Ngày làm việc thứ chín, kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV

Nâng cao chất lượng và tính kỷ luật trong xây dựng luật, pháp lệnh

08:14 - Thứ Năm, 31/05/2018 Lượt xem: 8650 In bài viết
Sáng 30-5, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. QH đã thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (XDL, PL) năm 2018; nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Buổi chiều, QH thảo luận tổ về dự án Luật Giáo dục và dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

 

Ðại biểu QH tỉnh Quảng Ninh phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.

Khắc phục tình trạng lùi, rút dự án luật

QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Ðịnh trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình XDL, PL năm 2019, điều chỉnh Chương trình XDL, PL năm 2018. Theo báo cáo, thời gian qua, thực hiện các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động lập pháp được cải tiến trong tất cả các khâu. Công tác XDL, PL được Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan quan tâm, tích cực và chủ động hơn. Công tác soạn thảo, thẩm định được coi trọng và dành nhiều thời gian, công sức thực hiện. Chính phủ bố trí nhiều thời gian hơn và tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để thảo luận, cho ý kiến về các dự án. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH tập trung thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thẩm tra các dự án, tích cực thực hiện việc tiếp thu, chỉnh lý dự án sau khi được QH cho ý kiến.

Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo nêu rõ, việc lập và triển khai Chương trình XDL, PL vẫn còn những hạn chế: hồ sơ đề nghị xây dựng một số dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ, tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình vẫn còn diễn ra thường xuyên: năm 2017, bổ sung sáu dự án, lùi thời gian trình năm dự án, rút khỏi Chương trình ba dự án, hai dự án được thông qua theo quy trình ba kỳ họp; năm 2018, Chính phủ đề nghị điều chỉnh thời gian trình ba dự án, bổ sung 10 dự án... Thảo luận về nội dung nêu trên, nhiều đại biểu QH băn khoăn về xu hướng một luật sửa nhiều luật, lồng ghép các ưu đãi làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định. Việc tổ chức lấy ý kiến và tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức đối với nhiều dự án còn hình thức...

Tham gia ý kiến thảo luận, các đại biểu: Nguyễn Phước Lộc (TP Hồ Chí Minh), Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) và nhiều đại biểu phản ánh những năm qua diễn ra tình trạng "nay xin rút, mai xin lùi" đối với một số dự án luật; nhiều dự án luật chưa sát thực tiễn cuộc sống, nhiều dự án luật mới chỉ đưa ra dự thảo đã không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, dư luận xã hội. Chung quanh vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho chất lượng dự án luật còn hạn chế chính là phương thức và đối tượng lấy ý kiến dự án luật còn mang tính hình thức, chưa đầy đủ, các cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm. Thời gian tới cần đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác tham mưu XDL, PL.

Một số đại biểu cho ý kiến về việc sửa đổi Luật Công đoàn. Phân tích sự cần thiết xây dựng luật, đại biểu Phạm Minh Chính (Quảng Ninh) cho biết, hiện nay, cơ cấu người lao động ở khu vực ngoài nhà nước và khu vực trong nhà nước đang thay đổi. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng lên rất nhanh, số lượng người lao động ở ngoài khu vực quốc doanh lớn hơn rất nhiều so với người lao động trong khu vực quốc doanh. Trong khi đó, Luật Công đoàn hiện hành đang nghiêng về người lao động trong khu vực quốc doanh, mà chưa tập trung đúng mức vào việc bảo vệ người lao động ngoài quốc doanh.

Tăng tính tự chủ trong giáo dục đại học

Trước đó, thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDÐH), Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Luật GDÐH năm 2012 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước yêu cầu mới của thực tiễn quản lý, tổ chức và hoạt động GDÐH. Nội dung sửa đổi, bổ sung luật lần này tập trung vào việc thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Ðảng; mở rộng và nâng cao quyền tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình, đổi mới quản trị đại học, đổi mới quản lý đào tạo tiệm cận với chuẩn quốc tế.

Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật GDÐH và mục tiêu, quan điểm sửa đổi, bổ sung luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn các khái niệm, nội hàm về quyền tự chủ, về năng lực tự chủ; về phạm vi, mức độ, điều kiện thực hiện quyền tự chủ phù hợp năng lực của cơ sở giáo dục đại học và yêu cầu cụ thể về trách nhiệm giải trình; đồng thời, quy định trong dự thảo luật nguyên tắc pháp lý cần thiết nhằm tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật về vấn đề tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, nhất là về công tác tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản.

Chiều qua, QH thảo luận ở tổ về các dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDÐH. Nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ sự đồng tình với các dự án luật nêu trên. Ðại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) khẳng định, thành công lớn nhất của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDÐH là việc tách bạch giữa công tác quản lý nhà nước và quản trị nội bộ. Cụ thể, nếu như trước đây, nhiều nhà trường lúng túng khi muốn mua máy móc, thiết bị hay bổ sung nhân sự bằng nguồn lực tài chính tự chủ đều phải xin phép Bộ Giáo dục và Ðào tạo, thì trong dự án luật mới, vấn đề này đã được giải quyết. Cùng với công tác kiểm tra của Nhà nước, dự án luật mới đã chỉ rõ trách nhiệm giải trình với xã hội về các khoản thu, chi từ nguồn ngân sách tự chủ. Dự án luật quy định rõ ràng, chi tiết hơn vai trò, trách nhiệm của Hội đồng trường - vốn đã xuất hiện trong luật từ năm 2012 nhưng chủ yếu mang tính hình thức. Ðiển hình thể hiện ở việc thay vì luôn phải "đi hỏi, đi xin", thì nay các Hội đồng trường được tăng thêm thẩm quyền, trong đó có việc xem xét, bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng.

Ðồng tình với ý kiến trên, đại biểu Huỳnh Thành Ðạt (TP Hồ Chí Minh) nêu rõ dự án luật đã đưa ra ba khía cạnh tự chủ quan trọng, cốt lõi trong GDÐH hiện đại. Trong đó tự chủ về chuyên môn, học thuật, thể hiện ở việc những công trình nghiên cứu, ứng dụng trong các trường đại học có thể được đưa vào áp dụng ngay. Hơn nữa có khả năng tự chủ về nhân sự, thể hiện qua những quyền hạn, trách nhiệm mới được trao cho Hội đồng trường. Bên cạnh đó đề cập sự tự chủ về tài chính, tài sản - vốn là vấn đề khó khăn của hầu hết các trường đại học, học viện hiện nay.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều khoản trong dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDÐH theo hướng phù hợp hơn. Dẫn Ðiều 20 của Luật GDÐH hiện hành, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng, quy định về việc xét tiêu chuẩn của người ứng cử chức danh Hiệu trưởng phải có đủ 5 năm làm công tác quản lý ở cấp phòng, khoa trở lên là không cần thiết bởi có thể gây ra lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tại các tổ thảo luận, nhiều đại biểu có chung quan điểm rằng, sự đổi mới nhất trong những nội dung quan trọng của dự án luật lần này là việc không miễn học phí đối với học sinh, sinh viên ngành sư phạm và thay thế bằng chính sách vay tín dụng sư phạm. Một số đại biểu khẳng định, sự thay đổi này sẽ giải quyết vấn đề tư duy sai lầm của nhiều thanh niên về việc đăng ký, thi tuyển vào ngành sư phạm để học... không mất tiền. Ðây không những là tư tưởng gây lãng phí thời gian, tiền bạc, tuổi trẻ của một bộ phận người dân, mà còn góp phần làm phức tạp hơn tình trạng thừa giáo viên vốn nhức nhối lâu nay.

Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện chương trình xây dựng pháp luật góp phần nhanh chóng thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Ðảng, phúc đáp đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống để hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Ðại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Cạn)

Bộ trưởng, trưởng ngành cần quan tâm phối hợp chặt chẽ hơn, tham gia ý kiến các dự thảo do các bộ, ngành khác chủ trì soạn thảo bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, không để luật sau ra đời "phủ" lên luật vừa được ban hành trước đó.

Ðại biểu Phan Anh Khoa (Phú Yên)

Ðề nghị với cơ quan soạn thảo phải khắc phục triệt để tính hình thức trong việc tổ chức lấy ý kiến tổng hợp, qua đó đánh giá và phản ánh một cách khách quan, đầy đủ những diễn biến từ thực tiễn cuộc sống để Quốc hội xem xét, thông qua luật bảo đảm tính khả thi cao.

Ðại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi (TP Cần Thơ)

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top