Kỷ niệm 64 năm Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954 – 20/7/2018)

Mở đầu cho sự tan rã của hệ thống thuộc địa

09:14 - Thứ Năm, 12/07/2018 Lượt xem: 9043 In bài viết
ĐBP - Tháng 5/1954, sau “tiếng sấm” Ðiện Biên Phủ làm kinh hoàng thế giới tư bản, buộc Chính phủ Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán Giơnevơ. Từ ngày 8/5/1954, vấn đề Ðông Dương được đưa ra thảo luận. Ðiều quan trọng nhất mà các bên đã ký, đó là Chính phủ Pháp cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân 3 nước: Việt Nam, Lào và Campuchia; đồng thời, Pháp phải triệt thoái toàn bộ quân đội cũng như bộ máy chiến tranh của họ khỏi bán đảo Ðông Dương.

Tham dự Hội nghị Giơnevơ có 9 đoàn đại biểu, gồm 5 đoàn nước lớn: Liên Xô, Anh, Mỹ, Pháp và Trung Quốc. 4 đoàn còn lại gồm: Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia, chính quyền bù nhìn Bảo Ðại và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hai đồng Chủ tịch Hội nghị là Liên Xô và Anh. Ðoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Ðồng dẫn đầu, đến Hội nghị với lập trường trước sau như một: “Ði tới một giải pháp hoàn chỉnh, đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Ðông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Ðông Dương”. Ðây là sự chuẩn bị vô cùng công phu trong điều kiện khó khăn muôn bề, đặc biệt khi mà Trung ương Ðảng và Chính phủ đang đóng ở Chiến khu Việt Bắc. Dưới sự chỉ đạo của Bác Hồ, một mặt ta lập ra một ban nghiên cứu, gồm những cán bộ nhiều kinh nghiệm nhất. Ðồng thời, đích thân Bác Hồ sang Trung Quốc và Liên Xô bàn bạc, tranh thủ ý kiến cũng như sự ủng hộ của lãnh đạo 2 quốc gia này.

Bước vào Hội nghị, lập trường giữa các đoàn có một khoảng cách khá xa, nên các nội dung đàm phán tiến triển một cách chậm chạp và nặng nề. Cuộc đàm phán có tính chất quyết định diễn ra vào ngày 17 và ngày 23/6/1954, trong đó hai bên thỏa thuận một giải pháp khung là giải quyết vấn đề quân sự, tách rời giải pháp chính trị tại 3 nước Ðông Dương. Thay mặt đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Trưởng đoàn Phạm Văn Ðồng đã thẳng thắn trình bày lập trường cứng rắn 8 điểm tại Hội nghị. Bước vào giai đoạn 2 (từ 24/6 - 20/7), Trưởng đoàn Pháp và Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đàm phán trực tiếp để giải quyết các vấn đề cụ thể. Ðoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên trì đấu tranh cho những vấn đề cơ bản, gồm: Quyền tham gia hội nghị của các đại biểu Chính phủ kháng chiến Lào và Chính phủ kháng chiến Campuchia; chọn vĩ tuyến làm giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam và thời hạn tổ chức tổng tuyển cử tự do thống nhất. Vào lúc 24 giờ ngày 20/7/1954 (thực chất đã sang ngày 21/7/1954), Hiệp định Giơnevơ về Ðông Dương bắt đầu được ký kết với hàng loạt văn kiện quan trọng. Riêng những hiệp định về Việt Nam có nội dung: Các nước tham gia Hội nghị tôn trọng quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn chiến trường Ðông Dương. Lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, chia cắt Việt Nam làm hai miền, quân đội Pháp rút quân về phía nam vĩ tuyến đó. Ðể thống nhất nhà nước Việt Nam, sau hai năm tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước...

Hiệp định Giơnevơ đánh dấu một bước thắng lợi của các lực lượng cách mạng 3 nước Ðông Dương, mở đầu cho sự tan rã hoàn toàn của hệ thống thuộc địa của Pháp. Mặc dầu vậy, những giải pháp tại Giơnevơ đã ngăn cản nhân dân 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia đạt được thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhất là sau khi ta giành thắng lợi trận Ðiện Biên Phủ. Hiệp định cũng mở ra một thời kỳ dài đất nước ta bị chia làm hai miền, bằng cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải (Quảng Trị). Theo tinh thần Hiệp định, vùng phi quân sự (Demilitaire Zone DMZ) được thiết lập dọc hai bờ sông Bến Hải, mỗi bên cách bờ sông 5km.

Kể từ đây, trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhân dân ta bước vào thời kỳ vô cùng khó khăn vừa khôi phục kinh tế bị chiến tranh tàn phá nặng nề, vừa là hậu phương lớn dồn sức người sức của cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Ðể rồi gần 20 năm sau Hội nghị Giơnevơ, trong tư thế người chiến thắng, chúng ta tự tin bước vào cuộc đàm phán lịch sử thứ hai đó là Hội nghị Pari năm 1973. Từ kinh nghiệm xương máu tại Giơnevơ, chúng ta một lần nữa giành thắng lợi trong Hội nghị Pari và lần này, trớ trêu thay đối thủ trực tiếp của chúng ta không ai khác ngoài Hợp chủng quốc Hoa Kỳ! Chúng ta chiến thắng bởi vì chính nghĩa và công lý đứng về phía chúng ta!...

(Biên soạn)

Hồng Kỳ
Bình luận
Back To Top