Ðiện Biên trên đường phát triển

08:34 - Thứ Sáu, 17/08/2018 Lượt xem: 12114 In bài viết
ĐBP - 73 năm đã qua, nhưng không khí sục sôi cách mạng từ mùa thu năm 1945 còn mãi khắc sâu trong trái tim của mỗi người dân Việt. Với truyền thống yêu nước và cách mạng, mỗi người dân Ðiện Biên đã mang tinh thần “Ðiện Biên Phủ” vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ tỉnh qua nhiều nhiệm kỳ, Ðiện Biên hôm nay đã khoác trên mình tấm áo mới của sự đổi thay, ấm no, hạnh phúc và vươn mình hội nhập kinh tế quốc tế.


Nông dân xã Thanh Hưng, Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên) tham quan mô hình khảo nghiệm giống lúa Bắc hương 9 do Công ty Cổ phần Giống Nông nghiệp Quốc tế phối hợp thực hiện.

Truyền thống cách mạng là động lực to lớn cho Ðảng bộ và nhân dân Ðiện Biên trong chặng đường phát triển. Nhất là trong những năm gần đây dưới sự lãnh đạo của Ðảng, tranh thủ thời cơ, khai thác lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức tỉnh ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trên lĩnh vực kinh tế - xã hội. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân 7 năm (2011 - 2017) đạt hơn 7%/năm. Tổng sản phẩm của địa bàn tỉnh GRDP (theo giá so sánh năm 2010) đạt trên 9.719,1 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 45,53%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 29,2%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 23,18%. Thu ngân sách tăng nhanh và năm 2017 tổng thu trên địa bàn đạt trên 1.000 tỷ đồng, gấp gần 2,3 lần năm 2010. Kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn được tăng cường nhờ các chính sách thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế. Ðến nay, toàn tỉnh có khoảng 8.273km đường bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại liên tỉnh, liên huyện, xã và phục vụ sản xuất. Ðường giao thông nông thôn được cứng hóa trên 10%; 120/130 xã có đường ôtô đến trung tâm xã đi lại được quanh năm. Các vấn đề xã hội, đặc biệt là xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách xã hội…được quan tâm hơn và thu nhiều kết quả. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh còn 41,01%; đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao.

Thu hút đầu tư vào địa bàn đạt nhiều kết quả khả quan. Ðến nay trên địa bàn tỉnh ta có 119 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 21.000 tỷ đồng. Hiện nay, UBND tỉnh đang giao các ngành tham mưu chủ trương đầu tư 9 dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BT, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.680 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã thu hút đầu tư một số dự án nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh, từng bước hình thành một số vùng kinh tế trọng điểm gắn với các cơ sở chế biến nông, lâm nghiệp, như: vùng chè Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng; vùng sản xuất vật liệu xây dựng như: xi măng, đá, gạch xây dựng ở Ðiện Biên; thu hút đầu tư các công trình thủy điện, như: Pá Khoang, Nậm He, Nậm Mức… bước đầu tạo việc làm, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với đó, việc đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, trong đó lấy phát triển du lịch là mũi nhọn, khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng về du lịch của tỉnh, nhằm tạo ra giá trị dịch vụ cao, tạo môi trường thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho lao động và tăng thu ngân sách. Ðảng bộ đã tạo được sự đoàn kết, thống nhất, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Ðảng được nâng lên. Bộ máy chính quyền các cấp từng bước được kiện toàn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn.

Dù là tỉnh có xuất phát điểm thấp, nhiều khó khăn; song với những thành tựu đạt được đó đã tạo cho tỉnh thế và lực mới. Chính vì vậy, mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đề ra đó là “Tiếp tục xây dựng Ðảng bộ trong sạch vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, phấn đấu xây dựng Ðiện Biên thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc”. Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân 6,8%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 38 - 40 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực đạt 260.000 tấn; tổng thu ngân sách địa phương 12.000 tỷ đồng (thu trên địa bàn 1.200 tỷ). Mỗi năm đào tạo nghề 7.800 - 8.200 lao động; tạo việc làm mới cho trên 8.500 lao động/năm…

Ðể thực hiện được mục tiêu đó, Ðảng bộ tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng; xây dựng chính quyền các cấp trong sạch vững mạnh. Tập trung phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tiềm năng, lợi thế; thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển. Ðẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến. Chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và ngành, lĩnh vực có thế mạnh. Tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; xây dựng nông thôn mới. Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Ðề án Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới, chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân và tăng cường hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Ðổi mới cơ chế quản lý để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, dự án, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh. Thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững; ưu tiên nguồn lực từ ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội cho các chương trình xóa đói giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top