Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, quyết tâm vượt qua khó khăn

15:37 - Thứ Hai, 28/05/2018 Lượt xem: 9007 In bài viết
Ngay trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XIV, các đại biểu QH đã dành nhiều thời gian tại tổ, tại hội trường và ngay tại hành lang QH trong giờ nghỉ để thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời gian qua và định hướng thời gian tới. 

Rất nhiều vấn đề, nội dung "nóng" của đất nước đã được các đại biểu QH đặt ra, với tinh thần: Thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém, đồng thời quyết tâm khắc phục khó khăn, hạn chế để phát triển thành công kinh tế - xã hội đất nước.

Rất nhiều nội dung mang đầy tâm tư, nguyện vọng của nhân dân từ thực tế cuộc sống đã được đưa ra bàn thảo ngay trong những ngày họp đầu tiên của QH. Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là công cuộc phòng, chống, xử lý tội phạm tham nhũng đã và đang được Ðảng, Nhà nước quyết liệt thực hiện trong thời gian qua. Nhiều đại biểu QH khẳng định: Kết quả đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực rất đáng hoan nghênh, thổi một luồng gió mới vào niềm tin của nhân dân, bởi Ðảng và Nhà nước kiên quyết chống tham nhũng tiêu cực, không có vùng cấm và rất cần được đẩy mạnh. Có ý kiến tâm đắc: Nhân dân rất phấn khởi và tin tưởng khi Ðảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng chống tham nhũng mạnh, quyết liệt như vậy. Mặc dù có những trở ngại trong quá trình triển khai do có những người vi phạm đang nắm giữ cương vị lớn nhưng chúng ta vẫn cương quyết điều tra, bắt giữ và tuyên án đúng người, đúng tội… Ðiều đó đã và đang tạo ra niềm tin lớn của người dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng và Chính phủ.

Tuy nhiên, có đại biểu lo lắng: Hiện tượng "trên nóng, dưới lạnh" không chỉ tồn tại trong các lĩnh vực khác mà còn có ngay cả trong phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, tinh thần quyết liệt phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng cần được lan tỏa mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa tại các địa phương, không chỉ cấp thành phố, tỉnh mà cần triển khai cả ở huyện, xã, các sở, ngành. Thời gian qua, công tác phát hiện, xử lý, tội phạm tham nhũng ở cấp này chưa thật sự phát huy hiệu quả. Một số ý kiến băn khoăn: Chúng ta đang tập trung sức lực phòng, chống, xử lý tội phạm tham nhũng có vị trí lớn nhưng không nên coi thường và chủ quan trước thực trạng "tham nhũng vặt". Các cơ quan chức năng, các địa phương, các tầng lớp nhân dân cần phát hiện, xử lý dạng tham nhũng này ngay từ trong "trứng nước" để răn đe, ngăn ngừa. Nếu không, từ "tham nhũng vặt" sẽ dần dần trở thành "cá mập lớn" và việc phát hiện, xử lý càng khó khăn.

Liên quan vấn đề nêu trên, nhiều đại biểu QH và cử tri cả nước quan tâm việc thu hồi tài sản tham nhũng và muốn thu hồi được phải phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm để xử lý, tránh bị tẩu tán. Nhiều ý kiến đề nghị, Chính phủ cần tập trung làm rõ và công khai nội dung này cụ thể hơn để nhân dân tin tưởng, đồng thời là một hình thức răn đe đối với những cá nhân có ý định tham nhũng… Vấn đề đặt ra là, tham nhũng chỉ có thể phát sinh khi hành lang pháp lý quản lý tài sản nhà nước, tài sản xã hội chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng. Việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã được triển khai nhưng không rõ ràng, thiếu minh bạch, trong khi công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chưa phù hợp với thực tế. Thu hồi tài sản từ tham nhũng là việc khó, phức tạp bởi liên quan rất nhiều vấn đề, quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, thông thường, những tài sản do phạm tội mà có thì người đó sẽ vung vãi, tiêu xài thoải mái, cho nên việc thu hồi rất khó khăn. Chỉ có những vụ mới có dấu hiệu đã phát hiện thì sẽ thu hồi được tài sản, không gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản, về con người, về cán bộ. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ và các địa phương phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để phát hiện kịp thời và có giải pháp ngăn chặn để răn đe. Ngoài ra, các quy định của pháp luật liên quan vấn đề này cần được xây dựng, sửa đổi phù hợp, kịp thời.

Cả nước đang nỗ lực vươn lên từng ngày, từng giờ cùng quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức ngày càng lớn, ngày càng phức tạp. Trong Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, QH đã nêu rõ 17 nội dung còn hạn chế, cần được tập trung thảo luận, nghiên cứu kỹ và có giải pháp kịp thời, hữu hiệu để thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển. Ðáng chú ý trong đó là: bạo lực ở một số cơ sở y tế và giáo dục, xâm phạm danh dự, thân thể nhà giáo, y bác sĩ; công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường gặp khó khăn; tình hình tội phạm hình sự, ma túy, công nghệ cao diễn ra phức tạp; công tác bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy nổ còn nhiều bất cập; nhiệm vụ trấn áp tội phạm ở một số đô thị lớn chưa đáp ứng mong đợi của người dân...

Nhiều đề xuất, giải pháp đã được các đại biểu QH đưa ra, trong đó đề nghị cả hệ thống chính trị cần tập trung giải quyết các yếu kém đã được nhận diện bằng những hành động, chương trình cụ thể. Triển khai quyết liệt việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, có phương án về chính sách xã hội đối với người lao động. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các thủ tục hành chính một cách thực chất, minh bạch thủ tục hành chính và xử lý các sai phạm. Bên cạnh đó, quyết liệt và kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý nhà nước về đất đai ở các thành phố lớn, các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trong quản lý và sử dụng đất công, trong quản lý quy hoạch đô thị ở các thành phố, nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh...

Những khó khăn nêu trên đang đòi hỏi sự quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời rất cần sự đoàn kết, ủng hộ, chia sẻ của nhân dân để đất nước vững vàng vượt qua thách thức và phát triển bền vững.

Cử tri phấn khởi với kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian gần đây nhưng vẫn còn tâm tư, trăn trở trước thực trạng lãng phí, thất thoát ngân sách lớn của Nhà nước, nhất là trong quản lý đất đai, xây dựng cơ bản. Tình trạng giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án lớn nhưng chưa thu tiền sử dụng đất gây thất thoát cho ngân sách, đất để hoang nhiều năm không triển khai gây lãng phí, trong khi đó nhân dân không có đất sản xuất. Tình trạng dự án treo còn xảy ra nhiều, xuất hiện đầu cơ chọn đất vàng để chuyển nhượng, mua, bán trục lợi cá nhân, còn Nhà nước thiệt hại lớn.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An)

Trong những năm gần đây, dân khí có những khởi sắc mới, điều đó thể hiện niềm tin, sự phấn khởi từ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; sắp xếp lại bộ máy trong hệ thống gắn với tinh giản biên chế của Đảng, Nhà nước, Quốc hội; vai trò của Quốc hội được nâng lên. Việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phát động phong trào khởi nghiệp đã tạo cảm xúc và đồng tình hưởng ứng của xã hội, bà con nhân dân, doanh nghiệp. Đông đảo cử tri mong muốn, cảm hứng này được truyền sâu, lan rộng, trở thành cảm hứng của dân tộc, tạo khí thế và sức mạnh tinh thần cho phát triển đất nước.

Đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình)

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top