Tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học

14:06 - Thứ Tư, 30/05/2018 Lượt xem: 9418 In bài viết
ĐBP - Sáng 30-5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Cụ thể, qua năm năm thi hành, Luật Giáo dục đại học (GDĐH) năm 2012 đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển GDĐH Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và GDĐH nói riêng. Hệ thống các cơ sở GDĐH đã phát triển đa dạng phù hợp với yêu cầu, điều kiện của đất nước với 170 trường công lập, 60 trường tư thục và năm trường có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, có bốn trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài và năm trường tư thục được thành lập trong giai đoạn này, góp phần phát triển GDĐH ngoài công lập.

 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Luật GDĐH năm 2012 đặt nền móng pháp lý cho tự chủ đại học, đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học, giảm thiểu cơ chế hành chính trong quản lý GDĐH. Luật GDĐH năm 2012 là văn bản đầu tiên quy định tương đối rõ nét về công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, đặc biệt là đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng từ 14% năm 2012 lên gần 23% năm 2017.

Tuy nhiên, qua năm năm thi hành, Luật GDĐH năm 2012 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trở thành những điểm nghẽn, là nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH.

Luật GDĐH năm 2012 chưa quy định rõ về quyền tự chủ, trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ sở GDĐH khi thực hiện tự chủ dẫn đến tự chủ đại học chưa đạt hiệu quả cao trong thực tế.

Trong công tác quản trị đại học, Hội đồng trường là thiết chế quản trị đại học quan trọng nhưng thành phần, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường chưa được quy định rõ ràng nên trên thực tế hoạt động của Hội đồng trường còn mang tính hình thức, chưa có thực quyền trong quyết định những vấn đề quan trọng của nhà trường.

Một số quy định không hoàn toàn phù hợp với chủ trương thực hiện tự chủ đại học đó là mức học phí chưa được tính theo cơ chế giá dịch vụ, chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, các bậc đào tạo và chất lượng của từng cơ sở đào tạo. Chưa quy định quyền liên doanh, liên kết, hình thành doanh nghiệp để ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của cơ sở GDĐH. Cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ sở GDĐH còn mang tính bình quân giữa các trường đại học công lập, chưa gắn với chất lượng và kết quả đầu ra nên chưa phát huy được tính cạnh tranh giữa các cơ sở GDĐH.

Trong công tác quản lý đào tạo, nhiều quy định liên quan đến chương trình, hình thức, phương thức, thời gian đào tạo, khối lượng kiến thức… chưa tương thích với nhau nên hạn chế trong liên thông, trao đổi sinh viên và cơ hội liên kết đào tạo giữa Việt Nam với nước ngoài. Các cơ sở GDĐH chưa được tự chủ cao trong mở ngành đào tạo, liên kết, hợp tác quốc tế để phát triển các chương trình liên kết, cải tiến các chương trình đào tạo để tiệm cận chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu nhân lực của thị trường lao động trong và ngoài nước.

Về quản lý nhà nước, mô hình và cơ cấu tổ chức của các cơ sở GDĐH còn nhiều điểm chưa rõ ràng làm ảnh hưởng đến quá trình hội nhập quốc tế của GDĐH Việt Nam; quy định về bộ máy quản lý, quản trị chồng chéo, giảm hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành, giảm mối liên kết và cộng hưởng sức mạnh giữa các trường trong đại học.

Những tồn tại, hạn chế trên đã được chỉ ra trong quá trình thực hiện và tổng kết thi hành Luật GDĐH năm 2012, tổng kết thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24-10-2014 của Chính phủ.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Tại Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cơ bản nhất trí với mục tiêu, quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật nêu trong Tờ trình và nhấn mạnh một số vấn đề cần lưu ý:

Thứ nhất, việc sửa đổi, bổ sung Luật cần cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về phát triển giáo dục; thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; giải quyết được các bất cập của thực tiễn; đảm bảo tính khả thi, sự đồng bộ và nhất quán với hệ thống pháp luật hiện hành.

Thứ hai, việc sửa đổi, bổ sung Luật phải tạo hành lang pháp lý cho GDĐH phát triển, hướng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: có sức khỏe, trí tuệ; có đạo đức, kỷ luật; có năng lực thực tiễn, năng động, sáng tạo phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ hội nhập quốc tế.

Thứ ba, cần thể chế rõ hơn quan điểm “xã hội hóa GDĐH”, GDĐH có thể xem là dịch vụ đặc biệt nhưng không thương mại hóa; phân định rõ quản lý nhà nước với quản trị của cơ sở GDĐH trên cơ sở đẩy mạnh tự chủ và nâng cao trách nhiệm giải trình.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top