Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV:

ĐBQH tỉnh Điện Biên thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học

19:16 - Thứ Tư, 30/05/2018 Lượt xem: 9048 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Điện Biên thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì thảo luận tổ.

Đồng chí Lò Thị Luyến, Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Các ĐBQH tỉnh Điện Biên đồng tình với việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, nhằm thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng về giáo dục và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, để đảm bảo 2 luật trên đi vào cuộc sống và thực hiện lâu dài, cần xem xét, chuẩn bị kỹ lưỡng để sửa đổi, bổ sung một cách đồng bộ, toàn diện, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

Đồng chí Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung luật cần đảm bảo các yêu cầu: Các trường đại học tự chủ hoàn toàn về tổ chức, tài chính (các trường ở bậc phổ thông tiến hành thí điểm nội dung này); phát huy tính chủ động của người học, chú trọng thực hành, giảm tải học lý thuyết, gắn mục tiêu đào tạo với bố trí việc làm; nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo chuẩn kiến thức của các trường đại học trong nước với các trường đại học quốc tế; nâng cao chất lượng giảng viên các trường đại học, giáo viên các trường ở cấp học phổ thông, nhất là về ngoại ngữ và phương pháp giảng dạy.

Đối với các nội dung cụ thể, đại biểu Lò Thị Luyến, đề nghị: Không nên quy định “cứng” tuổi của học sinh vào lớp một là sáu tuổi, học sinh vào lớp sáu là mười một tuổi, học sinh vào lớp mười là mười lăm tuổi. Vì thực tế có những học sinh có đủ sức khỏe, trí tuệ để đi học trước tuổi hoặc có học sinh, nhất là con em vùng đồng bào miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số không có điều kiện để đi học theo quy định của luật; ban hành và quy định một sách giáo khoa cho mỗi môn học, các sách giáo khoa khác dùng làm tài liệu tham khảo; miễn học phí cho hệ thống giáo dục phổ thông công lập, thay vì chỉ có học sinh tiểu học không phải nộp học phí như dự thảo luật…

Tin, ảnh: Hoa Huyền
Bình luận
Back To Top