Cần bám sát vào đề án để thực hiện

15:12 - Thứ Tư, 13/06/2018 Lượt xem: 10449 In bài viết
ĐBP - Ngày 13/6, Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh về “Việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2013 - 2015 và thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng từ năm 2015-2018; việc thực hiện “Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2018”. Đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Dự buổi làm việc có đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên đoàn giám sát và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có nội dung giám sát.

 

Đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

Theo kết quả giám sát của đoàn, việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2013-2015; tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao là 325.808ha đạt 54,11% mục tiêu Kế hoạch 388, tổng diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng là 241.143ha với 1.527 chủ rừng (4 tổ chức, 761 hộ gia đình, 762 cộng đồng). Cơ cấu ngành nông nghiệp từng bước chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản xuất theo giá hiện hành một số ngành năm 2017 so với mục tiêu đến năm 2020: trồng trọt là 3.228 tỷ đồng, đạt 84,7%; chăn nuôi hơn 1.200 tỷ đồng, đạt 61,5%; lâm nghiệp đạt 365,2 tỷ đồng, đạt 52,4%; thủy sản là 166 tỷ đồng, đạt 89,7%. Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã hình thành và chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước phát huy thế mạnh, lợi thế của địa phương gắn với nhu cầu thị trường; thu hút hình thành và tạo liên kết theo chuỗi “Sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm” giữa doanh nghiệp và người dân, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo giá trị hàng hóa, tăng thu nhập trên địa bàn tỉnh.

Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu tập trung làm rõ một số vấn đề như: công tác rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch 3 loại rừng; hướng giải quyết diện tích đất lâm nghiệp có rừng phải giao; sự chênh lệch về đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng; mô hình liên kết giữa sản xuất với bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm còn ít; việc xây dựng hướng dẫn, chỉ dẫn địa lí, thương hiệu sản phẩm chủ lực để xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức…

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Giàng Thị Hoa đề nghị: Trong thời gian tới, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức đánh giá những mặt được, chưa được, khó khăn, vướng mắc, qua đó có giải pháp thực hiện cụ thể, rõ từng việc. Đẩy nhanh tiến độ rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, làm cơ sở cho việc giao đất giao rừng theo quy hoạch; chỉ đạo UBND các địa phương tổ chức nghiệm thu đối với diện tích rừng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng có đủ điều kiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng theo quy định… Đối với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần bám sát đề án để thực hiện; làm rõ trách nhiệm của các cấp, ngành để có kiến nghị đến các cơ quan cấp trên giải quyết; UBND tỉnh cũng cần rà soát các quyết định, đề án để đảm bảo tính khả thi; các đơn vị chuyên môn phối hợp hướng dẫn cá nhân, tổ chức xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực để xúc tiến thương mại; có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tin, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top