nay không xa xôi diệu vợi như ngày mới giải phóng. Đường bộ, đường hàng không đều mở đến nơi, việc đi lại rất dễ dàng. Các cứ điểm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã và đang được trùng tu, tôn tạo phục vụ khách tham quan du lịch. Là chỗ để nhắc nhở, giáo dục truyền thống cách mạng, đấu tranh giành độc lập của cha ông cho thế hệ con cháu.

Từ chỗ là tỉnh nghèo, với nỗ lực quyết tâm cao, Điện Biên đã sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Trung ương, quốc tế và tỉnh bạn, cùng với đó là nội lực của địa phương tập trung kiến thiết hạ tầng cơ sở, triển khai các chương trình, dự án phục vụ lợi ích nhân dân. Nhờ đó, điện lưới quốc gia đã sáng mường, đường về tận bản. Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Một mặt chú trọng công tác an sinh xã hội; chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đối tượng yếu thế trong xã hội...

Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên càng thêm tự hào, vì được cả nước nhắc đến bởi Chiến thắng "lừng lẫy năm châu" cách đây 64 năm. Do vậy, mỗi người dân Điện Biên sẽ nỗ lực hơn nữa trong lao động sản xuất, xây dựng mối đoàn kết toàn dân và nguyện quyết tâm một lòng theo Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, cho cương thổ được vẹn toàn.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top