Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

19:51 - Thứ Hai, 13/08/2018 Lượt xem: 10229 In bài viết

ĐBP - Ngày 13/8, tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn trực tuyến đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp. Dự phiên họp có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Đồng chí Mùa A Vảng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

 

Đại biểu dự phiên họp trực tuyến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã trả lời nhiều câu hỏi chất vấn liên quan đến việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: Các chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc ít người; đầu tư hạ tầng giao thông, nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số; vấn đề học sinh cử tuyển, đào tạo và giải quyết việc làm; xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số; ổn định cuộc sống người dân sau di dân tái định cư các công trình thủy điện… Đại biểu Bùi Sỹ Lợi chất vấn: Giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu để đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn cao; thu nhập bình quân thấp so với bình quân của cả nước. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền. Trách nhiệm của Uỷ ban Dân tộc về vấn đề này? Giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên? Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết: Hiện nay, số người nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 52,66%; thu nhập bình quân đạt 7-8 triệu đồng/năm, bằng 1/5 thu nhập trung bình cả nước. Từ đầu nhiệm kỳ, Ủy ban tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 về chính sách đặc thù nhằm giải quyết 4 vấn đề: Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất. Hiện nay, sơ bộ có một số giải pháp chính như: Phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông và thông tin; phát triển nguồn nhân lực và giáo dục đào tạo khu vực miền núi; tạo sinh kế, trong đó quan trọng là ổn định dân cư và  tuyên truyền để bà con tự lực, tự vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước.

Đối với 2 nội dung chất vấn của Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên gồm: Chính sách hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc thiểu số hiện nay chủ yếu quan tâm đến yếu tố đầu vào, như: Hỗ trợ cây, con giống… nhưng chưa quan tâm đến đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Phong trào khởi nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn rất lạ lẫm, hạn chế. Do vấn đề thời gian nên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến sẽ trả lời bằng văn bản trong thời gian sớm nhất.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhận được nhiều câu hỏi chất vấn đối với các nhóm vấn đề: Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp; công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm hại tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế; tội phạm về chức vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy; công tác quản lý xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia... Đại biểu Bùi Huyền Mai (Hà Nội) chất vấn về đánh giá mức độ tình trạng nghiêm trọng của xâm hại, nhất là xâm hại tình dục trẻ em hiện nay như thế nào? Có vụ có ý kiến của lãnh đạo cấp cao và báo chí thì việc xử lý mới rốt ráo và hiệu quả? Bộ trưởng Tô Lâm trả lời: Năm 2017, cả nước phát hiện 1.592 vụ, giảm 3%. 6 tháng đầu năm 2018, phát hiện hơn 700 vụ, trong đó xâm hại tình dục chiếm hơn 80% số vụ việc. Nạn nhân chủ yếu là trẻ em gái, chiếm 80%. Nguyên nhân chung do tuyên truyền đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, phối hợp chăm sóc các em chưa chặt chẽ, thiếu kỹ năng. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận và xử lý tố giác tội phạm về xâm hại trẻ em còn hạn chế. Việc tố cáo trình báo về xâm hại trẻ em còn chậm nên việc củng cố chứng cứ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến điều tra xử lý. Nạn nhân và người thân thường giấu kín, không tố giác, có trường hợp nạn nhân và gia đình thiếu hợp tác với cơ quan điều tra, không có nhân chứng, nạn nhân còn nhỏ nên việc khai báo chưa chính xác, không thống nhất...

Sau 1 ngày làm việc tích cực, với phương châm “hỏi nhanh, đáp gọn”, phiên họp đã nhận được 77 ý kiến chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Bộ trưởng Bộ Công an. Qua chất vấn và ý kiến trả lời chất vấn, giải trình, các đại biểu đã thể hiện quan điểm thẳng thắn, câu hỏi mang tính xây dựng, có trao đổi, tranh luận. 

Tin, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top