Siết kỷ cương trong tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công chức

14:33 - Thứ Sáu, 10/08/2018 Lượt xem: 9217 In bài viết
Đầu tuần qua, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra việc thực hiện Nghị quyết 56/2017/QH14 (Nghị quyết 56) về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Một số đại biểu phát biểu ý kiến tại phiên họp đề cập vấn đề liên quan công tác cán bộ mà dư luận xã hội gần đây rất quan tâm, bức xúc: chuyện tuyển dụng, đề bạt không đúng, bổ nhiệm mang tính “siêu tốc”. Đơn cử như chuyện trước lúc nghỉ hưu, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa bổ nhiệm hàng loạt cán bộ lãnh đạo cấp phòng, tương tự như vậy là chuyện bổ nhiệm hàng chục cán bộ ở Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam… Nhiều đại biểu Quốc hội, đông đảo cử tri đặt vấn đề làm sao tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời phát hiện sai phạm trong tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức trước mắt và lâu dài. Và đây cũng là một trong những yêu cầu quan trọng được nêu trong Nghị quyết 56 của Quốc hội. Một trong những giải pháp được đưa ra là đề nghị thời gian tới, Bộ Nội vụ cần kiên quyết hơn trong việc giao biên chế cho từng địa phương, bộ, ngành. Chính phủ tiếp tục sắp xếp cơ cấu tổ chức các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn với các tiêu chí cụ thể, bên cạnh đó phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về cải cách bộ máy...

Theo số liệu báo cáo, trong 3 năm- từ năm 2016 đến năm 2018, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ T.Ư đến cấp huyện giảm 12.648 biên chế (giảm 4,6%) so với số giao năm 2015. Bộ Nội vụ đang thực hiện giao biên chế sự nghiệp của bộ, ngành năm 2018 và thẩm định biên chế sự nghiệp của các địa phương năm 2018 theo đúng chủ trương, với mục tiêu đến năm 2021 giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015. Một số đại biểu cho rằng cần tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương, kịp thời phát hiện sai phạm trong tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức. Thực tế cho thấy, có nơi đã giảm biên chế theo nghị quyết, có nơi vẫn tìm cách giữ lại biên chế. Vừa qua, không ít nơi phải kiểm điểm, bị phê bình chung quanh vấn đề thi tuyển, bổ nhiệm cấp phó trái quy định.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân cho rằng, có những sai phạm trong công tác tuyển dụng ở một số bộ, ngành, địa phương đã được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh. Nhiều chuyên gia cũng nhận định, việc bổ nhiệm người nhà, bổ nhiệm cán bộ “thần tốc” sai quy định như vậy gây dư luận không tốt đến cán bộ, đảng viên ở cơ quan, đơn vị, làm ảnh hưởng đến uy tín của tập thể lãnh đạo và cá nhân có thẩm quyền quyết định. Nghiêm trọng hơn, các vụ việc sai phạm gây ảnh hưởng uy tín tổ chức đảng, làm giảm lòng tin đối với người được bổ nhiệm, ảnh hưởng trực tiếp chất lượng, hiệu quả, động lực cống hiến ngay tại cơ quan, đơn vị đó...

Để thực hiện thực chất, hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước theo yêu cầu của Nghị quyết 56. Tại phiên họp vừa qua, ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng, việc rà soát, thu gọn đầu mối các cơ quan, tổ chức là cần thiết nhưng nên thận trọng, kỹ lưỡng, bảo đảm tính khoa học, hiệu quả, khả thi. Làm sao tránh việc thu gọn đầu mối diễn ra một cách cơ học, trong khi số lượng biên chế, tổ chức vẫn cồng kềnh, chồng chéo. Khi thực hiện nguyên tắc “một việc chỉ do một cơ quan chủ trì”, quá trình triển khai cần đồng bộ, triệt để, có lộ trình và bước đi thích hợp, tránh gây xáo trộn bộ máy, có thể tạo ra khoảng trống hoặc sự chồng chéo liên quan chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các đơn vị.

Về những nội dung nêu trên, các thành viên Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, luật và các văn bản dưới luật về những vấn đề thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, biên chế… bảo đảm tính đồng bộ. Đề nghị Bộ Nội vụ từ nay đến cuối tháng 8 hoàn thiện dự thảo báo cáo, sau đó Ủy ban Pháp luật sẽ tiến hành thẩm tra chính thức.
P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top