Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp tục trả lời chất vấn

10:57 - Thứ Ba, 05/06/2018 Lượt xem: 9681 In bài viết
Sáng nay, 5-6, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu, cùng với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các thành viên Chính phủ có liên quan. Vẫn còn 47 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường trong phiên chất vấn sáng nay.

Sáng nay, còn 24 đại biểu chưa kịp chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đặt câu hỏi để Bộ trưởng trả lời bằng văn bản.

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp tục trả lời chất vấn sáng 5-6.

Kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, phiên chất vấn Bộ trưởng diễn ra đúng ngày Môi trường thế giới nên được nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi. Các đại biểu đặt câu hỏi đi thẳng vấn đề cử tri quan tâm, Bộ trưởng trả lời thẳng vấn đề. Đất đai và môi trường liên quan chặt chẽ với đời sống nhân dân nên được cử tri quan tâm. Đúng 10 giờ 30 phút sáng 5-6, phiên chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường kết thúc.

Đóng cửa vĩnh viễn doanh nghiệp xả thải không chịu khắc phục

 

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ, ảnh trên) chất vấn: Hiện nay có nhiều dự án đầu tư và các cơ sở sản xuất công nghiệp đang hoạt động sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm và sự cố môi trường ở nhiều địa phương, cử tri rất lo ngại và bức xúc trước tình trạng nêu trên. Đề nghị Bộ trưởng cho biết về nguyên nhân và giải pháp để giải quyết vấn đề này?

Thứ hai, tôi được biết, những doanh nghiệp của địa phương khi sản xuất có xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ bị chính quyền ra quyết định dừng hoạt động để khắc phục hậu quả, song để dừng sản xuất phải có một số biện pháp mạnh trong đó có dừng cấp điện nhưng điều này lại vi phạm Luật điện lực nên ngành điện vẫn phải cấp điện cho doanh nghiệp hoạt động. Vì vậy, trên thực tế quyết định của chính quyền địa phương không có hiệu lực. Vậy xịn Bộ trưởng cho biết giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc nói trên.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho rằng có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp xả thải không đúng tiêu chuẩn ra môi trường, thứ nhất là chúng ta chưa làm tốt khâu phân loại, nguyên nhân thứ hai là khâu kiểm tra, giám sát của các cấp không chặt chẽ.

“Chúng tôi đã phân công công việc theo quy mô nguồn thải để giao cho các cấp quản lý. Và hiện nay với việc nắm bắt tình trạng này thì chúng tôi đang có một lộ trình để các doanh nghiệp khắc phục hậu quả. Còn đến thời điểm mà các doanh nghiệp không khắc phục thì chúng ta cần phải có các biện pháp, chế tài mạnh cần thiết sẽ đóng cửa vĩnh viễn chứ không tạm dừng rồi cho hoạt động”, Bộ trưởng khẳng định.

“Nói không với nhập khẩu chất thải”

Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) tranh luận: trả lời chất vấn hôm qua Bộ trưởng nói không chủ trương nhập phế liệu. Nhưng thời gian qua số lượng nhập khẩu phế liêp khá lớn, ba tháng nhập hơn một triệu tấn sắt phế liệu, tức một ngày hơn 11 nghìn tấn, có nguy cơ biến nước ta thành bãi rác công nghiệp, ô nhiễm phóng xạ.

Trả lời băn khoăn này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng việc nói không với nhập khẩu phế liệu trong bối cảnh nước ta hiện tay khi đã đầu tư nhiều nhà máy sản xuất liên quan đến phế liệu là chưa thể. Ngoài phế liệu sắt thép ra còn có tái chế túi nilon, nhựa. Riêng sắt thép, theo Bộ trưởng, chúng hoàn toàn kiểm soát được về môi trường. Tuy nhiên nếu các nhà máy xây dựng tập trung ở khu đông dân cư cũng có thể phát sinh vấn đề ô nhiễm. Vì thế, ông cho rằng việc cấp phép, bố trí các dự án sản xuất, luyện thép phải thực hiện đúng quy hoạch, bảo đảm khoảng cách an toàn với người dân và kiểm soát khí thải.

“Một số nước đã nói không với nhập khẩu phế liệu, còn chúng ta không có năng lực xử lý chất thải nên nói không với nhập khẩu chất thải”, Bộ trưởng nói.

Tranh luận về nhận chìm biển và lối đi biển

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Vũng Tàu) chất vấn về vấn đề giao khu vực biển để nhận chìm chất nạo vết lòng sông đang gặp khó khăn, ảnh hưởng môi trường, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quản lý nhà nước ở địa phương. Theo Bộ trưởng, vấn đề này thế nào và cho biết giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay các cảng biển đều đang có tình trạng này. Trước khi có Luật Tài nguyên và Môi trường, việc nạo vét và nhận chìm là công việc bình thường. Địa phương chỉ đánh giá tác động môi trường trước khi nạo vét, nhận chìm. Những chất nạo vét trên luồng lạch, sông biển là vật liệu bình thường, là các loại vật liệu tự nhiên nên không phải gây ra nguy cơ cao. Thế giới nhận chìm bình thường. Nếu làm tốt khâu nạo vét không làm ảnh hưởng quy mô rộng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hiện nay chúng ta đang lúng túng vì đang làm chưa tốt khâu quy hoạch không ra biển. Trong Luật Quy hoạch vừa rồi, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Quốc hội phê quyệt quy hoạch sử dụng biển đổi tên thành quy hoạch không ra biển. Quốc hội chưa quy hoạch sử dụng biển. Quy hoạch sẽ nói rõ việc phân vùng ở đâu có thể nhận chìm để trên cơ sở đó đánh giá tác động, tránh khu vực bảo tồn.

“Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện theo quy định trước đây, tức là địa phương giới thiệu khu vực nhận chìm, đánh giá cụ thể khu vực, vị trí, quy mô và trong mạng lưới quan hệ với khu vực đó. Đánh giá toàn bộ từ khâu nạo vét đến khâu nhận chìm và có thể đánh giá để tiến hành nạo vét hàng năm”, Bộ trưởng nói.

Nhưng ông cũng cho biết, hiện nay, việc quy hoạch lựa chọn địa điểm kém nên mỗi năm cần phải nạo vét. Ngành giao thông cần xem lại quy hoạch cảng, luồng lạch hiện nay vì chọn nơi sự bồi lắp rất nhanh. Chúng tôi xem xét đánh giá nhu cầu này, có thể nhu cầu nhận chìm được bao lâu. Việc này chỉ cần làm một lần, kỹ lưỡng, đầy đủ cơ sở khoa học, cung cấp thông tin cho công luận là chúng ta làm được. Còn cách làm trước đây chỉ hình thức, không được kiểm chứng khoa học, không được cơ quan có năng lực thực hiện. Chúng ta cần thay đổi cách làm.

Trả lời tranh luận của đại biểu sau đó về giải pháp thay nhận chìm thành phương án lấn biển để tạo thêm diện tích có ý nghĩa cao về kinh tế, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng tình và hoan nghênh nếu địa phương tìm được khu vực để lấn biển.

 

Đại biểu Phạm Văn Mền (ảnh trên) tranh luận: hiện nay, phần trên bãi biển bị tư nhân hóa quản lý hết. Thậm chí chí họ còn chắn rào không cho xuống, người dân không đi được. Bất cập quản lý đất đai gần bờ biển, cho tư nhân mua bán. Vậy có giải pháp thế nào để thu hồi đất cho người dân. Tôi nghĩ rằng, trong tương lai gần, các đặc khu sẽ diễn ra tình trạng này.

Bộ trưởng cho rằng, phân như thế không đúng quy định pháp luật về tài nguyên môi trường biển, luật sông. Đây rõ ràng trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước ở trung cấp. Hiện nay chúng ta đã có luật, cứ căn cứ vào luật làm thôi. Doanh nghiệp họ cũng làm theo luật rất chặt chẽ. “Về góc độ pháp luật, chúng ta đồng ý cùng xem xét rà soát thêm. Nhưng tôi cho rằng về góc độ pháp luật là chúng ta có đầy đủ. Tuy nhiên, vấn đề hồi tố trước khi Luật Tài nguyên môi trường biển quy định là trước đây cần phải xem xét kỹ, có sự đồng thuận của nhà đầu tư để giải quyết yêu cầu hiện nay luật đặt ra là toàn dân có quyền hưởng môi trường biển. Vậy các lối đi, trách nhiệm và việc trao đổi giữa chính quyền địa phương rất cần thiết với các dự án”, Bộ trưởng nói.

Không có chuyện người nước ngoài mua đất ở Việt Nam

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) chất vấn: Cử tri cho rằng thời gian vừa qua việc mua bán đất đai rất phức tạp đặc biệt là có yếu tố nước ngoài. Đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng để đại biểu có thêm thông tin khi bấm thông qua Luật đặc khu kinh tế.

Trả lời chất vất, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường khẳng định, trên thực tế người nước ngoài không có quyền mua đất mà chỉ được mua căn hộ ở các chung cư đô thị. “Nếu ở đâu có người nước ngoài mua đất, chúng tôi sẽ xác minh kiểm tra xem cách nào mua được. Đây là những hành vi mua bán trái pháp luật Việt Nam”, Bộ trưởng khẳng định.

Về vấn đề Formosa, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) chất vấn: sau khi xảy ra sự cố môi trường tại Formosa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có giám sát tích cực. “Tôi được biết hiện doanh nghiệp này tiếp tục vận hành lò cao số 2. Bộ trưởng có tin tưởng rằng không xảy ra vấn đề đó không?”, đại biểu Thưởng đặt câu hỏi.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, đến nay Formosa hoạt động đã thay đổi toàn bộ phương pháp quản lý. Trong đó, Formusa đầu tư công nghệ sản xuất, bổ sung công nghệ xử lý môi trường công suất lớn hơn nhiều. Công nghệ giám sát môi trường dự kiến có ba mức đề phòng sự cố: xử lý sự cố ngay tại nơi sản xuất, xử lý sự cố trong và ngoài phạm vi nhà máy. Hiện nay, hồ sinh học có thể tái sử dụng nước trước khi đổ ra môi trường. Với cách làm bài bản từ khâu công nghệ đến khâu giám sát kiểm tra mà chúng ta yêu cầu chặt chẽ thì không có ngành nghề nào xảy ra việc như vậy.

Ô nhiễm làng nghề: “Chúng tôi vẫn còn nợ”

 

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) chất vấn: Hiện nay cử tri quan tâm lo lắng về ô nhiễm môi trường từ nước thải của các cơ sở y tế gây ô nhiễm nguồn nước. Theo Bộ trưởng, hiện có bao nhiêu phần trăm cơ sở y tế có hệ thống nước thải bảo đảm tiêu chuẩn. Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng trên?

Về ô nhiễm môi trường nông thôn, đại biểu Thúy cho biết cử tri đánh giá chưa có chuyển biến trong năm qua. “Bộ trưởng cho biết nguyên nhân do đâu và giải pháp căn cơ, đột phá gì về vấn đề này để giảm thiểu môi trường nông thôn?”, đại biểu này chất vấn.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, nông thôn hiện nay là khu vực cần quan tâm đặc biệt, trong đó ưu tiên là vấn đề chất thải từ nông thôn gồm cả chất thải làng nghề, cụm công nghiệp. Hiện nay, chúng tôi ghi nhận tình trạng ô nhiễm cụm công nghiệp, chất thải chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp…

Bộ trưởng thừa nhận: “Thực tế vừa qua chúng ta chưa làm được nhiều. Tôi đồng ý với đại biểu là chúng ta có giải pháp bài bản, đặc biệt tại khu vực làng nghề, cụm công nghiệp”.

Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ba nghị định tập trung giải quyết vấn đề đặc thù về khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề.

“Trong thời gian tới sớm nhất, chúng tôi sẽ tổ chức triển khai để đề xuất triển khai nhiệm vụ. Vấn đề này, chúng tôi vẫn còn nợ”, Bộ trưởng nói.

Về chất thải y tế, Bộ trưởng cho biết, theo Luật quy định quản lý chất thải y tế do Bộ Y tế và UBND các địa phương quản lý. Trên thực tế, có quan điểm xử lý chất thải y tế, có loại xử lý tại bệnh viện. Theo báo cáo, hầu hết các bệnh viện ở các thành phố lớn và nhiều địa phương tại các trung tâm đô thị lớn đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Chất thải rắn, nguy hại đã được đưa xử lý tập trung. Bộ Y tế làm tốt công việc này với việc xử lý nghiêm các bệnh viện. Hiện nay, tỷ lệ xử phạt các bệnh viện về vi phạm các quy định môi trường rất ít. Đương nhiên, việc xử lý đến đâu đáp ứng tiêu chuẩn hay không phải dựa trên kết quả đánh giá.

“Thời gian tới chúng tôi sẽ tổ chức thanh tra chuyên đề về bảo vệ môi trường trong ngành y tế, để có báo cáo đầy đủ hơn”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Sông Bắc Hưng Hải bị bức tử: không biết trách nhiệm của ai

Sáng nay, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) chất vấn: Hệ thống sông Bắc Hưng Hải là hệ thống sông lớn của miền Bắc có chiều dài dòng sông chính 232 km và hơn 2000km các nhánh nhằm phục vụ tưới tiêu cho khu vực các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên. Tuy nhiên hiện nay dòng sông đã bị bức tử bởi ô nhiễm nặng, nước sông đen ngòm, đặc quánh những kim loại nặng và ngấm cả vào mạch nước ngầm. Cử tri đã phản ánh đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhiều lần nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra, dòng sông vẫn tiếp tục bị bức tử, việc xử lý ô nhiễm dòng sông là rất phức tạp vì có tính liên vùng, liên tỉnh.

Đại biểu Phúc đặt câu hỏi: “Công tác chỉ đạo và phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương đã triển khai đến đâu và đã đạt được kết quả gì? Hiện tại đã xử lý được bao nhiêu doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp, làng nghề xả thải trái phép ra dòng sông?”

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường khẳng định vấn đề này Bộ đã biết nhưng hiện nay các doanh nghiệp xử dụng công nghệ lạc hậu; kỹ thuật, năng lực yếu kém đồng thời do công tác quản lý nhà nước yếu kém từ trung ương đến địa phương.

Theo Bộ trưởng, trên thực tế hệ thống sông Bắc Hưng Hải là hệ thống thủy lợi nên không biết là thuộc trách nhiệm của ai, của bộ hay của tỉnh hay thành phố nơi dòng sông chảy qua. “Tôi cho rằng, quản lý chất lượng nước hệ thống sông này hiện nay đang còn chồng chéo, chưa rõ ràng là trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố hay là của Bộ Tài nguyên và Môi trường”, Bộ trưởng thừa nhận.

Về quản lý chung, tổng hợp thì là trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng chất lượng sử dụng nguồn nước lại do các cơ quan quản lý khác nhau. Nhưng trách nhiệm xuyên suốt về quản lý các nguồn thải thì cần phải tính xem nguồn thải từ trên bờ do nước thải sinh hoạt là bao nhiêu, các nguồn thải từ các khu công nghiệp là như thế nào. Hiện nay trách nhiệm về lượng thải lớn hơn 200 mét khối thì Bộ đã và đang kiển soát, còn lượng thải dưới 200 mét khối thì địa phương cần phải thống kê đánh giá và kiểm soát. “Trong thời gian sắp tới chúng tôi tập trung vào kiểm soát chặt chẽ vấn đề này”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà hứa.

Sáng nay, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tiếp tục trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ hai liên quan đến việc quản lý đất đai ở các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo, tình trạng gây ô nhiễm môi trường, kiểm soát tình trạng xả thải ra môi trường ở một số địa phương, các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cùng các Bộ trưởng Xây dựng, Công an, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan cùng trả lời.

Tiếp theo, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thứ ba liên quan đến thực trạng và các giải pháp liên quan đến việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông, mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập, các giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức và lối sống của giáo viên và học sinh trong nhà trường. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin Truyền thông, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp trả lời.

Sau đó, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn nhóm vấn đề cuối cùng liên quan đến thực trạng thị trường lao động của Việt Nam, giải quyết việc làm trong nước, đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài, thực trạng lao động, dạy nghề ở các doanh nghiệp, dạy nghề theo nhu cầu xã hội, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, vấn đề chăm sóc và bảo vệ trẻ em, khác phục tình trạng bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm, các Bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn: Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Công an và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác tùy theo chất vấn có liên quan (nếu có).

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top