Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2018)

“Ðều là con cháu Việt Nam”

08:41 - Thứ Năm, 17/05/2018 Lượt xem: 9569 In bài viết
ĐBP - Ngay sau khi về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp biên soạn tài liệu huấn luyện cán bộ, trong đó Người yêu cầu cán bộ phải: “Tìm hiểu phong tục, tập quán, học tiếng địa phương...” Người giao cho một số cán bộ người dân tộc mở lớp huấn luyện quân sự và tổ chức nhiều hội nghị để củng cố sự đoàn kết giữa các dân tộc...

Trong thời kỳ chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa, Người nhấn mạnh: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thẩy”. Trong “Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa”, Người kêu gọi: “Chỉ có đoàn kết, phấn đấu nước ta mới được độc lập”. Người đã chỉ thị thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, trong đó phần đông là người các dân tộc thiểu số.

 

Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh tư liệu

Với thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dân tộc Việt Nam nói chung và các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã thành người chủ của nước Việt Nam độc lập. Quốc hội khóa I đã có sự tham gia của đại diện các dân tộc thiểu số. Với cương vị Chủ tịch nước Việt Nam độc lập, Hồ Chí Minh đã mời đại diện các dân tộc thiểu số tham gia Chính phủ hoặc giữ trọng trách ở các cơ quan Trung ương và địa phương. Ngày 19/4/1946, Người có thư gửi Ðại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku, trong đó Người khẳng định: “Ðồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Ðê, Xê Ðăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt...”.

Từ sau ngày Toàn quốc kháng chiến, Người luôn luôn nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu lúc này là “phải kháng chiến cứu nước”, “đoàn kết hơn nữa để chống xâm lăng”. Người giao cho các ngành hữu quan mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, quân sự và cử con em các dân tộc thiểu số sang Trung Quốc, Liên Xô học tập.

Với chiến thắng Ðiện Biên Phủ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân tộc, dân chủ và hòa bình. Trong thời kỳ mới, vấn đề dân tộc thiểu số ở nước ta đã được Hồ Chí Minh đặt ra và giải quyết trên một bình diện mới, có nội dung mới, phản ánh những nhu cầu cơ bản của các dân tộc thiểu số, từ chính trị đến kinh tế, từ văn hóa đến xã hội... trong đó đoàn kết vì sự phát triển của các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ trung tâm. Trong các dịp đi thăm đồng bào các dân tộc ở Việt Bắc, Tây Bắc, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... Người nhấn mạnh: “Ngày nay chế độ ta là chế độ dân chủ, tất cả nhân dân các dân tộc đều có quyền làm chủ nước nhà” và kêu gọi: “Trước hết, tất cả các dân tộc, bất kỳ to hay là nhỏ, đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà”. Nói về nhiệm vụ trong thời kỳ mới, Người chỉ thị cho các cơ quan hữu quan thành lập nhiều trường dành riêng cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Người còn căn dặn việc trồng cây; giữ gìn vệ sinh làng bản, nhà ở, bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự an ninh... Do đồng bào các dân tộc thiểu số sống phần lớn các tỉnh biên giới, Người nhắc nhở phải đoàn kết, giữ gìn tình hữu nghị với nhân dân các nước có chung biên giới. Người yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền: “Phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân... áp dụng chủ trương, chính sách phải sát hợp với tình hình mỗi nơi”.

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, cứu nước Người đã chỉ thị cho các cơ quan tiếp tục lựa chọn và đưa nhiều con em đồng bào các dân tộc thiểu số sang các nước xã hội chủ nghĩa học tập, đào tạo và nhiều người trong số đó đã trở thành cán bộ lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước; nhiều nhà khoa học, nhiều nhà văn hóa có tên tuổi... Dù hoàn cảnh đất nước bị chia cắt song Người luôn luôn quan tâm đến đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Nam. Hồ Chí Minh gắn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số không chỉ về nhận thức mà còn trong tình cảm của Người. Nơi Người đặt chân đầu tiên khi về nước là ở nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Người nói một số tiếng dân tộc thiểu số khi cần thiết. Sau khi nước nhà độc lập, với cương vị Chủ tịch nước, Người đã có thư gửi đồng bào các tỉnh Việt Bắc, trong đó Người viết: “Tôi không bao giờ quên đồng bào Thổ, đồng bào Nùng, đồng bào Mèo... cho đến anh em Hoa kiều, người thì giúp chúng tôi ăn, kẻ thì cho chúng tôi áo...”. Tên gọi Bác Hồ đã trở thành thân thiết với đồng bào các dân tộc trên đất nước Việt Nam.

Có thể nói, Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ mà còn là người bạn đồng hành của mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Sự đoàn kết của 54 dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam là một nhân tố cơ bản đảm bảo thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới của chúng ta...

B. V. P (Theo Phạm Hữu Tiến)
Bình luận
Back To Top