Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Khẳng định vai trò của Đảng về công tác cán bộ

09:03 - Thứ Ba, 19/06/2018 Lượt xem: 9469 In bài viết
Gần đây, trên một số trang mạng phản động, các thế lực thù địch tiếp tục đăng tải nhiều tin, bài xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; tuyên truyền, nói xấu chế độ và các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta, mà trực tiếp là phản đối những nội dung được đưa ra thảo luận và quyết định tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Đáng chú ý, chúng lợi dụng tình hình dư luận xã hội đang bức xúc về tệ nạn tham nhũng, suy thoái của một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ cấp chiến lược, rồi quy chụp mọi khuyết điểm, sai lầm, tiêu cực trong các lĩnh vực của đời sống xã hội cho đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng.

Những luận điệu ấy chính là sự tiếp tục của âm mưu phá hoại, xuyên tạc quan điểm, nguyên tắc công tác cán bộ của Đảng một cách toàn diện từ quy trình công tác cán bộ; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; chủ trương luân chuyển kết hợp với bố trí một số chức danh lãnh đạo không là người địa phương; công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ chính trị nội bộ. Chúng tung tin thất thiệt và xuyên tạc một cách trắng trợn việc “sắp xếp nhân sự” theo hướng “đấu đá nội bộ”, “thanh trừng bè phái”, “cục bộ lợi ích nhóm”, với tham vọng từng bước làm mất uy tín, vị thế của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng. Vì thế, hơn lúc nào hết, chúng ta cần tăng cường cảnh giác, tích cực đấu tranh vạch trần, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc; qua đó tiếp tục khẳng định các quan điểm đúng đắn, khoa học của Đảng về cán bộ và công tác cán bộ trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trên thực tế, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn khẳng định: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng và công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đó là quan điểm, nguyên tắc nhất quán của Đảng ta, là sự đúc kết sâu sắc từ lý luận và thực tiễn lãnh đạo của Đảng qua nhiều thập kỷ, là sự kế thừa quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ. Bởi, cán bộ là gốc của mọi công việc; công việc có thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém; khi đã có đường lối chính trị đúng đắn thì yếu tố quyết định sự thành bại của cách mạng là công tác tổ chức và cán bộ; Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; mục tiêu, lý tưởng của Đảng không thay đổi, nhưng nhiệm vụ của từng thời kỳ lại khác nhau, do đó công tác tổ chức, cán bộ phải luôn luôn đổi mới để đáp ứng yêu cầu của mỗi giai đoạn lịch sử.

Đảng ta, trong mọi thời điểm của lịch sử, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn, luôn nhận thức sâu sắc vai trò cầm quyền và lãnh đạo hệ thống chính trị, xứng đáng với lòng tin tuyệt đối của nhân dân và dân tộc. Tuy nhiên, ngoài những mặt rất cơ bản, tích cực của một đảng duy nhất cầm quyền, sẽ không tránh khỏi những nguy cơ có thể xảy ra như: sai lầm về đường lối, quan liêu, xa rời quần chúng và kiêu ngạo cộng sản. Để ngăn chặn sự tha hóa quyền lực trong Đảng, sự biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng chủ trương phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xây dựng hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc bằng trách nhiệm. Đảng đã, đang và sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện; ngăn chặn và đẩy lùi hiệu quả những tiêu cực tham nhũng trong công tác cán bộ.

Là Đảng duy nhất cầm quyền, đảng viên của Đảng nắm hầu hết các chức vụ chủ chốt trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nếu đạo đức của những cán bộ, đảng viên ấy sa sút thì chính họ là một trong những nguyên nhân làm xói mòn nền tảng đạo đức xã hội, làm vô hiệu hóa quyền uy pháp luật. Vì thế, Đảng ta chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ theo hướng phải đồng bộ, liên thông, nhất quán trong hệ thống chính trị và phù hợp với thực tế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược với mục tiêu tổng quát: có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc… không phải là một giải pháp tình thế, một chủ trương thụ động. Ngược lại, đó là một quá trình biện chứng về mối quan hệ giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ trong các nghị quyết của Đảng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI: một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Đảng ta chỉ rõ phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công hiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tiếp tục khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; phát huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, trong đó cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp là nòng cốt; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có hiệu quả, nhất là những vụ việc gây bức xúc trong dư luận để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng”.

Đảng ta, một tổ chức hết sức chặt chẽ, được xây đắp và trưởng thành từ đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, Nghị quyết lần thứ 7 khóa XII chỉ rõ: Trong giai đoạn cách mạng mới, đội ngũ cán bộ của Đảng phải được chọn lọc hết sức cẩn thận, đồng thời phải chăm lo giáo dục cán bộ để họ ở đâu, làm việc gì cũng đều phải phát huy được tính tiên phong, gương mẫu đối với quần chúng. Phải xây dựng đồng bộ, toàn diện các đối tượng cán bộ ở các cấp, đáp ứng các yêu cầu về phẩm chất, năng lực, phong cách và tác phong công tác. Cụ thể:

Đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược trước hết và trên hết phải thật sự trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh của Tổ quốc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình trên mọi cương vị công tác, suy nghĩ và hành động phải lấy lợi ích cách mạng của Đảng, quân đội, nhân dân ở vị trí “tối thượng”; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, một lòng, một dạ trung thành và kiên trì đường lối của Đảng; dám đề xuất và dám chịu trách nhiệm trước mọi suy nghĩ tự thấy đúng đắn của mình trước cấp trên, trước tổ chức, đồng thời kiên trì thuyết phục mọi người nhận diện đúng “quan điểm” của mình bởi năng lực, phong cách, tác phong công tác độc lập, tự chủ, sáng tạo.

Thành thật, trung thực, không cơ hội, biết hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Tổ quốc, của nhân dân. Lối sống trong sạch, lành mạnh, gần gũi với quần chúng, gương mẫu gắn bó với nhân dân, khiêm tốn học hỏi, thật sự cầu thị, có tinh thần đoàn kết, thương yêu, tương thân, tương ái lẫn nhau. Chống bệnh hình thức và tư tưởng xả hơi, làm theo phong trào từng đợt rồi sau đó nghỉ ngơi, thiếu liên tục; chống tư tưởng dao động, không vững vàng trước khó khăn thử thách và các quan điểm lệch lạc, tiêu cực; chống chia rẽ, cục bộ, thiếu dân chủ, mất đoàn kết; chống quan liêu xa rời quần chúng, nói không đi đôi với làm, trông chờ ỷ lại, thiếu quyết tâm phấn đấu đi lên. Có năng lực quyết đoán trong hành động thực thi nhiệm vụ được Đảng phân công; chủ động, sáng tạo trong công tác, nhạy bén, linh hoạt trong đấu tranh; nắm vững và vận dụng đúng đắn, sáng tạo, khôn khéo các chủ trương, đối sách; xử lý nhanh nhạy, kịp thời các tình huống phức tạp trong thực tiễn, hoàn thành tốt nhiệm vụ; vượt qua mọi sự cám dỗ của danh vọng, tiền tài, địa vị thấp hèn trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; luôn thấm đượm chủ nghĩa nhân văn cao cả, trước hết ở tấm lòng thương yêu con người, thương yêu nhân dân, đồng chí sâu sắc.

Luôn là tấm gương sáng để mọi người noi theo, thường xuyên rèn luyện tác phong “đã nói là làm”, “đã hứa phải thực hiện”; luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tự tin ở chính bản thân mình, tin ở cấp trên, tin ở đồng bào, đồng chí. Phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Không vì mục đích địa vị mà bỏ mất cốt cách của người cán bộ cách mạng, để rồi “nịnh bợ”, “chạy chọt”, “mua chuộc”. Không vì mục đích giàu sang, hưởng lạc để rồi rơi vào vòng kim cô “tham nhũng” dưới mọi hình thức. Không vì “sắc” mà tha hóa đạo đức và lối sống. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ, trở thành cán bộ trung kiên của Đảng. Phải luôn luôn phát triển cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái chí khí quật cường tất thắng, cái đạo đức, trí, dũng, liêm, trung.

Trên cơ sở sự giác ngộ về chính trị cao mà nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; nhận thức đúng đắn bạn thù, đối tác và đối tượng, không mơ hồ giai cấp, không lẫn lộn phải trái, trắng đen; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, mài sắc ý chí quyết chiến và quyết thắng trước mọi kẻ thù, không thoái hóa, biến chất, tránh được những cám dỗ quyền lực, vật chất. Có khả năng đưa ra các quyết định lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm tính chắc thắng trong thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm đúng quan điểm, đường đối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh sắc bén phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác cán bộ của Đảng trong tình hình mới.

Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp đã thật sự là lực lượng nòng cốt, kiên quyết, kiên trì với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có hiệu quả. Đó vừa là bằng chứng bác bỏ luận điệu xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch, vừa khẳng định vị thế, vai trò, nhiệm vụ của công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới.

Trung tướng, PGS,TS Trần Việt Khoa, Ủy viên T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top