Dấu ấn Hội nghị Trung ương 7, khóa XII

09:00 - Thứ Năm, 17/05/2018 Lượt xem: 8863 In bài viết
ĐBP - Sau 6 ngày (từ 7 - 12/5) làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII (Hội nghị Trung ương 7) đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Hội nghị khép lại với các quyết sách lớn của Ðảng, do đó, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên cả nước nói chung và tỉnh Ðiện Biên nói riêng.

 

Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII. Ảnh: Báo Nhân dân

Ông Lường Văn Tâm, Trưởng phòng Nội vụ huyện Ðiện Biên

Nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ

 
Hội nghị Trung ương 7 kết thúc thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Tôi thấy rất vui mừng vì sau quá trình làm việc khẩn trương, nghiêm túc, các nghị quyết của Hội nghị đã được thống nhất thông qua. Trong quá trình theo dõi nội dung Hội nghị, tôi đặc biệt quan tâm về việc thảo luận Ðề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Bởi theo đánh giá, mặc dù đa số cán bộ đều có trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị, tư duy đổi mới song bên cạnh đó vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Cán bộ trong hệ thống chính trị đông nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi; một số cán bộ uy tín thấp, thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó với nhân dân; thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm… gây thất thoát vốn, tài sản Nhà nước, làm suy giảm niềm tin của nhân dân. Do đó, bên cạnh việc xử lý kịp thời, nghiêm minh một số tổ chức, cá nhân vi phạm để cảnh báo, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, cần tập trung nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất và uy tín cho đội ngũ cán bộ các cấp. Từ đó, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước…

Ðức Linh (ghi)

Ông Mai Quốc Việt, Bí thư Chi bộ thôn Trại Giống, xã Thanh An (huyện Ðiện Biên)

Ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền

 
Những ngày qua, tôi thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về Hội nghị Trung ương 7 trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nội dung mà tôi và nhiều người quan tâm là việc thảo luận về công tác cán bộ, nhất là vấn đề chống tình trạng chạy chức, chạy quyền, họ hàng trong công tác cán bộ. Bởi trong thời gian qua, đã có nhiều vụ việc cán bộ được nâng đỡ, bổ nhiệm không đúng quy trình, sai quy định, chưa đủ tiêu chuẩn được phát hiện, phanh phui. Vì vậy, cần phải sớm xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ. Khi phát hiện phải xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, lạm dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền; kiên quyết thu hồi, hủy bỏ các quyết định không đúng. Bên cạnh đó, tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, vì như vậy sẽ giúp kiểm soát quyền lực tốt hơn, hạn chế mối quan hệ tình cảm họ hàng, anh em, tránh tình trạng nể nang, né tránh trong công việc. Mặt khác, cần cụ thể hóa hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ; mở rộng hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân với từng đối tượng cán bộ… Có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng chạy chức, chạy quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, tạo dựng niềm tin trong nhân dân.

Ðức Thái (ghi)

Ðảng viên Lò Văn Thư, Chi bộ 7, thị trấn Ðiện Biên Ðông (huyện Ðiện Biên Ðông)

Lương thấp khó thu hút nhân tài

 
Ðề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp được đưa ra thảo luận trong Hội nghị Trung ương 7 thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân cả nước. Bởi nếu Ðề án được đưa vào thực tiễn sẽ có nhiều bước đột phá so với cách chi trả lương hiện tại, góp phần hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm trong các cơ quan Nhà nước.

Cách tính, chi trả lương hiện tại còn tồn tại nhiều bất cập. Hệ thống thang, bảng lương, mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức theo hệ số, chia ra nhiều bậc lương rất phức tạp, khoảng cách giữa các bậc về tiền lương rất nhỏ, có tính bình quân cao; vẫn chưa triệt để trả lương theo vị trí việc làm với chức danh và tiêu chuẩn rõ ràng. Việc trả lương cho những người có thâm niên cao hơn vị trí công việc. Tác động của tiền lương đến năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc còn chưa cao. Với cách xây dựng và điều chỉnh như hiện nay sẽ tạo ra sự bất hợp lý, không công bằng về tiền lương giữa cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khu vực thị trường doanh nghiệp. Mặc dù mức tiền lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức liên tục tăng trong những năm gần đây nhưng nhiều người tiền lương tăng thêm chưa đủ bù chi tốc độ trượt giá; chưa bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức có mức sống từ trung bình trở lên; chưa tạo được sự yên tâm công tác lâu dài. Dẫn đến khó thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước; nhiều người từ bỏ cơ quan Nhà nước ra làm ngoài thị trường, doanh nghiệp...

Anh Tuấn (ghi)

Ông Là Văn Lưu, bản Chăn, xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo)

Tăng mức hỗ trợ để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện

 
Từ nguồn thông tin chính thống trên các phương tiện truyền thông, tôi thấy rằng hiện nay tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), nhất là BHXH tự nguyện còn thấp. Theo tôi, một trong những nguyên nhân là do chính sách BHXH tự nguyện mới chỉ có chế độ hưu trí và tử tuất. Trong khi đối với BHXH bắt buộc thì có nhiều chế độ, như: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp... Một nguyên nhân nữa là do chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia còn thấp. Theo đó, từ tháng 1/2018, Nhà nước thực hiện mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện bằng 30% đối với người thuộc diện nghèo, 25% đối với người thuộc diện cận nghèo, người bình thường là 10%. Trong khi đối với dân bản chúng tôi, ngoài thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp thì dường như không có thu nhập nào khác.

Từ những hạn chế nêu trên, tôi thấy rằng, Ðề án Cải cách chính sách BHXH được Hội nghị Trung ương 7 đưa ra bàn thảo là việc làm cần thiết, đáp ứng được mong đợi của xã hội. Tôi mong muốn rằng, sau Hội nghị này, Ðảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách tăng mức hỗ trợ để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện. Từ đó, bảo đảm cho cuộc sống của người lao động khi về già, nhất là đối với những người có thu nhập bấp bênh như chúng tôi.

Quang Long (ghi)

Ông Hà Duyến Ðiến, Bí thư chi bộ tổ dân phố 9, thị trấn Ðiện Biên Ðông (huyện Ðiện Biên Ðông)

Ðảm bảo đời sống cán bộ, công chức, viên chức bằng lương

 
Những ngày gần đây nhân dân cả nước đang tập trung bàn luận xoay quanh những vấn đề lớn mà Hội nghị Trung ương 7 vừa diễn ra. Là người thường xuyên theo dõi sát diễn biến của Hội nghị, tôi thấy Ðề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp lần này có nhiều điểm mới, như: Xác định tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình; trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước; cải cách chính sách tiền lương phải gắn liền với cải cách hành chính, đổi mới, tinh giản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị...

Từ năm 1993 đến nay, mức lương cơ sở nhiều lần được điều chỉnh, phần nào nâng cao chất lượng đời sống của cán bộ, công chức, viên chức... Hiện nay, so với tác động của nền kinh tế thị trường thì công chức, viên chức khó có thể đảm bảo đời sống bằng lương nếu không có phụ cấp (phụ cấp khu vực, phụ cấp công vụ…) và làm thêm (thu nhập ngoài lương) thì không có tích lũy... Khi đời sống của cán bộ, công chức, viên chức không được đảm bảo sẽ nảy sinh nhiều bất cập; là một trong những động cơ dẫn đến nạn tham nhũng, sách nhiễu nhân dân... Ðề án Cải cách tiền lương mới đi vào thực tiễn, đời sống cán bộ, công chức, viên chức được đảm bảo bằng lương, góp phần giảm  tệ nạn tham nhũng...

Anh Nguyễn (ghi)

Nguyễn Thùy Linh, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Ðiện Biên

Cải cách chính sách BHXH phục vụ nhân dân tốt hơn

 
Thời gian qua, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đã không ngừng sửa đổi, cải tiến hướng đến phục vụ lợi ích của nhân dân. Việc thực hiện chính sách BHXH của Ðảng, Nhà nước đã góp phần ổn định thu nhập cho người lao động khi hết tuổi lao động hoặc trong trường hợp gặp rủi ro. Bên cạnh đó, BHXH tạo được tâm lý an tâm, tin tưởng cho người dân, điều này đặc biệt quan trọng đối với lao động nữ như chúng em khi tham gia BHXH bắt buộc, vì được bảo đảm thu nhập trong thời gian nghỉ sinh con, giúp phụ nữ yên tâm chăm sóc con, phục hồi sức khỏe.

Ðặc biệt, trong xu hướng già hóa dân số, việc cải cách chính sách BHXH ở nước ta là cần thiết và cấp bách, bởi để thực hiện được chính sách này cần có lộ trình dài. Nếu không cải cách kịp thời sẽ có tác động rất khó lường. Cải cách chính sách BHXH sẽ góp phần cân đối quỹ BHXH, nhất là BHXH tự nguyện bền vững trong dài hạn; nâng cao diện bao phủ BHXH… từ đó đảm bảo quyền lợi cho người lao động tham gia BHXH, hướng đến phục vụ nhân dân tốt hơn.

Văn Quyết (ghi)

Bình luận
Back To Top