Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh làm việc với UBND huyện Mường Chà

16:29 - Thứ Sáu, 18/05/2018 Lượt xem: 10744 In bài viết
ĐBP - Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề về việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2013 – 2015; việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng từ năm 2015 – 2018; thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững từ năm 2015 – 2018 trên địa bàn huyện Mường Chà, ngày 18/5, Tổ giám sát số 2 HĐND tỉnh do đồng chí Lê Trọng Khôi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Tổ trưởng giám sát tại UBND huyện Mường Chà.

 

Đồng chí Lê Trọng Khôi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận tại buổi làm việc với UBND huyện Mường Chà.

Triển khai giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2013 – 2015; việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng từ năm 2015 – 2018, huyện Mường Chà đã tiến hành rà soát tổng diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 38.411,5ha, trong đó: Giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà 2.433,63ha tại 2 xã Mường Tùng và Huổi Lèng; giao cho cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân 35.977,9ha. Tổng diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng 25.861,6ha. 100% diện tích đất chưa có rừng trên địa bàn chưa được giao quản lý, bảo vệ và phát triển. Tính đến 31/3/2018, UBND huyện Mường Chà đã ban hành 120 quyết định giao đất, giao rừng với tổng diện tích 35.977,9ha; cấp 872 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các chủ rừng theo đúng quy định. Tổng kinh phí thực hiện giao đất, giao rừng là 6,3 tỷ đồng. Từ năm 2013 đến nay, UBND huyện Mường Chà đã phối hợp chặt chẽ với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả đầy đủ, kịp thời tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đến các chủ rừng.

Tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, UBND huyện Mường Chà đã xây dựng Đề án gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với thực tế địa phương. Giai đoạn 2015 – 2018, huyện đã tập trung triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cơ cấu sản phẩm đạt kết quả khá, nâng cao giá trị sản xuất; đã hình thành 2 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cho sản phẩm dứa tại 2 xã: Na Sang và Sa Lông; 2 hợp tác xã sản xuất dong riềng tại Pa Ham, Nậm Nèn và mô hình liên kết doanh nghiệp – nông dân về phát triển cây cao su và 1 mô hình cây mắc ca với diện tích 4ha tại xã Ma Thì Hồ. Tuy nhiên, việc chuyển đổi còn chậm, chưa mang tính ổn định. Kinh phí thực hiện Đề án chủ yếu là nguốn vốn của các chương trình, dự án, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của UBND tỉnh, Chính phủ…

 

Tổ giám sát số 2 của Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra mô hình nuôi lợn thịt, sinh sản áp dụng công nghệ cao tại thị trấn Mường Chà.

Tại buổi giám sát, thành viên tổ giám sát yêu cầu UBND huyện Mường Chà giải trình thêm một số vấn đề như: Nguồn kinh phí triển khai công tác giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; nguyên nhân chưa thực hiện giao đất lâm nghiệp chưa có rừng, diện tích rừng được nghiệm thu, chi trả dịch vụ môi trường rừng giảm qua các năm; giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để người dân chuyển đổi từ cây lúa nương sang đất trồng dứa; kết quả hoạt động của các 4 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện… Đồng thời, làm rõ một số kiến nghị, đề xuất của UBND huyện Mường Chà.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Trọng Khôi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND huyện Mường Chà rà soát, tổng hợp lại nguồn kinh phí giao đất, giao rừng theo Kế hoạch số 388/KH-UBND của UBND tỉnh trình Sở Tài chính xem xét giải quyết số kinh phí còn thiếu là 884,3 triệu đồng; rà soát lại diện tích đất người dân góp với Công ty Cổ phần cao su Điện Biên để thực hiện đầy đủ các chính sách theo quy định đối với người dân; sớm triển khai giao 3.000ha đất lâm nghiệp có rừng đến các chủ rừng để quản lý, bảo vệ và hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời, phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để tổng hợp số tiền dịch vụ môi trường rừng đã chi trả trên địa bàn toàn huyện; quan tâm quản lý xây dựng quy ước, hương ước quản lý, bảo vệ rừng tại các thôn, bản. Đối với Đề án tài cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND huyện cần tăng cường tuyên truyền đến các xã, người dân nhằm nâng cao nhận thức và triển khai quyết liệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tiếp tục xây dựng các đề án, dự án và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…

Tin, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top