Ngày làm việc thứ 20, Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV

Thông qua hai dự án Luật

09:44 - Thứ Sáu, 15/06/2018 Lượt xem: 9716 In bài viết
Ngày 14-6, Kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc tại hội trường. Buổi sáng, các đại biểu QH biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao và thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (CAND) (sửa đổi). Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Luật Ðo đạc và bản đồ; thảo luận về dự án Luật Chăn nuôi.

Từng bước chính quy hóa lực lượng Công an xã

Ðầu giờ làm việc buổi sáng, các đại biểu QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Sau đó, các đại biểu QH đã biểu quyết thông qua luật này với 457 số phiếu tán thành, bằng 93,84% tổng số đại biểu QH.

 

Ðại biểu QH tỉnh Ðồng Tháp phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật CAND (sửa đổi), các đại biểu QH Trần Văn Mão (Nghệ An), Lê Tấn Tới (Bạc Liêu) cùng một số đại biểu cho rằng, việc chính quy hóa lực lượng Công an xã (CAX) trong giai đoạn hiện nay là điều cần thiết. Bởi lẽ, khối lượng công việc của CAX hiện tại rất lớn, diễn biến tội phạm phức tạp hơn, số lượng tội phạm tăng. Ở khu vực nông thôn, tiềm ẩn nhiều các vụ việc phức tạp như: giải quyết thu hồi đất, an ninh tôn giáo, tệ nạn xã hội, tội phạm hình sự… Trong khi đó lực lượng CAX còn thiếu, yếu, đòi hỏi phải tăng cường để đáp ứng công tác bảo đảm an ninh trật tự. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, trong quá trình xây dựng lực lượng CAX dự thảo Luật cần đưa ra những nguyên tắc, lộ trình cụ thể để từng bước chính quy hóa lực lượng CAX, tránh làm xáo trộn lực lượng CAX hiện nay. Ðồng thời, chủ trương xây dựng CAX, thị trấn chính quy không chỉ là bố trí lực lượng, mà cần quan tâm đầu tư xây dựng về nhiều mặt như tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất, trang bị, chính sách… Ðây là nội dung mới, có sự thay đổi căn bản so với quy định của pháp luật hiện hành, do đó, cần bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ phối hợp làm căn cứ để giao Chính phủ quy định việc xây dựng CAX, thị trấn chính quy.

Về bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan CAND, các đại biểu QH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) cùng một số đại biểu cho rằng, đối với quy định vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng trong CAND cần phải được quy định cụ thể ngay trong dự án Luật để bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch và để tạo thuận lợi trong quá trình giám sát, kiểm tra thi hành Luật. Ðối với cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh là đúng nhu cầu, phù hợp chức năng, nhiệm vụ của Công an cấp tỉnh hiện nay, cũng như phù hợp chủ trương của Ðảng về xây dựng và tổ chức CAND theo hướng "bộ tinh, tỉnh mạnh". Tuy nhiên, việc xác định Giám đốc Công an tỉnh, thành phố có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng, cần bổ sung tiêu chí vị trí chiến lược về an ninh, trật tự, tình hình an ninh, trật tự. Ðồng thời, quy định rõ tổng số vị trí quân hàm cấp tướng ngay trong dự án Luật, hạn chế tình trạng phong quân hàm không gắn liền với chức vụ để tránh tình trạng "đến hẹn lại lên" hoặc tình trạng vừa phong lên tướng xong lại điều đi công tác chỗ khác, chỗ này trống lại đưa người khác lên rồi lại được phong tướng. Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu không nhất trí như quy định của dự thảo Luật vì cho rằng, quy định cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an cấp tỉnh phải tương đương với chỉ huy cơ quan quân sự cấp tỉnh để bảo đảm tương quan trong hệ thống chính trị và giữa lực lượng CAND với Quân đội nhân dân ở địa phương.

Cũng trong phiên thảo luận buổi sáng, các đại biểu QH đã thảo luận về nội dung công nghiệp an ninh. Nhiều ý kiến cho rằng, theo quy định của Hiến pháp "công nghiệp quốc phòng, an ninh" là thống nhất, không tách riêng công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh. Vì vậy, quy định về công nghiệp an ninh cần đặt trong mối quan hệ với xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, phù hợp với định hướng xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh là một bộ phận của công nghiệp quốc gia. Theo đó, trước mắt không nên quy định về công nghiệp an ninh trong dự thảo Luật này mà đề nghị QH cho xây dựng luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã phát biểu ý kiến giải trình, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu QH đặt ra.

Còn những quy định chưa phù hợp thực tế chăn nuôi

Buổi chiều, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Ðo đạc và bản đồ, QH đã biểu quyết thông qua Luật với 451 đại biểu tán thành, bằng 92,61% tổng số đại biểu QH.

Sau đó, các đại biểu QH cho ý kiến về dự án Luật Chăn nuôi. Theo đó, hầu hết các đại biểu đồng tình sự cần thiết xây dựng Luật Chăn nuôi, không chỉ đáp ứng nhu cầu của các cơ quan quản lý và người chăn nuôi, mà còn là cơ sở tổ chức lại ngành chăn nuôi theo chuỗi liên kết, hiện đại, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong dự án Luật vẫn tồn tại một số quy định "làm khó" người chăn nuôi, cản trở việc phát triển ngành chăn nuôi, nếu không kịp thời đưa ra những giải pháp cụ thể, đồng bộ. Ðại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) cho rằng, dự án Luật cần làm rõ hơn về quy định cấm chăn nuôi trang trại trong khu vực đông dân cư. Thực tế, các khu dân cư ở đồng bằng luôn có mật độ dân số cao, nên khi đặt trang trại xa khu dân cư này thì hoàn toàn có thể rơi vào khu vực dân cư khác. Trong khi đó, ở vùng miền núi, người dân thường ở tầng trên của nhà sàn, dành tầng dưới cho việc chăn nuôi. Như vậy, việc "ép di dời" khu vực chăn nuôi trong các trường hợp này đã trở nên thiếu tính bao quát. Từ đó, gây khó khăn cho hoạt động chăn nuôi, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân.

Nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm về khoảng cách xây dựng cơ sở chăn nuôi, liên quan đến hai nhóm đối tượng là cơ sở chăn nuôi mới và cơ sở chăn nuôi ra đời trước khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực. Theo đó, việc quy định phạm vi về khoảng cách của các cơ sở chăn nuôi mới đối với chợ, trường học, bệnh viện... tại Ðiểm a Khoản 2 Ðiều 44 của dự án Luật là khó khả thi, bởi thực trạng quỹ đất có hạn và hiện đang bị sử dụng với nhiều mục đích phức tạp, chồng chéo, thậm chí sai mục đích. Vì vậy, các quy định này cần được trình bày rõ ràng hơn, nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh, bảo vệ môi trường nhưng vẫn thể hiện được mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi vốn cung cấp sản phẩm chủ lực cho quốc gia nhưng lâu nay vẫn dựa trên nền tảng sản xuất lạc hậu, nhỏ bé, manh mún. Một số đại biểu lại cho rằng, quy định về việc giảm quy mô chăn nuôi, di dời đến địa điểm, vị trí trong thời gian 5 năm, kể từ ngày Luật Chăn nuôi có hiệu lực mới đối với các trang trại chăn nuôi hoạt động trước khi Luật được ban hành như dự án Luật rõ ràng đã "làm khó" người chăn nuôi. Về phạm vi áp dụng của dự án Luật, một số đại biểu nêu ra những quy định còn mang tính áp đặt, cứng nhắc, thiếu thực tế. Ðó là việc những loại gia súc, gia cầm đã được liệt kê trong dự án Luật một cách chi tiết, cụ thể nhưng lại hoàn toàn thiếu tính bao quát, tính mở. Trong dự án Luật, còn xuất hiện nhiều khái niệm thiếu tính khả thi mà điển hình là "Quyền vật nuôi" ở các Ðiều 50, 51 hay định nghĩa về "nghề thụ tinh nhân tạo" ở Ðiều 41.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã phát biểu ý kiến, giải trình một số vấn đề được các đại biểu QH nêu ra.

Ngành chăn nuôi thời gian qua có nhiều hạn chế, có những lúc phải tổ chức "giải cứu" sản phẩm do cung vượt quá cầu, cho thấy tính dự báo thị trường của ngành còn yếu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó đáng chú ý là vấn đề năng lực của các cơ quan quản lý, điển hình là việc thiếu chế tài trong đăng ký chăn nuôi.

Ðại biểu Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa)

Công an xã là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an ninh địa bàn xã. Hiện công an xã đang được giao nhiều thẩm quyền, như: Tạm giữ người, lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai người bị hại, nhân chứng, vật chứng, kiểm tra xác minh ban đầu… Ðây là những hoạt động quan trọng trong giải quyết vụ án, do đó, nếu hoạt động của lực lượng này có sai sót thì hậu quả sẽ khó khắc phục được.

Ðại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An)

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top