Kiến nghị sớm khắc phục tình trạng năng suất lao động tụt hậu

21:45 - Thứ Bảy, 26/05/2018 Lượt xem: 9734 In bài viết
Trong buổi thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập đến vấn đề tỷ lệ thất nghiệp cao, những thách thức đối với lao động – việc làm trong kỷ nguyên 4.0… cũng như nâng cao chất lượng, năng suất lao động trước thực trạng năng suất lao động của chúng ta còn thua kém nhiều nước trong khu vực.

“Năng suất lao động thua cả Lào”

Đề cập đến tình trạng lao động hiện nay, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho biết, trong số 53,7 triệu lao động cả nước, có tới 70% đang làm việc trong khu vực phi kết cấu – khu vực không có quan hệ lao động và rất dễ bị rủi ro cho người lao động. Tỷ lệ làm việc không bền vững chiếm 2/3 đến 3/4 lực lượng lao động đang làm việc. Đại biểu cũng lưu ý đến việc mặc dù đã kìm chế được tỷ lệ thất nghiệp, nhưng đến nay thất nghiệp trong lao động trẻ từ 15 đến 24 tuổi chiếm 7,5%, và thanh niên trong độ tuổi lao động đô thị chiếm 11,45%, sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc, rất khó khăn.

Đại biểu cũng cho rằng, hiện nay, điều kiện năng suất lao động thấp, tốc độ tăng tiền lương bình quân nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Năng suất lao động tăng 4,4% nhưng tiền lương trong khu vực công tăng 8% và khu vực có quan hệ lao động tăng 12,2%, đây là nghịch lý.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để nâng cao trình độ cho người lao động, gồm khu vực lực lượng lao động chuẩn bị bước vào thị trường lao động, và bản thân lực lượng lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân để đi trước đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị phải chuyển dịch cơ cấu lao động từ ngành lĩnh vực có năng suất thấp sang lĩnh vực có năng suất cao, đồng thời tăng năng suất lao động bằng đầu tư công nghệ, phát triển giáo dục đào tạo, dạy nghề và quản trị doanh nghiệp. Đây là ba vấn đề còn yếu hiện nay.

 

Tương tự, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị - ảnh trên) cũng đề cập đến băn khoăn về năng suất lao động. Ông chia sẻ thông tin năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 chỉ bằng 7,2% của Singapore, 18,4% của Malaysia, 36,2% của Thái-lan, 43% của Indonesia, 55% của Philippines và 93,2% của Lào. Nguyên nhân quan trọng nhất để năng suất lao động của Việt Nam rất thấp so với các nước ngay trong khu vực ASEAN là tăng trưởng chủ yếu dựa vào chiều rộng, tăng vốn đầu tư và tăng lao động, trong khi đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp TFP còn rất thấp, năm 2017 đạt 45,19%.

“Vậy, lao động Việt Nam đang ở đâu trong thế giới 4.0 này? Sẽ là quá muộn cho một sân chơi kinh tế mà ở đó luật chơi không dành cho những ai không chuẩn bị đầy đủ cho mình tâm thế của người trong cuộc và vào cuộc với tất cả phẩm chất cần có. Chất lượng lao động phản ánh trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng và kỷ luật lao động. Vì vậy tôi đề nghị Chính phủ cần có cuộc điều tra, khảo sát, đánh giá, nhận diện đầy đủ về tình hình chất lượng năng suất lao động của Việt Nam hiện nay đang khó, thiếu, yếu điểm nào để từ đó khẩn trương xây dựng chiến lược hệ thống chính sách, giải pháp mạnh để nâng cao chất lượng năng suất lao động nếu không muốn tụt hậu ngày càng xa hơn” – đại biểu đề nghị.

Phản hồi lại kiến nghị của các đại biểu, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, chúng ta áp dụng phương pháp tính chung phù hợp với xu hướng quốc tế, song qua trao đổi thấy rằng, năng suất lao động có thể cần phải tính toán lại cụ thể, chúng ta chưa tính hết kinh tế ngầm, hay nói cách khác là chưa đánh giá chính xác thu nhập không chính thức, “Nếu làm được điều này, chúng tôi tin rằng năng suất lao động Việt Nam không phải như thế này” – Bộ trưởng khẳng định.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, năm 2018, ngành lao động, thương binh và xã hội đã chọn giáo dục nghề nghiệp là một khâu đột phá để tạo ra việc làm ổn định và bền vững: “Lần đầu tiên chúng tôi tập trung một số vấn đề cơ bản, trước hết là quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, cho đến nay đã giảm được 252 trung tâm các huyện, giảm 35 trường cao đẳng và công lập hoạt động không có hiệu quả, và theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, thời gian tới đây sẽ quyết liệt giảm tiếp những trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không hiệu quả, hoạt động không bảo đảm...”

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho biết đào tạo lao động chuyển hẳn sang đào tạo theo định hướng, theo địa chỉ, theo đặt hàng với cơ sở trên cơ sở dự báo cung cầu thị trường. “Riêng quý I năm 2018, chúng tôi thí điểm 10 trường ký kết với 15 tập đoàn trong nước và quốc tế đã xác định đào tạo theo địa chỉ là 150.000 người trong 3 năm 2018-2020. Nếu tính chung, một trường Dung Quất 22 năm qua chỉ đào tạo được 18.000 công nhân kỹthuật và người lao động thì trong ba năm tới sẽ đào tạo theo địa chỉ là 15.800 trường hợp này. Đây là chủ trương chuyển hẳn từ đào tạo không theo dự báo, không theo nhu cầu chuyển sang đào tạo theo đặt hàng, theo nhu cầu và có dự báo”.

Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung sớm cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 27, 28 về cải cách tiền lương, giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp để thúc đẩy năng suất lao động; cũng như cụ thể hóa Nghị quyết 28 về cải cách bảo hiểm xã hội nhằm thúc đẩy việc an sinh xã hội, đồng thời tập trung ba đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao năng suất lao động sẽ triển khai trong quý III năm 2018, tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0.

Tranh luận về phiên xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đã đề cập đến vụ án chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình: “Trong thời gian gần đây có nhiều đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến vụ án sự cố chạy thận nhân tạo diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đang được Tòa án Nhân dân thành phố Hòa Bình xét xử theo luật định. Nhiều đại biểu có ý kiến đánh giá và kết luận là có những việc oan, sai, thậm chí dẫn dắt dư luận là có tội hay không có tội”.

 

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, việc phát ngôn như vậy trong khi tòa án đang xét xử rất cảm tính và không thực sự thích hợp, bởi vì tòa án trong đang trong quá trình phán quyết, luận tội, chưa đưa ra một phán quyết nào cả, thậm chí định hướng cho dư luận tạo sức ép lên hoạt động đúng đắn của các cơ quan tham gia giải quyết vụ việc.

“Nếu như đại biểu Quốc hội thấy có căn cứ để giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật làm sáng tỏ vụ việc thì pháp luật cũng có quy định để đại biểu tham gia giải quyết vụ án một cách chính danh. Chính vì vậy chúng tôi cũng mong muốn Quốc hội và đại biểu Quốc hội quan tâm đến điều này” – đại biểu Nguyễn Tiến Sinh bày tỏ.

Ngay sau khi đại biểu Nguyễn Tiến Sinh phát biểu, đã có tới ba đại biểu giơ biển xin tranh luận là PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, bà Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội dược học, Phó Chủ tịch Hội đông y thành phố Hồ Chí Minh và Luật sư Nguyễn Chiến (Đoàn Luật sư Hà Nội).

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng, thực tế cũng không hẳn như đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nói: “Qua theo dõi chặt chẽ ngay từ đầu, tôi với tư cách là một Phó Giáo sư trong ngành y tế, chúng tôi rất quan tâm đến việc xử án ở Hòa Bình. Không chỉ các nhân viên y tế mà cả cử tri đều quan tâm đến sự khách quan, minh bạch, công tâm của phiên xử. Chúng tôi hiểu rằng không thể quy tội cho một người thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong một quy trình vừa mới bắt đầu từ tháng 4-2018. Chúng ta có thể quy trách nhiệm cho một bác sĩ chỉ biết cứu người và làm đúng trách nhiệm của họ và công việc mà họ không được giao, và kỹ năng mà họ không được đào tạo, là chuẩn hóa đường nước RO trong chạy thận nhân tạo hay không?”

 

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn mạnh mẽ nêu ý kiến: “Tôi mong rằng phiên xử này sẽ mang lại một tiếng nói công minh, mang lại niềm tin của các nhân viên y tế, một tiếng nói từ lương tri, khách quan để bảo vệ cho công lý, bảo vệ cho các thầy thuốc đang ngày đêm âm thầm cứu chữa người bệnh, cho dù họ còn chưa được bảo vệ trước những hành động quá khích, bạo lực trong bệnh viện”.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) cho biết, bà thống nhất với ý kiến của đại biểu Nguyễn Quang Tuấn. “Chưa nói đến đúng, sai, nhưng chúng tôi khi trả lời báo chí và phát biểu quan điểm của mình là thể hiện quyền của Người Đại biểu Nhân dân và không phải vấn đề định hướng cho tòa. Tất cả sẽ được xử theo pháp luật và phải được nhìn trên khía cạnh toàn diện. Chúng tôi nghĩ tất cả đều là con người và tòa án cũng có những sai lầm hoặc chưa lắng nghe được ý kiến của tất cả các bên. Vì thế thông qua ý kiến ở nghị trường Quốc hội và ý kiến của báo chí, chúng tôi xác định phải chịu trách nhiệm về phát biểu của mình”.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, không phải không có những tiền lệ. “Thử hỏi, nếu không có những phân tích của báo chí, của dư luận thì vụ án VN Pharma, vấn đề thuốc chống ung thư giả có được Tòa cấp cao xem lại hay không, và bây giờ vẫn đang trong quá trình tố tụng. Tôi khẳng định không có sự định hướng đối với xét xử của tòa, nếu đúng thì sẽ đúng. Dư âm của tất cả những gì chúng ta đã làm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của tất cả những người đang làm trong ngành y tế. Chúng tôi cũng chỉ muốn đánh giá cho đúng người đúng tội, và cũng mong chờ ở các cơ quan như Bộ Y tế, ngành Y tế, tất cả các ngành các cấp có tiếng nói để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự thật cho nhân viên của mình nếu họ đúng” - đại biểu đề nghị.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top