Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV:

ĐBQH tỉnh Điện Biên thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

09:44 - Thứ Sáu, 01/06/2018 Lượt xem: 9983 In bài viết
ĐBP - Chiều 31/5, Quốc hội tiếp tục chương trình kỳ họp, thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh chủ trì thảo luận.

 

Đại biểu Mùa A Vảng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Phát biểu thảo luận, ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng, với quy định như dự thảo luật về các hành vi bị nghiêm cấm là chưa đầy đủ, cần bổ sung các hành vi tham nhũng vào quy định các hành vi bị nghiêm cấm. Về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý, Chính phủ đưa ra 2 phương án là quy định mức thuế suất 45% và xử phạt vi phạm hành chính bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc. Hầu hết các đại biểu lựa chọn phương án quy định mức thuế suất. Tuy nhiên, cần phân định tài sản tăng thu nhập chênh lệch gồm tài sản hợp pháp và tài sản không hợp pháp. Đối với tài sản, thu nhập không hợp pháp, nếu quy định mức thuế và thu thuế thì coi như đã hợp pháp hóa phần còn lại của tài sản, thu nhập không hợp pháp. Đại biểu cũng đề nghị định mức thuế suất nên quy định thực hiện theo Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Đối với diện phải kê khai tài sản, thu nhập, đại biểu Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập đối với người không giữ chức vụ; đồng thời, đề nghị làm rõ quy định kê khai bổ sung khi người có nghĩa vụ kê khai có tài sản mới hoặc thu nhập phát sinh trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên là giá trị một lần hay nhiều lần cộng lại trong một năm. Lý giải về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, dự thảo luật quy định các trường hợp phải kê khai, bao gồm: Kê khai lần đầu; kê khai bổ sung; kê khai hằng năm; kê khai phục vụ công tác cán bộ. Trong đó, kê khai bổ sung áp dụng đối với những người phải kê khai có tài sản mới hoặc thu nhập phát sinh một lần từ 300 triệu đồng trở lên.

Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Mùa A Vảng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, đề nghị: Xem xét quy định cho phù hợp việc thực hiện chi trả thông qua tài khoản đối với tiền lương, các khoản chi khác có tính chất thường xuyên và các khoản khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên; vì hiện nay việc chi trả qua tài khoản tại các xã thuộc địa bàn miền núi còn hết sức khó khăn; bổ sung thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập đối với Bí thư và Chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện…

Tin, ảnh: Hoa Huyền
Bình luận
Back To Top