Xã Luận

Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước

09:45 - Thứ Hai, 11/06/2018 Lượt xem: 9669 In bài viết
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn chú trọng phát động các phong trào thi đua yêu nước, coi đây là một trong những phương thức lãnh đạo cách mạng, là nghệ thuật tổ chức và chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách, là phương pháp giáo dục tổng hợp sinh động và có hiệu quả cao của Đảng.

Ngay từ những năm đầu lãnh đạo đất nước, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Người khẳng định: Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất.

70 năm qua, Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là lời hiệu triệu mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lời kêu gọi đó đã trở thành nền tảng, là động lực quan trọng để các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết ra sức thi đua, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trải qua các giai đoạn cách mạng, với những tên gọi, nội dung và hình thức khác nhau, phong trào thi đua yêu nước tiếp tục phát triển với nhiều cách làm mới, đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu của thực tế cuộc sống.

Những thành tựu to lớn của dân tộc Việt Nam đều ghi rõ dấu ấn của các phong trào thi đua yêu nước. Từ đó khẳng định thi đua là động lực tinh thần, tạo ra sức mạnh vật chất, góp phần huy động sức mạnh của toàn xã hội, cộng đồng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các phong trào thi đua luôn chủ động tham gia giải quyết những nhiệm vụ khó khăn của đất nước. Đó là, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển; bảo đảm an sinh xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.

Cùng với những kết quả to lớn đã đạt được, phong trào thi đua và công tác khen thưởng đang còn không ít trở ngại, hạn chế. Không ít chương trình, cuộc vận động chưa thật sự tạo ra sức lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng trong cuộc sống của người dân; nhiều nơi tổ chức phát động thi đua mang tính hình thức, đối phó, không thực chất. Công tác khen thưởng có tác dụng và hiệu quả chưa cao, bởi còn biểu hiện chưa công bằng, nể nang, dễ dãi, chưa để lại dấu ấn sâu sắc. Một số phong trào chưa có tiêu chí cụ thể, chưa gắn với lợi ích của người lao động, triển khai mờ nhạt. Việc tuyên truyền, giới thiệu, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt chưa được chú trọng đúng mức.

Để các phong trào thi đua yêu nước phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh cả hệ thống chính trị, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, quan tâm sâu sát công tác thi đua, khen thưởng. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đưa công tác thi đua gắn với công việc hằng ngày của mỗi người. Tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả; khen thưởng kịp thời, minh bạch; chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp. Trong phát động các phong trào thi đua cần xác định rõ ràng, cụ thể nội dung, hình thức, chỉ tiêu, bảo đảm thiết thực, phù hợp đặc thù, yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của từng cơ quan, từng ngành và từng địa phương. Trước mắt, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị tiếp tục nhân rộng các phong trào thi đua cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, nhân ái, nhân văn, phát triển toàn diện. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu, thật sự là tấm gương, là ngọn cờ dẫn đầu trong các phong trào thi đua.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc nói riêng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua nói chung đến nay vẫn nguyên ý nghĩa lịch sử, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, có sức sống mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cần vào cuộc tích cực, quyết liệt, thu hút sự hưởng ứng rộng rãi của nhân dân, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong thời gian tới.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top