Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sinh viên sư phạm thất nghiệp cao nhất

15:36 - Thứ Tư, 06/06/2018 Lượt xem: 9765 In bài viết
Tham gia "chia lửa" với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại phiên chất vấn sáng 6-6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh,  kỳ họp Quốc hội nào giáo dục cũng nhận nhiều ý kiến đóng góp của ĐBQH dù Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có trả lời chất vấn hay không, cho thấy toàn xã hội quan tâm đến giáo dục.

Bạo hành trẻ mầm non: Sa thải giáo viên ngay lập tức

Về bạo hành trẻ mầm non, có nguyên nhân liên quan đến đào tạo giáo viên, hiện gần 60% giáo viên mầm non được học cao đẳng trở lên, gần 40% học trung cấp. Độ bao phủ của trường mầm non chưa đủ, vì thế có nhiều mầm non ngoài công lập. 

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam "chia lửa" cùng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại phiên chất vấn sáng 6-6-2018.

“Điều khẩn thiết bây giờ là phải phát triển nhanh cơ sở, các trường, chưa có trường thì ưu tiên cụm lớp độc lập nhưng phải đủ điều kiện. Chính quyền địa phương phải làm tốt hơn, đặc biệt là khu công nghiệp. Nơi nào chú trọng, tỷ lệ trẻ được đến lớp tốt hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Học phí mầm non công từ 900.000 - 1,1 triệu đồng/tháng; nhưng nếu trường tư đầu tư từ ban đầu thì cao hơn, rất khó khăn cho công nhân, vì thế nhà nước phải có sự đầu tư. “Với giáo viên bạo hành trẻ thì ngay lập tức đưa ra khỏi ngành”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về con số 200.000 sinh viên đại học thất nghiệp, bằng khoảng 4%, ở các nước là trên 7%. Một tỷ lệ nhất định thất nghiệp là chuyện bình thường, đó cũng là yếu tố thúc đẩy sự cạnh tranh. Dĩ nhiên, để khắc phục thì phải có nhiều giải pháp, trong đó có đẩy mạnh hướng nghiệp, phân luồng.

“ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đừng lo học xong THCS đi học nghề thì  không bảo đảm, cả thế giới người ta đã làm rồi. Học THCS xong một luồng rẽ ra học nghề, 1 luồng rẽ ra học THPT; tương tự học THPT xong 1 luồng rẽ học nghề, 1 luồng học đại học. Học xong THCS đi học nghề không có nghĩa là trong quá trình dạy nghề chúng ta không dạy tiếp văn hóa, dạy tiếp kiến thức, có điều là dạy theo cách của người làm nghề. Cùng với đó là nâng chất lượng giáo dục đại học, tăng cường kiểm định”, Phó Thủ tướng giải thích.

Phó Thủ tướng cho rằng, cần công khai kết quả phân tích tuyển sinh những năm vừa rồi để định hướng cho học sinh học ngành nghề nào để có việc làm tốt hơn.

Năm 2017 các trường trên 27 điểm thì tỷ lệ học sinh ra trường có việc làm sau 12 tháng là 96%. Nhóm trường từ 24-27 điểm là 92%; từ 20-24 điểm là 84%, nhóm trường từ điểm sàn 15,5-20 điểm là 89%.

Tỷ lệ chung sinh viên ra trường trong vòng 12 tháng kể từ 2016-2017 khảo sát là xấp xỉ 90%, chỉ có 11,3% không có việc làm, tuy nhiên những việc làm này không có nghĩa đã phù hợp đúng trình độ đại học. 

Trong số ngành đào tạo, nhóm ngành đào tạo khoa học giáo dục, giáo viên có tỷ lệ ra trường không tìm được việc cao nhất 19%, nhóm dịch vụ xã hội 19%, nhóm về môi trường (17%), nhóm pháp luật (17%), nhóm thể thao văn hóa (16%). Như  vậy, cơ cấu ngành này thí sinh cần nghiên cứu kỹ để định hướng nghề nghiệp cho mình.

Chất lượng giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta tự nhận đứng thứ dưới 50 trên thế giới, nhưng PISA đánh giá thứ 20. Nhưng giáo dục đại học đứng thứ khoảng 80. Mấy năm nay kiên trì đẩy mạnh tự chủ đại học, nâng chất đại học thì kết quả đang tiến bộ, phấn đấu có ít nhất 1 trường đại học nằm trong top 1.000 của thế giới. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu đại học của trường đại học cũng đã tốt hơn.

Về đổi mới thi, cuối năm 2016, chúng ta rất băn khoăn khi sử dụng thi trắc nghiệm, có ĐBQH lúc đó còn dẫn chứng sinh viên xức dầu vào người để ho làm tín hiệu để hỏi bài. Nhưng thực tế sau 3 năm thực hiện đổi mới thi đã khá ổn, năm 2018 này Thủ tướng không phải ra chỉ thị riêng về kỳ thi.

Cần bỏ mệnh lệnh và hành chính trong trường phổ thông

Về đổi mới giáo dục, ĐBQH hỏi chúng ta đang đứng ở đâu? Phó Thủ tướng  cho rằng đây là câu hỏi khó. “Đến nay chúng ta đã ban hành được khung hệ thống giáo dục quốc gia, khung trình độ quốc gia, chương trình-sách giáo khoa phổ thông mới, đã thực hiện từng  bước tự chủ đại học và đang tiến hành sửa 2 luật về giáo dục”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng không nên hạn chế sửa, mà cần sửa toàn diện, đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

Sửa luật cần bảo đảm 3 yêu cầu là: khắc phục cho bằng được điểm yếu từ giáo dục phổ thông đến đại học là nặng nhồi nhét kiến thức, không khuyến khích sáng tạo cá nhân của học sinh và giáo viên. Khắc phục tình trạng hệ thống học không liên thông nên cố chạy bằng cấp. Nặng chỉ đạo hành chính, không khuyến khích tự chủ trong các trường đại học.

“Quản lý trong trường phổ thông còn nặng về mệnh lệnh và hành chính, chủ yếu là có chính quyền cấp quận, phường và Ban giám hiệu mà thiếu các thành phần cơ bản là tập thể giáo viên, học sinh, phụ huynh và cộng đồng. Chúng ta phải đưa vào đổi mới lần này. Nếu sửa được 2 luật này đảm bảo đúng xu thế đó cộng với 1 số luật về công chức viên chức thì công cuộc đổi mới sẽ được một nửa”, Phó Thủ tướng nói.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top