Kỳ họp thư 5, Quốc hội khóa XIV:

Đề nghị đưa nội dung giáo dục Luật phòng, chống tham nhũng vào chương giảng dạy tại các trường trung học phổ thông

15:05 - Thứ Tư, 13/06/2018 Lượt xem: 10226 In bài viết
ĐBP - Ngày 13/6, Quốc hội dành một ngày để thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Mùa A Vảng phát biểu tham gia ý kiến vào dự án luật này.

Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 5. Đối với phương án xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án, đó là: thu thuế thu nhập cá nhân và xử lý hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.

 

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Mùa A Vảng phát biểu tham gia ý kiến vào dự án luật tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Phát biểu tham gia ý kiến vào nội dung này, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đồng tình với phương án thu thuế thu nhập cá nhân vì cho rằng, trên thực tế xảy ra nhiều trường hợp tài sản tăng thêm không phải do phạm tội mà có như tài sản được cho, tặng…, người kê khai tài sản đã giải trình nhưng cơ quan kiểm soát không chấp nhận vì thiếu giấy tờ chứng minh nên nếu xử phạt hành chính dễ phát sinh mâu thuẫn và khó thực hiện. Mặt khác, nếu người kê khai tài sản không chứng minh được nguồn gốc tài sản có thể áp dụng khoản 3, Điều 59 của phương án 1, đồng thời chấm dứt quyền sở hữu tài sản theo Điều 237 Bộ luật dân sự năm 2015. Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị quy định trường hợp chấm dứt quyền sở hữu về tài sản của người kê khai tài sản khi bản thân họ không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp để phù hợp với pháp luật liên quan.

Về việc quy định thanh toán qua tài khoản đối với tiền lương, tiền thưởng, các khoản chi mang tính chất thường xuyên từ 2 triệu đồng trở lên, đại biểu cho rằng nếu đưa nội dung này là điều kiện bắt buộc thì cần cân nhắc cho phù hợp với khu vực miền núi, vùng cao, hải đảo.

Trong ý kiến phát biểu thảo luận, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị quy định cụ thể việc công khai báo cáo phản biện xã hội về công tác phòng, chống tham nhũng của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong đó cần công khai tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội; sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền phát hiện tham nhũng cho phù hợp; bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đưa nội dung giáo dục phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các trường trung học phổ thông…

Hoa Huyền
Bình luận
Back To Top