Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp phiên thứ 14 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng

10:06 - Thứ Sáu, 17/08/2018 Lượt xem: 8801 In bài viết
Sáng 16-8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) họp phiên thứ 14 để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động kể từ ngày thành lập (1-2-2013) và bảy tháng đầu năm nay, đề ra nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, những công việc các tháng cuối năm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Phiên họp.

Theo đánh giá tại phiên họp, năm năm qua, Ban Chỉ đạo có nhiều cố gắng, đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động. Trong tổng số 68 vụ án, 57 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 40 vụ án/500 bị cáo, với các mức án nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật, rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn. Từ năm 2013 đến nay, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật hơn 4.300 cán bộ, đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái; qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý hơn 400 nghìn tỷ đồng và 18.525 ha đất, chuyển 515 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã kiểm tra, làm rõ, kết luận, quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật nghiêm minh nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp vi phạm, cả đương chức và nghỉ hưu (từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật 56 cán bộ diện Trung ương quản lý).

Ban Chỉ đạo tích cực chỉ đạo tham mưu, đề xuất Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hơn 60 nghị quyết, chỉ thị, quy định để tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và PCTN. Ban Chỉ đạo quan tâm xây dựng, thực hiện nghiêm quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch công tác; hoạt động nền nếp, bài bản, theo đúng chức năng, nhiệm vụ; tổ chức 14 phiên họp và sáu cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo...

Một số nhiệm vụ những tháng cuối năm 2018 là, chỉ đạo khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, Dự án mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc và các vụ việc theo yêu cầu của Thường trực Ban Chỉ đạo. Hoàn thành việc rà soát các kết luận thanh tra, kiểm toán một số dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; kiểm tra công tác luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; thanh tra chuyên đề quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế; Ủy Ban kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra một số cấp ủy cấp huyện và cơ sở có dấu hiệu vi phạm để chấn chỉnh công tác kiểm tra, kỷ luật đảng ở cơ sở. Tập trung chỉ đạo để kết thúc điều tra 10 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố bảy vụ án; xét xử sơ thẩm 10 vụ án; xét xử phúc thẩm tám vụ án; xử lý 32 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo...

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nhìn tổng quát năm năm qua, Ban Chỉ đạo đã có nhiều cố gắng, nỗ lực phấn đấu, đổi mới cả về nội dung và phương pháp hoạt động, làm việc trách nhiệm, nghiêm túc, thu được nhiều kết quả, nhờ đó công tác PCTN có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, nhất là trong hai năm gần đây. Tham nhũng được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Từ những kết quả đó, theo Tổng Bí thư, có thể rút ra một số bài học, đó là Ban Chỉ đạo có quyết tâm cao, đồng thuận lớn, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt với cách làm phù hợp, bài bản, nền nếp, làm bước nào chắc bước đó, dễ trước, khó sau, rõ đến đâu, xử lý đến đó, kỷ luật đảng trước, kỷ luật hành chính sau. Các bước, các khâu làm chặt chẽ. Các cơ quan chức năng phối hợp nhịp nhàng theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong xử lý các vụ việc, vừa qua làm nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình, không đao to búa lớn, tâm phục khẩu phục; làm quyết liệt, nhưng giữ vững ổn định, kết hợp giữa “xây” và “chống”, “chống” và “xây”, ngăn chặn, phòng ngừa, đồng thời mở đường cho đối tượng sửa chữa tiến bộ, thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, được dư luận đồng tình ủng hộ cao. Hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị tốt lên, từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận đến các đoàn thể cùng vào cuộc, tạo thành phong trào chung. Ban Chỉ đạo xây dựng được lề lối, cách thức làm việc khoa học, chặt chẽ, hợp lý, nền nếp, kỹ lưỡng, phân công trách nhiệm rõ ràng, nền nếp cụ thể đối với Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo và từng thành viên trong Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo thường xuyên hội ý, chỉ đạo cụ thể đối với từng vụ án, vụ việc, kịp thời uốn nắn, chỉ đạo xử lý những vụ việc mới nảy sinh, kể cả thay đổi, bố trí lại cán bộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới; chú trọng kiểm tra các ngành, các địa phương.

Theo Tổng Bí thư, Ban Chỉ đạo đã tập trung phát hiện xử lý dứt điểm những khâu yếu, việc khó, còn vướng mắc, tạo chuyển biến tích cực trong từng khâu, từng việc, từ đó khắc phục được tình trạng cho hưởng án treo không đúng quy định đối với bị cáo phạm tội tham nhũng, đến nay số vụ án treo giảm nhiều; khắc phục vướng mắc trong khâu điều tra, giám định tư pháp; chỉ đạo nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng (năm 2013 tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng dưới 10%, nay bình quân khoảng 30%, có vụ thu hồi 60,70%; hoặc thu hồi 100% như vụ Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty nghe nhìn Toàn Cầu, AVG) .

Công tác thông tin tuyên truyền được chỉ đạo kịp thời, đưa tin công khai rộng rãi, nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao của cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội. Các cơ quan thông tin đại chúng vào cuộc rất tích cực, chủ động, quyết liệt hơn. Các cơ quan chức năng, các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc cố gắng, tích cực, trách nhiệm, chất lượng hơn, triển khai thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tại cơ quan mình có hiệu quả hơn. Ban Nội chính T.Ư ngày càng làm tốt vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, làm “đúng vai, thuộc bài” không can thiệp vào công việc của cơ quan chuyên môn, tập trung tổng hợp ý kiến của các cơ quan chức năng, đề xuất báo cáo với Ban Chỉ đạo.

Tuy nhiên , Tổng Bí thư cũng lưu ý, một số khâu yếu cần khắc phục là việc xây dựng cơ chế, thể chế, pháp luật, quy định, tuy có nhiều cố gắng, nhưng có việc, có khâu còn chậm, nhất là việc kiểm soát quyền lực, kê khai tài sản, giám sát quản lý đất đai, cổ phần hóa, thuế. Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” có chuyển biến nhưng chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Vì thế, nên chăng, có việc xảy ra ở cấp dưới, Ban Chỉ đạo phải chỉ đạo, đôn đốc và trực tiếp làm, làm hỗ trợ, nhưng không làm thay. Còn tình trạng để cho một số phần tử chạy trốn ra nước ngoài, tẩu tán tài sản. Bây giờ không được để xảy ra, nếu nơi nào để xảy ra việc đó, cần xem xét trách nhiệm của cán bộ quản lý ở đó. Trong một số trường hợp, một số khâu phối hợp chưa thật nhuần nhuyễn. Giữa các cơ quan chức năng còn có ý kiến khác nhau là điều dễ hiểu, nhưng phải nhìn hai mặt cho biện chứng, nhằm bảo đảm đúng đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xem xét cân nhắc nhiều mặt, như tính chính trị của vấn đề, sự tác động đến xã hội và ý nghĩa xã hội của vấn đề.

Tổng Bí thư cho rằng, hiện nay tâm trạng xã hội có biểu hiện lo lắng, trong Đảng cũng như toàn dân mong muốn duy trì, đẩy mạnh và làm tốt công tác PCTN hơn nữa. Tổng Bí thư nhấn mạnh, cuộc đấu tranh PCTN là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp. Do đó, từng cơ quan tìm cách hoàn thiện mình hơn, phải rất kiên trì, quyết liệt, phải làm có hiệu quả cao hơn.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Tổng Bí thư đề nghị tập trung khắc phục các điểm yếu, khâu yếu; thực hiện tốt chương trình công tác năm 2018, chuẩn bị chu đáo chương trình công tác năm 2019 với tinh thần làm liên tục. Các cơ quan phải nắm chắc đang làm việc gì, việc nào làm trước, việc nào làm sau, bài bản.

Tổng Bí thư đồng ý với các kiến nghị, như sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo, tuy nhiên phải cân nhắc rất kỹ cái gì cần sửa mới sửa; bổ sung một vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi chỉ đạo là vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam theo kết luận của Thanh tra Chính phủ; bổ sung một đồng chí Phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư vào thành viên Ban Chỉ đạo... Tổng Bí thư cũng lưu ý việc thành lập các đoàn kiểm tra sao cho hiệu quả, thiết thực, tránh chồng chéo, không được gây khó khăn cho cơ sở, làm đúng chức năng nhiệm vụ...
P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top