Nghị quyết số 05

Ðưa nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững

08:43 - Thứ Tư, 25/07/2018 Lượt xem: 9546 In bài viết

Bài 2: “Ðiểm sáng” bức tranh nông nghiệp

ĐBP - Từ một tỉnh thiếu đói hàng năm phải nhận trợ cấp gạo từ Trung ương; song với chủ trương, quyết sách đúng đắn của Ðảng bộ tỉnh trong nhiều nhiệm kỳ qua, Ðiện Biên không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn xuất bán, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống cho nông dân. Nhất là việc thực hiện Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã xác định cơ cấu lại sản xuất lúa chất lượng cao ở những nơi có điều kiện, vùng cánh đồng Mường Thanh theo hướng cánh đồng lớn”. Từ đó đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình cánh đồng lớn nhằm phát huy tối đa tiềm năng và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

 

Người dân tham quan mô hình trồng lúa chất lượng cao tại xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên).

Mục sở thị cánh đồng Mường Thanh giờ đây hẳn ai cũng đều ngạc nhiên trước màu xanh ngút ngàn của đồng lúa thẳng cánh cò bay. Nếu như trước đây rất ít diện tích làm được lúa 2 vụ thì ngày nay “bờ xôi ruộng mật” đã và đang được những người nông dân cần cù, một nắng hai sương bỏ công cải tạo, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt để nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Ðược thiên nhiên ưu đãi, cánh đồng Mường Thanh rộng lớn với diện tích hơn 120km2 lọt giữa bốn bề bao quanh núi cao trùng điệp. Diện tích canh tác lúa hàng hóa mỗi vụ gần 4.600ha; trong đó, các loại lúa thơm như: Bắc thơm số 7, Hương thơm số 1, Tẻ thơm T10 chiếm tới 50 - 55% diện tích đều cho chất lượng gạo thơm ngon, năng suất cao (từ 6 - 7 tấn/ha). Mỗi năm vùng lòng chảo Mường Thanh sản xuất hàng chục nghìn tấn gạo hàng hóa, trong đó chủ yếu là gạo chất lượng cao, bán ra thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng. Những chân ruộng lúa thâm canh 2 vụ các loại lúa thơm mang lại giá trị khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Ông Lò Văn Siên, bản Noong Vai, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) là một trong số những hộ đầu tiên tham gia sản xuất lúa chất lượng cao theo phương thức liên kết với doanh nghiệp. Ông Siên cho biết: Với hơn 5.000m2 ruộng trồng lúa 2 vụ, đã vài ba vụ nay gia đình ông đều ký hợp đồng liên kết sản xuất với Công ty TNHH Giống Nông nghiệp Trường Hương Ðiện Biên để trồng các loại lúa: Séng cù, Hương Việt 3, Bắc thơm số 7. Cùng với việc được doanh nghiệp cung ứng giống, cán bộ kỹ thuật Công ty phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn quy trình sản xuất, từ khâu ngâm ủ, gieo cấy, thời vụ đến sử dụng liều lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Nhờ đó giảm được công, chi phí phun phòng. Mỗi héc ta sản xuất lúa chất lượng cao theo mô hình liên kết tăng lợi nhuận từ 2 - 2,5 triệu đồng/vụ so với phương thức tự sản xuất, tự tiêu thụ và nhàn hơn trong khâu thu hoạch. Bởi doanh nghiệp thu mua thóc tươi ngay tại ruộng. Tính trung bình năng suất các giống lúa chất lượng cao đạt từ 6,8 - 7 tấn/ha mỗi vụ, giá doanh nghiệp thu mua thóc 8.000 - 9.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lợi nhuận từ 94 - 115 triệu đồng/ha/năm. Ngay như gia đình ông Siên, với hơn 5.000m2 trồng lúa chất lượng cao 2 vụ, mỗi năm đem lại lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng. Hiệu quả từ các diện tích trồng lúa chất lượng cao mang lại sẽ là điều kiện thuận lợi để không chỉ huyện Ðiện Biên mà các địa phương trong toàn tỉnh mở rộng các diện tích thực hiện theo quy hoạch.

Trao đổi với chúng tôi về những bước chuyển lớn trong sản xuất nông nghiệp của địa phương, ông Nguyễn Hữu Khởi, Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên khẳng định, những thành quả đó chính là thành công bước đầu trong việc thực hiện Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh. Phân tích rõ điều này, theo ông Nguyễn Hữu Khởi: Sau khi nghị quyết được ban hành, căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện tập trung xây dựng kế hoạch, chương trình để thực hiện. Trong đó sản xuất lúa gạo, xây dựng cánh đồng lớn được huyện chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện. Ðể nhân dân đồng thuận, nhiệt tình tham gia công tác quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện các kế hoạch, chương trình cụ thể hóa nghị quyết được chú trọng và nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ phía nhân dân. Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, hệ thống kênh mương đã được kiên cố hóa thuận lợi trong quá trình dẫn nước về đồng ruộng. Nhiều năm gần đây với sự tích cực tham gia của doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, liên kết với nông dân thực hiện mô hình cánh đồng lớn đã đem lại kết quả tích cực, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia tích cực từ phía người dân cũng như chính quyền địa phương.

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở đổi mới tư duy, sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, sản xuất an toàn, bền vững, ngành Nông nghiệp huyện Tuần Giáo tập trung phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực theo quy hoạch, từng bước xây dựng, quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, tập trung vào các sản phẩm chủ lực. Theo ông Giàng Trùng Lầu, Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo, Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh là cơ sở để Huyện ủy quyết tâm lãnh đạo thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Trong lĩnh vực trồng trọt, Huyện ủy lãnh đạo việc xây dựng vùng thâm canh lúa nước tại các xã: Quài Tở, Quài Cang, Quài Nưa, Chiềng Sinh, Mường Mùn. Vận động, khuyến khích người dân mở rộng diện tích lúa 2 vụ và đưa một số giống lúa mới vào canh tác, nhằm nâng cao chất lượng cũng như năng suất. Vì vậy cả diện tích và sản lượng lúa 2 vụ ngày càng tăng, đưa tổng sản lượng lương thực toàn huyện năm 2017 đạt hơn 40.000 nghìn tấn…

Dưới ánh sáng của chủ trương và những quyết sách đúng đắn của tỉnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp đã nhận được đồng thuận lớn từ phía nhân dân. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp 2 năm (2016 - 2017) là 4,16% (đạt 113,4% so với tốc độ tăng trưởng bình quân theo nghị quyết). Tổng giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản theo giá hiện hành năm 2017 đạt 3.059,6 tỷ đồng (tăng 473,9 tỷ đồng so với năm 2014). Diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt năm 2017 hơn 80.757ha; tổng sản lượng lương thực 257.971 tấn. Diện tích cây cao su hơn 5.126,6ha được chăm sóc, quản lý và bảo vệ tốt hiện nhiều vườn cây đã đưa vào khai thác mủ. Diện tích chè gần 608,9ha (đạt 100,6% so với mục tiêu nghị quyết); diện tích cà phê đạt 3.940ha. Nhiều diện tích rau màu được sản xuất theo mô hình rau an toàn theo hướng GAP cơ bản tại các địa phương, tạo mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Ðẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh đã thu hút được 15 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp - thủy sản; tổ chức xây dựng và xác nhận 11 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với các hộ dân cho nhiều sản phẩm: gạo, rau, củ, quả… Thành công bước đầu trong thực hiện mô hình cánh đồng lớn đã góp phần tăng cao sản lượng lương thực toàn tỉnh; đưa bình quân lương thực đạt hơn 520kg/người/năm (tăng gần 50kg/người/năm so với năm 2015). Ðây cũng là điều kiện thuận lợi để các vùng sản xuất lương thực phát triển bền vững, nhất là đối với các vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống của nông dân. Ðồng thời, thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất lớn, tạo thị trường đầu ra ổn định cho lúa gạo Ðiện Biên nói riêng và các mặt hàng nông sản khác nói chung.

Nâng cao giá trị hạt gạo Ðiện Biên thông qua việc sản xuất hàng hóa tập trung, nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp bền vững ở tỉnh ta. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2026, quy mô cánh đồng lớn đạt 2.428ha, thu hút 9.582 hộ dân tham gia; tạo “đòn bẩy” để ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững và hiện đại. Tỉnh tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch cải tạo đồng ruộng kết hợp dồn điền đổi thửa, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng; thu hút, liên kết với nhiều doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, công tác thông tin tuyên truyền vận động nông dân tham gia… để tạo sự đồng thuận, vào cuộc từ nhiều phía.

Bài 3: Ðổi mới tư duy, nâng tầm sản xuất

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top